Chuyện lạ ở làng có 700 hộ dân thì 600 nhà có người theo nghề "gõ đầu trẻ"

GD&TĐ - Nằm trải dọc theo dòng sông Vĩnh Định, làng Nại Cửu hiện ra trước mắt với những ngôi nhà kiến trúc ba gian truyền thống bình dị, xen giữa là những vườn rau quả xanh mướt.

Chỉ tính riêng Trường Tiểu học Triệu Thành đã có gần 20 giáo viên người làng Nại Cửu đang công tác.
Chỉ tính riêng Trường Tiểu học Triệu Thành đã có gần 20 giáo viên người làng Nại Cửu đang công tác.

Đây là ngôi làng nổi tiếng hiếu học bậc nhất của Quảng Trị và thường được gọi bằng cái tên “làng giáo viên”, bởi gần 1/4 số dân của làng đang theo nghiệp “phấn trắng, bảng đen”.

Nhà nhà dạy học

Làng Nại Cửu (thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) từng thuộc diện nghèo nhất xã. Mỗi lao động chỉ có 400m2 ruộng đất. Để thoát nghèo, người dân nơi đây xác định học là cứu cánh.

Toàn làng hiện có 718 hộ thì có hơn 600 người theo nghề giáo. Trong đó, nhà ít một người, nhà nhiều thì có gần một tiểu đội (12 người). Bên cạnh đó, địa phương còn có hơn 70 sinh viên đang theo học sư phạm tại các trường đại học, cao đẳng trên khắp cả nước. Nhiều nhà có cả con dâu và con rể làm nghề giáo. Thậm chí, có những hộ gia đình có từ 3 - 4 thế hệ cùng theo nghiệp “gõ đầu trẻ”. Tiêu biểu như gia đình cố nhà giáo Hoàng Danh.

Đây là đại gia đình có người làm nghề giáo đông nhất làng với 11 người. Nếu tính cả con cháu nội ngoại, anh em ruột của thầy Danh thì có hơn 30 người theo nghề này. Đặc biệt, trong dòng họ Hoàng của thầy Danh hầu như gia đình nào cũng có người làm giáo viên với trên 100 người.

Ngoài ra, còn có gia đình thầy giáo hưu trí Trần Ước với 7 người theo nghề giáo, hay thầy Hoàng Văn Hậu có 5 thành viên cũng theo nghiệp “gieo chữ”...

Thầy Võ Nguyên Hồng (một nhà giáo của làng Nại Cửu, công tác tại Trường Tiểu học Triệu Thành) tâm sự: “Ngày xưa, làng Nại Cửu vốn là nơi người đông đất chật, đời sống của bà con khó khăn.

Thương ba mẹ chân lấm tay bùn cực nhọc, anh em chúng tôi động viên nhau cố gắng học tập để thoát nghèo. Thấy nghề giáo là một nghề giản dị, thanh cao, lại truyền dạy bao kiến thức hay nên tôi quyết định theo nghiệp dạy học.

Trong làng mọi người cũng vận động con em đi theo nghề giáo viên. Và rồi lớp lớp con cháu cứ thế nối nghiệp cha ông để lại. Năm này qua năm khác, đội ngũ giáo viên của thôn Nại Cửu ngày một nhiều, dẫn đầu trong toàn xã, huyện, rồi tỉnh”.

“Từ nhỏ, thấy các thầy cô dạy học, mình rất thích làm giáo viên. Ước mơ đó luôn ấp ủ trong người. Thế là tốt nghiệp THPT xong, mình thi vào Trường ĐHSP Huế. Ra trường, mình xin lên công tác tại xã Thanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) 6 năm, sau đó thì về lại quê nhà giảng dạy.

Nhà mình hiện có 3 chị em trong nhà theo nghề giáo. Tính đến nay, mình đã ngót nghét theo nghiệp dạy học được 14 năm. Mình chọn nghề này vì muốn góp phần nhỏ vào việc truyền thụ kiến thức cho các thế hệ học sinh, hướng đàn em noi gương, tiếp bước nghề truyền thống của làng” - cô giáo Võ Thị Bích Nga - giáo viên Trường Tiểu học Triệu Thành chia sẻ.

Luôn gìn giữ truyền thống đẹp của làng

Truyền thống hiếu học và theo nghiệp “gõ đầu trẻ” luôn được người dân làng Nại Cửu tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Truyền thống hiếu học và theo nghiệp “gõ đầu trẻ” luôn được người dân làng Nại Cửu tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Theo các bậc cao niên trong làng, nghề giáo ở Nại Cửu đã có từ hơn 300 năm trước. Người “đặt nền móng” khởi nghiệp nghề này của làng là ông Trần Gia Thụy - đỗ tiến sĩ, từng làm thầy dạy học và giữ đến chức Thượng thư bộ Lễ ở thời Hậu Lê.

Kể từ đó, con em trong làng nối nghiệp tổ tông chăm chỉ đèn sách và liên tục đỗ đạt cao. Niên hiệu Tự Đức thứ 4, làng lại có ông Võ Tử Văn đỗ Phó Bảng khoa Tân Hợi (năm 1851), làm đến chức quan Án Sát, dạy học trong cung.

Trải qua bao đời nay, không ai bảo ai cả nhưng người dân trong làng đều xem dạy học là nghề truyền thống và luôn coi đó là niềm tự hào của làng. Mọi gia đình luôn khuyến khích, hướng nghiệp con em noi gương ông cha thi vào các trường sư phạm.

Vào năm 2014, làng Nại Cửu đã thành lập Câu lạc bộ nhà giáo gồm tất cả cựu giáo chức đã nghỉ hưu, các giáo viên đang công tác trong ngành Giáo dục là con em của làng nhằm mục đích làm gương cho thế hệ trẻ noi theo.

Cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm, câu lạc bộ lại tổ chức gặp mặt truyền thống để chia sẻ, động viên nhau trau dồi phẩm chất, đạo đức nhà giáo và nâng cao trình độ công tác để cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp “trồng người”.

Không những là nơi nổi tiếng có nhiều giáo viên, làng Nại Cửu còn được nhiều người biết đến bởi truyền thống cần cù, ham học của con em trong làng. Gia đình dù khó khăn đến đâu, nhưng việc học hành của con cháu vẫn phải đến nơi đến chốn. Nếu gia đình nào gặp khó khăn thì sẽ   được các quỹ khuyến học của làng, dòng họ giúp đỡ trong việc học hành của con cháu.

Ông Võ Văn Bắc - Chủ tịch HĐND xã Triệu Thành - cho hay, nhờ có nhiều giáo viên nên việc học của con em trong làng luôn được các hộ gia đình quan tâm nhắc nhở. Bình quân mỗi năm làng có khoảng 20 - 30 học sinh thi đỗ vào các trường đại học,   cao đẳng.

Để động viên, khuyến khích con em của làng học giỏi, làng đã lập 3 quỹ khuyến học dành riêng cho từng đối tượng gồm: Quỹ Khuyến học làng Nại Cửu (trao tặng cho các học sinh giỏi các cấp và thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng công lập); Quỹ Khuyến học Võ Tử Văn (trao cho con em đoạt các giải quốc gia, thủ khoa các trường đại học và cao đẳng, giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ) và Quỹ Khuyến học của 6 dòng họ bao gồm Võ, Trần, Hoàng, Lê, Nguyễn, Phan (trao cho con em trong họ học giỏi và đoạt giải trong các kỳ thi…).

Hiện, làng Nại Cửu có 3 phó giáo sư, 10 tiến sĩ, hàng trăm thạc sĩ, cùng hàng nghìn người tốt nghiệp đại học, cao đẳng… đang công tác trên khắp mọi miền đất nước. “Truyền thống hiếu học ở làng Nại Cửu đã và đang góp phần tô bồi những giá trị văn hóa quý báu của mảnh đất này. Đó là truyền thống trọng lễ nghĩa, tinh thần cần cù, chịu thương chịu khó và một tấm lòng thủy chung ly hương bất ly tổ”, ông Bắc nói.

Đình làng Nại Cửu, ngoài bàn thờ Thần Hoàng làng, các vị tổ tiên có công gây dựng, còn dành một nơi trang trọng để vinh danh các vị chức sắc học sĩ còn sống cũng như đã khuất và vinh danh con em trong làng. Vì thế, nên trước khu vực này không bao giờ có người vái lạy và có tên là bàn học sĩ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ