Người mẹ hiền của học sinh khuyết tật

GD&TĐ - Không chỉ giỏi nghề, cô Trần Thị Thu Hiền - giáo viên Trường Tiểu học Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) còn được nhiều HS khuyết tật đang theo học tin tưởng, yêu mến và coi như “người mẹ thứ hai”.

Cô Trần Thị Hiền cùng HS Trường Tiểu học Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội)
Cô Trần Thị Hiền cùng HS Trường Tiểu học Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội)

Hơn 43 tuổi đời, 21 năm tuổi nghề, làm giáo viên chủ nhiệm đủ các khối từ 1 - 5, cô Trần Thị Thu Hiền luôn có ý thức phấn đấu nâng cao năng lực chuyên môn.

Cô tâm sự: “Ngoài chuyên môn vững, trước hết, người giáo viên phải có tâm, có đức đối với nghề. Dạy dỗ, giáo dục các em cần phải thật kiên trì, bền bỉ, yêu thương. Giáo viên phải là một tấm gương mẫu mực để các em noi theo. Đây là những điều mà tôi luôn tự nhắc nhở mình trong hơn 20 năm qua”.

Trên lớp, cô Hiền thường xuyên dành sự quan tâm, ưu tiên về thời gian cho những HS khuyết tật học hòa nhập. Trong mỗi tiết học, cô thường kết hợp đa dạng phương pháp và hình thức dạy học để phát huy được năng lực của HS.

Cô Hiền cho biết, khi trong một lớp học hòa nhập, giáo viên chủ nhiệm cần phải nỗ lực rất lớn để vừa bảo đảm giảng dạy tốt cho những HS bình thường, vừa quan tâm, dạy dỗ được các HS khuyết tật. Để làm được điều này, chuyên môn giỏi là chưa đủ, quan trọng hơn cả vẫn là tình thương yêu, sự kiên nhẫn đối với học trò.

Trẻ khuyết tật trí tuệ thường mặc cảm, tự ti, đôi lúc còn có những hành động quậy phá. Nhiều em có khả năng tiếp thu kiến thức chậm hơn HS bình thường. Vì thế, giáo viên cần phải kiên nhẫn, bỏ công sức nhiều hơn để giảng đi giảng lại một bài học. Bên cạnh đó, các thầy cô đôi lúc còn bất đắc dĩ trở thành bác sĩ tâm lý để chia sẻ, động viên, hỗ trợ các em cùng học tập cũng như hòa nhập.

Cô Hiền chia sẻ: “Cũng có chuyện phụ huynh HS lo ngại việc học tập của con mình bị ảnh hưởng khi trong lớp có HS khuyết tật. Tôi và các đồng nghiệp phải thuyết phục, giải thích, kêu gọi tình thương yêu của mọi người và bản thân mình phải làm gương bằng những hành động, việc làm thiết thực”.

Từ đó, nhiều phụ huynh ủng hộ việc học hòa nhập của trẻ khuyết tật. Các em HS cũng biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc đến người khác, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, từng bước xây dựng nhân cách tốt đẹp, yêu thương con người.

Cô Nguyễn Thúy Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Trì cho biết, hiếm có giáo viên nào có được sự kiên nhẫn và tình yêu thương trẻ như cô Hiền. Đã nhiều lần, cô tận mắt chứng kiến cô Hiền nhẫn nại giảng lại bài cho HS khuyết tật sau giờ học.

Nhiều năm liền đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp trường, đoạt giải tại Hội thi Giáo viên giỏi cấp quận, danh hiệu Sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố... cô Trần Thị Thu Hiền vẫn ngày đêm trăn trở, tìm tòi, xây dựng những sáng kiến mới, phù hợp với những HS khuyết tật, giúp các em tự tin hòa nhập, phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ