Khi thầy là… giáo viên mầm non

GD&TĐ - Vinh dự là một trong 50 nhà giáo được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2019 do Sở GD&ĐT TPHCM trao tặng cho các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm, thầy Nguyễn Phương Bình, giáo viên Trường Mầm non 1, quận 5 vô cùng hạnh phúc. 

Thầy Nguyễn Phương Bình chỉ dạy cho học trò qua bài học “Quy tắc 5 ngón tay”
Thầy Nguyễn Phương Bình chỉ dạy cho học trò qua bài học “Quy tắc 5 ngón tay”

Hạnh phúc vì chọn nghề giáo

Thầy Bình cho biết: Thời học phổ thông, khi ở nhà chơi với các cháu, thấy bản thân yêu thích và cũng có khả năng chăm sóc trẻ, tôi bắt đầu nghĩ đến việc trở thành giáo viên mầm non. “Lúc đó, gia đình chưa đồng ý và tôi phải thuyết phục dần dần. Bạn bè nhiều người cũng bất ngờ lắm, họ khuyên theo nghề khác vì giáo viên mầm non vất vả, thu nhập so với các ngành nghề khác không bằng, hợp với phái nữ hơn... Nhất là khi theo học tại trường trung cấp sư phạm mầm non, các bạn cùng khối và các thầy cô ai cũng tò mò, ngạc nhiên vì sao tôi lại chọn nghề này. Tôi chỉ mỉm cười và trả lời, vì tôi yêu thích và muốn gắn bó với nó”, thầy Bình giãi bày.

Tốt nghiệp ra trường, thầy Bình được nhận về công tác tại Trường Mầm non 1, quận 5. Ban đầu, thầy xung phong phụ trách lớp nhà trẻ (trẻ 24 - 36 tháng), khiến ai cũng bất ngờ. Bởi lứa tuổi này, trẻ còn nhỏ, thầy mới vào nghề, phụ huynh không khỏi lo lắng liệu thầy giáo có thể chăm sóc các trẻ tốt như cô giáo?

Nhưng qua mỗi ngày, sự chăm sóc tận tụy, khéo léo, cẩn thận và lòng yêu trẻ của thầy Bình đã tạo sự tin tưởng tuyệt đối với phụ huynh của trường. Họ đã yên tâm gửi trẻ vào lớp của thầy.

Khi mới vào nghề, cũng như nhiều giáo viên khác, thầy Bình cũng gặp một vài khó khăn. Ví dụ như tết tóc cho trẻ không khéo như các cô; thấy thầy giáo, ban đầu một số bé chưa quen, lạ lẫm, có bé khóc thét đòi mẹ; có vài phụ huynh ngần ngại trao đổi, hay như chuyện nắm bắt tâm lý của trẻ… Tuy nhiên, qua thời gian ngắn, với sự giúp đỡ của đồng nghiệp, ban giám hiệu nhà trường và bằng tình yêu dành cho trẻ, thầy Bình đã vượt qua tất cả, mỗi ngày một yêu nghề và gắn bó cho đến bây giờ.

Trong lớp sẽ có 2 giáo viên phụ trách, hai người phối hợp nhịp nhàng để đảm bảo công việc. Ví dụ như với các bé nam, thầy Bình sẽ giúp và hướng dẫn trẻ thay đồ, cô giáo sẽ phụ trách các bé nữ. Những công việc như lau dọn phòng học, vệ sinh đồ chơi, cọ nhà vệ sinh… thầy chẳng ngại ngần việc gì. Thầy cũng là người tất bật chuẩn bị trang phục, make up, dạy các con múa hát trước các hội diễn của trường. Những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nữ giới, nhưng thầy luôn làm rất tốt.

Thầy Bình cho rằng, giáo viên mầm non là nam hay nữ không quá quan trọng, quan trọng là mình yêu thích công việc và làm việc bằng cả trái tim. “Khi vào lớp, tôi vừa như người cha, nhưng cũng như người mẹ vỗ về, yêu thương, dạy bảo trẻ, đó là điều quan trọng nhất”, thầy Bình tâm sự.

Cùng trẻ chơi kéo co
 Cùng trẻ chơi kéo co 

Nếu được lựa chọn lại, vẫn sẽ gắn bó với nghề giáo

Trong suốt 13 năm công tác tại Trường Mầm non 1, thầy Bình có nhiều sáng kiến trong dạy học, tổ chức nhiều chuyên đề cho trẻ tham gia và luôn là người tiên phong tham gia các phong trào của trường, quận phát động.

Thầy Nguyễn Phương Bình từng giành giải 3 cấp thành phố Hội thi triển làm đồ dùng đồ chơi sáng tạo khối mầm non; giải Nhất giáo viên giỏi cấp thành phố; đạt danh hiệu “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” do Công đoàn GD thành phố trao tặng. Ngoài ra, thầy cũng vinh dự là gương điển hình trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Quận ủy quận 5 khen tặng; “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” do UBND quận 5 khen tặng… Mới đây nhất, thầy là một trong 50 nhà giáo tiêu biểu được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2019 do Sở GD&ĐT TPHCM trao tặng.

Những giải thưởng chính là sự ghi nhận nỗ lực, tiếp thêm động lực cho thầy và các đồng nghiệp tiếp tục gắn bó, cống hiến cho nghề. Thầy tâm sự, nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý; nghề giáo luôn được mọi người tôn vinh – nghề “trồng người”. Vì thế, bản thân tự nhắn nhủ với mình: Phải làm thật tốt công việc mình đã chọn, đã yêu, luôn cố gắng, nỗ lực để chăm sóc, dạy bảo trẻ thật tốt, xứng đáng với hai chữ cao quý mà mình đã lựa chọn.

Khi đặt câu hỏi - nếu được lựa chọn lại, thầy có chọn nghề theo nghề khác, thầy Bình không ngần ngại trả lời: “Từ khi chọn và theo nghề, tôi chưa lúc nào có ý định bỏ nghề. Nhìn thấy các con vui, chăm ngoan, học hỏi được nhiều điều qua từng ngày, tôi rất hạnh phúc. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn muốn gắn bó với trường mầm non, với những đứa trẻ hồn nhiên, đáng yêu và mái trường Mầm non 1 của mình”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ