Nghề dạy học - sức hút kỳ lạ

GD&TĐ - Ngay từ khi còn là học sinh, anh đã yêu nghề dạy học. Anh yêu nghề giáo bằng cả trái tim thương mến, kính trọng các thầy cô đã dạy dỗ anh nên người. Hơn nữa, nghề “chèo đò” còn giúp anh tìm lại những kỹ ức đẹp đẽ, ngọt ngào của tuổi học trò mà không nghề nào có được. 

Thầy giáo Ngô Huy Thành (ngoài cùng bên phải) cùng cô giáo Lê Thúy Hạnh (Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú) chụp ảnh lưu niệm với học trò khi dâng hương đến Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thầy giáo Ngô Huy Thành (ngoài cùng bên phải) cùng cô giáo Lê Thúy Hạnh (Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú) chụp ảnh lưu niệm với học trò khi dâng hương đến Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Hơn chục năm công tác, anh đã cống hiến hết mình cho ngành Giáo dục thành phố Hải Phòng với những thành tích đáng nể. Anh là Ngô Huy Thành (SN 1981), giáo viên dạy môn Địa lý Trường THCS Trần Phú (quận Lê Chân, TP Hải Phòng).

Sức hút kỳ lạ của nghề giáo

Dù rất bận rộn cho công tác chuẩn bị đầu năm học mới và các công việc chuyên môn, nhưng thầy giáo Ngô Huy Thành vẫn dành cho Báo GD&TĐ một cuộc trò chuyện thú vị về nghề giáo cũng như chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy môn Địa lý với tư cách là một giáo viên dạy giỏi của trường, quận và thành phố nhiều năm liền.

Sinh ra và lớn lên tại huyện Kiến Thụy (nay là quận Dương Kinh) anh Thành luôn biết vượt khó, phấn đấu học tập.

Thời còn “mài đũng quần” ở ghế nhà trường, hình ảnh những thầy cô giáo với đôi dép tổ ong, chiếc áo đã sờn vai, chiếc xe đạp cũ kĩ vẫn ngày ngày đến lớp dạy học trò bằng cả tình yêu và nhiệt huyết đã tạo cho cậu học trò Thành một ấn tượng đẹp và vô cùng sâu sắc.

Trường học ngày ấy, thầy và trò không phải ai xa lạ, đều là người trong làng, trong xóm. Tuy cuộc sống vất vả, khó khăn nhưng thầy cô luôn dành tình yêu thương, tâm sức cho trò. Được học những điều hay, lẽ phải được ngắm nhìn hình ảnh thầy cô cần mẫn bên trang giáo án, nắn nót từng nét chữ trên chiếc bảng đen càng làm cho anh Thành thêm thần tượng thầy cô và yêu nghề dạy trẻ.

Rời ghế trường cấp ba anh Thành quyết theo nghề giáo và thi đỗ vào Khoa Sư phạm Địa lý, trường Đại học Hải Phòng.

Sau khi ra trường, anh được nhận về công tác tại Trường THCS Đồng Thái, huyện An Dương. Sau gần chục năm cống hiến cho ngành giáo dục huyện An Dương, đến năm 2013 anh xin chuyển công tác về Trường THCS Trần Phú, quận Lê Chân.

Giảng dạy tại một trường THCS tốp đầu của quận Lê Chân, sau những nỗi lực của bản thân, thầy giáo Thành được Ban giám hiệu nhà trường tin tưởng giao trọng trách nhóm trưởng nhóm Địa lý và phụ trách công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

Vừa tham gia công tác công đoàn, vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, ôn thi học sinh giỏi khá vất vả nhưng năm nào anh Thành cũng hoàn thành tốt công việc được giao và được lãnh đạo nhà trường cũng như lãnh đạo ngành giáo dục, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Từ năm học 2009 - 2010 đến nay, thầy giáo Ngô Huy Thành liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên giỏi các cấp. Năm học 2016 - 2017 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố. Các năm học 2016 - 2017; 2018 - 2019 anh vinh dự được nhận Bằng khen của UBND thành phố về những đóng góp cho ngành Giáo dục.

Tìm lại ký ức tuổi thơ qua mỗi “chuyến đò”

Hơn chục năm công tác trong ngành Giáo dục, 6 năm giảng dạy tại Trường THCS Trần Phú thầy giáo Thành có những đóng góp lớn vào bảng dày thành tích hơn 20 năm phát triển vững mạnh của giáo dục quận Lê Chân. Thầy Thành được nhiều đồng nghiệp nể phục bởi chuyên môn vững vàng, đặc biệt có “tay” rèn học sinh giỏi.

Năm học 2015 - 2016, môn Địa lý của Trường THCS Trần Phú có 2 giải Nhất, 6 giải Nhì, 1 giải Ba, 2 giải Khuyến khích cấp quận và 2 giải Nhất, 3 giải Ba cấp thành phố đều là học trò do thầy Thành ôn luyện.

Vì những thành tích đạt được, năm 2015 anh được UBND thành phố Hải Phòng tặng danh hiệu lao động giỏi và nhiều danh hiệu khác do trường và quận trao tặng.

Năm học vừa qua, anh có 5 giải học sinh giỏi cấp thành phố gồm 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba. Được lãnh đạo ngành giáo dục tin tưởng lựa chọn là thành viên Hội đồng bộ môn của Sở GD&ĐT, thành viên thẩm định đề học sinh giỏi cấp quận, thành viên hội đồng ra đề thi chuyên cấp Thành phố năm học 2018 - 2019

Hơn chục năm công tác trong nghề, bao “chuyến đò” đã sang sông, “người lái đò”- Ngô Huy Thành vẫn cần mẫn chèo đò quên cả hạnh phúc riêng tư.

Nhưng khi hỏi về tên những học trò giỏi mà anh đã từng giảng dạy, anh Thành kể rất rành rọt từng trò như: Em Nguyễn Anh Thư, học sinh lớp 9A2 niên khóa 2010 - 2014; em Vũ Ngọc Minh Tâm học sinh lớp 9A7, niên khóa 2013 - 2017; em Lê Thu Hà, học sinh lớp 9A6, niên khóa 2015 - 2019…

Khi được hỏi về kinh nghiệm chuyên môn và bí quyết rèn học sinh giỏi, anh Thành khiêm tốn nói: Bản thân tôi còn chưa có nhiều kinh nghiệm như các thầy cô đi trước, vì thế tôi luôn cố gắng không ngừng học tập để trau dồi chuyên môn.

Nhưng tôi nghĩ không có kinh nghiệm nào tốt hơn đó là tình yêu nghề, yêu trẻ, sự nhiệt huyết và không bằng lòng với chính mình. Có được điều đó, mỗi người thầy, người cô sẽ nhận được niềm tin yêu của học trò.

Trước thềm năm học mới, bao công việc bộn bề nhưng với anh Thành được dạy học là một niềm vui, niềm hạnh phúc.

Anh tâm sự: “Dạy học trò, tôi được trải lòng mình trong những bài giảng, được trở về với kí ức của tuổi học trò sẽ chẳng thể nào trở lại. Tôi còn được lắng nghe những câu chuyện, tâm sự của các em để hiểu học sinh hơn.

Tôi thường nói đùa với học sinh: Thầy đã bắt đầu chậm chạp, cũ kĩ, một chút cổ hủ nhưng thầy vẫn còn nhiều lắm sự nhiệt tình, tình yêu với nghề. Thầy nghĩ đó là con đường ngắn nhất đưa thầy đến và đồng hành cùng các em”, thầy giáo Thành trải lòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ