Nhiều giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng đầu vào ngành Sư phạm

GD&TĐ - Tại Công văn số 283/BDN ngày 6/7/2018 do Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ GD&ĐT, cử tri tỉnh Tiền Giang phản ánh: Trong những năm gần đây, so với các khối ngành khác như kinh tế, công an, điểm trúng tuyển vào bậc ĐH ngành Sư phạm (SP) là rất thấp.

Công tác tư vấn tuyển sinh sư phạm được đẩy mạnh tại các trường
Công tác tư vấn tuyển sinh sư phạm được đẩy mạnh tại các trường

Thực tế này cho thấy ngành SP hiện nay không có sức thu hút do chế độ đãi ngộ và thu nhập còn quá thấp khiến cử tri lo ngại tương lai của ngành GD, bởi lẽ muốn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trước tiên phải bắt nguồn từ đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên giỏi, có tâm huyết. Do đó, cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, sớm có giải pháp nhằm thu hút các em HS giỏi tốt nghiệp THPT thi vào ngành SP, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo bậc ĐH khối ngành SP để đáp ứng nhu cầu GD chất lượng cao của nước ta hiện nay.

Bộ GD&ĐT trả lời:

Thực tế trong nhiều năm qua, điểm chuẩn của một số ngành ở một số cơ sở GD ĐH còn thấp, trong đó có một số trường SP địa phương điểm chuẩn còn thấp hơn so với mặt bằng chung. Trước thực trạng này, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu, đổi mới công tác tuyển sinh, trong đó thực hiện chính sách hạn chế mở ngành đào tạo mới, rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng của các ngành đào tạo giáo viên đang triển khai đào tạo, tạm dừng tuyển sinh hình thức đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, giảm chỉ tiêu tuyển sinh SP theo từng năm với lộ trình cụ thể, đào tạo chuyển đổi các giáo viên dôi dư để sử dụng hiệu quả hơn... Mặc dù vậy, vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương.

Từ năm 2018, Bộ GD&ĐT đã đổi mới phương thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó đối với nhóm ngành/ngành đào tạo giáo viên chỉ tiêu được xác định dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường. Bộ GD&ĐT tiếp tục quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành tuyển sinh đào tạo giáo viên ở các trình độ, cụ thể: Mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của các tổ hợp xét tuyển vào ĐHSP đối với thí sinh thi THPT quốc gia: 17,0 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi; mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của các tổ hợp xét tuyển vào CĐSP, đối với thí sinh thi THPT quốc gia: 15,0 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi; mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của các tổ hợp xét tuyển vào trung cấp SP, đối với thí sinh thi THPT quốc gia: 13,0 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng đầu vào nhất là chất lượng đầu vào ngành SP, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai một số giải pháp, cụ thể như sau:

Sửa đổi phương thức hỗ trợ tài chính đối với SV SP: Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho HS SV ngành SP bằng quy định được vay tín dụng SP để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành GD đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng SP;

Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở GD ĐH và đào tạo giáo viên giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2035 theo Luật Quy hoạch và định hướng của Nghị quyết 19-NQ/TW;

Sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo SP để nâng cao chất lượng đầu vào; cùng với chính sách ưu đãi trong đào tạo, bồi dưỡng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành GD.

Tăng cường sự phối hợp giữa các bên liên quan trong việc quan tâm đến nâng cao vị thế nhà giáo, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo, môi trường làm việc của giáo viên sau khi ra trường gắn với chế độ đãi ngộ lương, phụ cấp, thu nhập, điều kiện, điều kiện thăng tiến, điều kiện làm việc đối với SV tốt nghiệp SP.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ