Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ: Góp sức phát triển ngành thủy sản nước nhà

GD&TĐ - Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ đã đào tạo hơn 5.000 kỹ sư, hơn 600 thạc sĩ và gần 50 tiến sĩ cho ngành thủy sản. Đây chính là nguồn nhân lực quan trọng để thực hiện thành công chiến lược phát triển thủy sản do Đảng và Nhà nước đề ra.

Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ.
Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ.

Đào tạo nhân lực cho đồng bằng và cả nước

Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ là một trong những đơn vị tiêu biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII.

Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, ngành thủy sản Việt Nam đi từ chỗ nghèo nàn lạc hậu, trở thành quốc gia có nền công nghiệp thủy sản hiện đại, đứng hàng thứ tư về sản xuất và xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Theo số liệu của VASEP, năm 2019 Việt Nam đã sản xuất được 8,15 triệu tấn thủy hải sản, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,6 tỉ USD.

Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp hơn 70% sản lượng và hơn 60% giá trị xuất khẩu. Đồng hành với sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam, lực lượng cán bộ giảng dạy của Khoa ngày một lớn mạnh. Khoa Thủy sản giờ đây trở thành đơn vị mạnh trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thủy sản của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ đã đóng góp một phần không nhỏ cho những thành tựu đó. Khoa đã đào tạo hơn 5.000 kỹ sư, hơn 600 thạc sĩ và gần 50 tiến sĩ cho ngành thủy sản, đây chính là nguồn nhân lực quan trọng để thực hiện thành công chiến lược phát triển thủy sản do Đảng và Nhà nước đề ra.

Khởi đầu cho quá trình xây dựng lực lượng cán bộ giảng dạy, Khoa Thủy sản đã gặp không ít khó khăn, trở ngại. Nhưng với tinh thần quyết tâm và sự đồng lòng của toàn thể cán bộ cùng với những hoạch định đúng đắn của các vị lãnh đạo lúc bấy giờ, Khoa Thủy sản đã thành công và đã xây dựng được lực lượng cán bộ giảng dạy lớn mạnh như ngày hôm nay.

Cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ trong giờ thực nghiệm.
Cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ trong giờ thực nghiệm.

Vươn tầm quốc tế

Vào thời điểm năm 1993, Khoa thủy sản có khoảng 30 cán bộ giảng dạy, trong đó chỉ có duy nhất 1 cán bộ có trình độ thạc sĩ. Nhận thấy lực lượng cán bộ của Khoa Thủy sản quá non trẻ, khó có thể gánh vác trọng trách thúc đẩy sự phát triển ngành thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long theo định hướng của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần 5, khóa VII.

Các nhà lãnh đạo tiền nhiệm của Trường ĐH Cần Thơ và Khoa Thủy sản đã hoạch định một chiến lược mang tính đột phá về đào tạo lực lượng cán bộ đầu đàn cho ngành thủy sản của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, khoảng 1/3 số lượng cán bộ của Khoa Thủy sản được tạo mọi điều kiện, tập trung toàn thời gian học ngoại ngữ để sẵn sàng đi học tập ở nước ngoài.

Số cán bộ còn lại phải hy sinh cho đồng nghiệp, gánh vác tất cả các công tác của người đi học để lại. Và cứ theo định hướng đó, những cán bộ sau khi hoàn thành chương trình học tập ở nước ngoài trở về sẽ phải gánh vác công tác và dìu dắt những cán bộ còn lại tham gia chương trình học tập nâng cao trình độ.

Sau hơn 10 năm thực hiện kế hoạch, đến năm 2005, Khoa Thủy sản đã đạt được thành tựu bước đầu, 11 tiến sĩ (chiếm 29% lực lượng cán bộ giảng dạy) và 24 thạc sĩ đã được đào tạo. Lớp cán bộ đầu đàn này là nền tảng và là động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của các giai đoạn tiếp theo.

Trong thời gian học tập ở nước ngoài, lớp cán bộ đầu đàn đã tạo được mối quan hệ với các giáo sư của các trường đại học và các học viên cùng lớp. Thông qua mối quan hệ đó, lớp cán bộ đầu đàn đã tìm kiếm được nhiều dự án hợp tác quốc tế lớn, nhiều học bổng thạc sĩ và tiến sĩ cho đơn vị góp phần đào tạo lực lượng cán bộ kế cận.

Từ năm 1993 đến nay, trung bình lực lượng cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ của Khoa Thủy sản tăng khoảng hơn 15% sau 5 năm. Năm 2010, Khoa đã đào tạo được 24 tiến sĩ (trong đó có 6 cán bộ đạt chức danh PGS), chiếm tỉ lệ 48% lực lượng cán bộ giảng dạy. Năm 2015, Khoa đã đào tạo được 37 tiến sĩ (trong đó có 1 cán bộ đạt chức danh GS và 17 cán bộ đạt chức danh PGS), chiếm tỉ lệ 64% lực lượng cán bộ giảng dạy. Năm 2014, 100% lực lượng cán bộ giảng dạy của Khoa đạt trình độ sau đại học.

Kế thừa những giai đoạn trước đó, giai đoạn 2015 - 2020, công tác phát triển lực lượng cán bộ giảng dạy tiếp tục phát triển. Đến nay Khoa Thủy sản có 45 tiến sĩ (trong đó có 2 cán bộ đạt chức danh GS và 23 cán bộ đạt chức danh PGS), chiếm tỉ lệ 79% lực lượng cán bộ giảng dạy.

Đặc biệt, nhờ có lực lượng cán bộ giảng dạy trình độ cao và đa số được đào tạo ở các trường đại học danh tiếng ở Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Á, nên Khoa Thủy sản đã phát triển và mở chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ cho sinh viên quốc tế (dạy và học bằng tiếng Anh). 

Thành tựu này, Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ trở thành đơn vị đầu tiên trong các trường đại học ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có chương trình đào tạo Nuôi trồng thủy sản bằng tiếng Anh cho cả 3 bậc: Đại học (Chương trình tiến tiến Nuôi trồng thủy sản), thạc sĩ Nuôi trồng thủy sản và tiến sĩ Nuôi trồng thủy sản. Khoa Thủy sản đã và đang đào tạo cho 43 sinh viên quốc tế đến từ 13 quốc gia, trong đó có 6 quốc gia Châu Á, 6 quốc gia Châu Phi và 1 quốc gia Châu Âu…

Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ đóng góp cho ngành thủy sản những thành tựu nghiên cứu khoa học có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển nhanh chóng của ngành như: Quy trình sản xuất giống nhân tạo và nuôi cá tra, ba sa; Quy trình sản xuất giống nhân tạo và nuôi tôm càng xanh; Quy trình nuôi tôm sú bán thâm canh và thâm canh; Sản xuất giống nhân tạo và nuôi một số loài cá đồng… Đây là những đối tượng nuôi chủ lực cho chế biến xuất khẩu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.