Năng động đổi mới sáng tạo

GD&TĐ - Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019 cho biết Việt Nam đã tăng 3 bậc lên vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng năm 2018. Kết quả này khẳng định hướng đi đúng đắn, hiệu quả chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Chính phủ cùng nỗ lực của các bộ/ngành/địa phương, trong đó có đóng góp không nhỏ của ngành GD - ĐT.

Năng động đổi mới sáng tạo

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) là bộ công cụ do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với một số viện nghiên cứu, trường ĐH xây dựng nhằm đo lường hệ thống đổi mới sáng tạo của các quốc gia. Các chỉ số được đánh giá thông qua nguồn nhân lực, nghiên cứu, thể chế vĩ mô, cơ sở hạ tầng, thị trường và môi trường kinh doanh, sản phẩm tri thức công nghệ và sản phẩm sáng tạo.

Các chỉ số phát triển vượt bậc so với năm 2018 là trình độ phát triển của thị trường, xếp hạng 29, tăng 3 bậc; Tín dụng xếp hạng 11, tăng 4 bậc; Tăng năng suất lao động xếp thứ 3, tăng 3 bậc; Tổng chi cho nghiên cứu và phát triển xếp hạng 61, tăng 5 bậc; Sản phẩm kiến thức và công nghệ xếp hạng 27, tăng 8 bậc.

Đáng chú ý, Lĩnh vực khoa học công nghệ và sáng tạo, cả chỉ số đầu ra lẫn đầu vào đều có những tăng trưởng hết sức ấn tượng. Tỷ lệ doanh nghiệp dành sự quan tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và triển khai ứng dụng, hợp tác với khối viện nghiên cứu và các trường ĐH, chỉ tiêu sản phẩm dựa trên tri thức và công nghệ đạt thứ hạng rất cao.

Đây là minh chứng rõ nét chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiều năm qua, đồng thời cho thấy đóng góp quan trọng của ngành GD – ĐT trong kết quả này.

Sau 5 năm thực hiện yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia GD theo Nghị quyết 29, số lượng và chất lượng các nhà khoa học trong trường ĐH tăng dần hàng năm, giúp ngành GD sở hữu lực lượng dồi dào các nhà khoa học trình độ cao với những tên tuổi nhà khoa học nằm trong danh sách các nhà khoa học châu lục, thế giới như: GS Phan Thanh Sơn – Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM), PGS Nguyễn Sum - Trường ĐH Quy Nhơn, được vinh danh trong danh sách 100 nhà khoa học châu Á năm 2018; TS Nguyễn Thị Hiệp - Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) – được bình chọn là 1 trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2019…

Một nhiệm vụ rất được coi trọng, đầu tư trong các trường ĐH là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (NCKH). Tại một hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết về công bố quốc tế trong các nước ASEAN, Việt Nam xếp thứ tư sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. So với 5 năm trước, công bố quốc tế của Việt Nam đã tăng gấp đôi. Công bố quốc tế trong các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ GD-ĐT trong năm qua tăng 26%. Các trường thí điểm tự chủ đã năng động hơn, tự tạo cơ chế giúp nghiên cứu khoa học phát triển.

Theo quy định, trong xếp hạng ĐH quốc tế, tiêu chí về nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế, danh tiếng về khoa học rất được chú trọng. Thành quả nghiên cứu khoa học, công nghệ đã góp phần cải thiện được thứ hạng các trường ĐH Việt Nam trong bảng xếp hạng ĐH thế giới và châu Á. Mới đây, bảng xếp hạng ĐH thế giới QS của Anh công bố danh sách 1.001 trường ĐH hàng đầu thế giới năm 2020, trong đó, ĐHQG TPHCM đứng top 701 - 750 và ĐHQG Hà Nội đứng top 801 - 1.000. Trước đó, trong bảng xếp hạng năm 2019, 2 ĐH trên cũng lọt vào danh sách này với vị trí tương tự.

Hợp tác quốc tế trong GD ĐH sâu rộng hơn, nâng cao chất lượng, năng lực đào tạo gắn với khoa học công nghệ để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế, ngành GD đang nỗ lực đóng góp để phát huy tốc độ tăng trưởng trên bảng xếp hạng WIPO như hiện nay, góp phần cùng các bộ/ngành/địa phương đưa Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia phát triển mạnh mẽ dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ