Học sinh sáng tạo thiết bị giúp nông dân ngồi nhà làm... ruộng

GD&TĐ - Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người nông dân, nhóm HS ở TP Cần Thơ đã sáng tạo ra hệ thống điều khiển thiết bị nông nghiệp công suất lớn thông qua điện thoại.

Nhóm học sinh và thầy cô giáo tham dự Cuộc thi HS, SV với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020.
Nhóm học sinh và thầy cô giáo tham dự Cuộc thi HS, SV với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020.

Nhà nông ngồi nhà 

Dự án SAFACO của nhóm HS TP Cần Thơ đoạt giải Nhì tại Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020. Nhóm tác giả thực hiện ý tưởng gồm các em Liêu Minh Khôi, Trần Thị Cẩm Ngọc, Phạm Văn Hữu Tài và Lê Thị Mỹ Duyên, đến từ Trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Điền) và Trường THPT An Khánh (quận Ninh Kiều).

Dự án SAFACO gồm tủ điện điều khiển thiết bị nông nghiệp công suất lớn, kết hợp với sim điện thoại để sử dụng mọi lúc, mọi nơi. Thiết bị giúp điều khiển, thu thập các yếu tố môi trường, quản trị hoạt động sản xuất nông nghiệp từ xa qua sóng điện thoại bằng tin nhắn SMS hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh. Thiết bị có các tính năng nổi bật như: Bật tắt, hẹn giờ tự động, điều khiển bằng giọng nói, bảo mật cao, chỉ có người được phân quyền mới truy cập được. Thiết kế nhỏ gọn, an toàn, đấu nối đơn giản, dễ sử dụng. Hiện tại, ngoài điều khiển từ xa, thiết bị có thể phục vụ hoạt động của máy bơm nước, máy sưởi, máy tạo oxy cho ao nuôi tôm, hệ thống đèn chiếu sáng…

Em Trần Thị Cẩm Ngọc, HS Trường THPT An Khánh (quận Ninh Kiều), thành viên trong nhóm tác giả cho biết: Nhóm đã ra mắt hơn 10 phiên bản, mỗi phiên bản có tính năng riêng. Nhóm không làm các tính năng tập trung vào một phiên bản, mà mỗi sản phẩm có một cái hay riêng để người dân thuận tiện lựa chọn phù hợp với nhu cầu sử dụng, giá thành thiết bị.

Với những tính năng tự động được lập trình, thiết kế sẵn, người nông dân sẽ giảm thiểu sức lao động thủ công, đồng thời tiết kiệm tối đa chi phí. Trên cơ sở đó, người nông dân ra các quyết định về thời gian và số lượng nước tưới tiêu phù hợp, việc quản trị canh tác, sẽ hiệu quả hơn nhiều so với cách làm truyền thống.

Sản phẩm SAFACO do nhóm HS sáng tạo. Ảnh: TG
Sản phẩm SAFACO do nhóm HS sáng tạo. Ảnh: TG

Hiện thực hóa ý tưởng của nhà nông

Em Liêu Minh Khôi, HS Trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Điền), thành viên nhóm tác giả chia sẻ: Nhóm chuẩn bị ra mắt phiên bản 3.0 với nhiều tính năng nâng cấp khác nhau. Sản phẩm của nhóm nghiên cứu được đánh giá có nhiều ưu điểm so với các sản phẩm điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh đang có trên thị trường như có thể bật tắt thông thường, điều khiển thông qua sóng 3G/4G, Wifi hoặc sử dụng điện thoại phổ thông điều khiển thiết bị thông qua SMS. Ngoài ra, thiết bị còn có thể biết được hệ thống thiết bị đã bật - tắt hoàn toàn chưa, tránh được tình trạng cháy mô-tơ cũng như bảo vệ được các linh kiện khác. Đồng thời, thiết bị cũng hiển thị được công suất tiêu thụ dòng điện, từ đó người dân ước tính được các chi phí, dự đoán lời hay lỗ trong nuôi trồng.

Khi được hỏi về lý do lựa chọn thực hiện dự án SAFACO tham gia Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020 (SV-Startup 2020), em Trần Thị Cẩm Ngọc tâm sự: Sinh ra và lớn lên ở miền Tây, vùng đất của nông nghiệp, chúng em cũng phần nào hiểu rõ được đặc thù của người nông dân. Nghề nông rất vất vả, có nhiều công việc cần phải làm trong một ngày như bón phân, phun thuốc… Khi người nông dân có công việc gì đó đột xuất, những công việc này không ai làm thay. Xuất phát từ thực tiễn trên, chúng em nảy sinh ra ý tưởng làm nên dự án SAFACO”.

Cô Phạm Thị Thùy Linh - GV Trường THPT An Khánh, là một trong hai GV hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho biết lý do lựa chọn ý tưởng của các em rất chân thành và thực tế. Các em đã khảo sát thử ở một số vùng lân cận, thấy được ở miền Tây người dân trồng nhiều trái cây trên diện tích rộng lớn. Chứng kiến khó khăn, vất vả của người nông dân, trong đó có người thân của mình, các em mong muốn sáng tạo ra sản phẩm giúp người thân đỡ vất vả, sau đó giới thiệu đến bà con nông dân. Đánh giá cao ý tưởng của học trò, cô Linh và nhà trường đã ủng hộ, chia sẻ, hướng dẫn các em trong quá trình nghiên cứu. 

Không quản ngại nắng mưa đi truyền thông sản phẩm đến tận tay người nông dân, lắp thử nghiệm và lắng nghe phản hồi để liên tục cải tiến, sản phẩm của nhóm đã ra được thị trường. Đến nay, hơn 150 sản phẩm của nhóm được sử dụng tại Cần Thơ, Hậu Giang và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ