Kỳ thi THPT quốc gia đáp ứng yêu cầu thi cử gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém

GD&TĐ - Cử tri thành phố Hà Nội đề nghị bộ, ngành chức năng thận trọng nghiên cứu, có giải pháp hiệu quả, lâu dài liên quan đến Kỳ thi THPTQG và xét tuyển ĐH.

Ảnh internet
Ảnh internet

Bộ GD&ĐT cho biết: Trước năm 2014, hằng năm tổ chức hai kỳ thi quốc gia gồm thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ, có quy mô lớn, được tổ chức riêng rẽ, cách nhau một thời gian ngắn nên rất nặng nề, dẫn đến việc luyện thi tràn lan và tình trạng học tủ, học lệch của học sinh, gây tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; trong đó xác định đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT là khâu đột phá, tác động tích cực trở lại đối với quá trình đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng GD trong nhà trường.

Bộ đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tổ chức Kỳ thi THPTQG thực hiện theo lộ trình từ năm 2015 - 2020 đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29. Qua 4 năm thực hiện ổn định với một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật theo từng năm, Kỳ thi

THPTQG đã đáp ứng yêu cầu thi cử gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, xã hội; công tác tuyển sinh ĐH, CĐ thuận lợi, phát huy ngày càng cao tính tự chủ của các cơ sở đào tạo, mở ra nhiều hơn cơ hội tiếp cận GD ĐH, GD nghề nghiệp cho thí sinh. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin phản hồi tin cậy về chất lượng GD phổ thông để điều chỉnh quá trình dạy, học, góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong trường phổ thông. Tuy nhiên, việc ra đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi, xét tuyển ĐH, CĐ hằng năm vẫn còn một số bất cập, cần rút kinh nghiệm, hoàn thiện để kết quả thi đảm bảo tính khách quan, trung thực.

Bộ GD&ĐT đã tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các khâu của quy trình tổ chức Kỳ thi

THPTQG trên tinh thần nghiêm túc, trung thực; đồng thời, cầu thị tiếp thu ý kiến của đội ngũ cán bộ quản lý GD, thầy cô giáo, các nhà khoa học, chuyên gia GD để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án tổ chức Kỳ thi THPTQG để tổ chức tốt hơn Kỳ thi 2019 và những năm tiếp theo.

Theo đó, Kỳ thi THPTQG năm 2019 giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm 2017, 2018 để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh cũng như xã hội; đồng thời, thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập đảm bảo tổ chức thi khách quan, an toàn, nghiêm túc.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng Phương án đổi mới thi xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ sau 2020 trên cơ sở kế thừa kết quả đã đạt được trong tổ chức Kỳ thi THPTQG các năm qua, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 29, đảm bảo đúng luật, đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình GD phổ thông mới và lộ trình tăng cường tự chủ của các cơ sở GD ĐH, từng bước tiếp cận xu hướng thi/tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ