Giáo dục trên quê hương Bác: Học Bác từ điều nhỏ nhất

GD&TĐ - Đến bản Vàng Phao, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, nhắc đến thầy Nguyễn Công Danh – Hiệu trưởng Trường PT DTBT THCS Nậm Típ, ai cũng dành sự yêu mến và kính trọng.

Thầy Nguyễn Công Danh làm vườn cùng học trò.
Thầy Nguyễn Công Danh làm vườn cùng học trò.

Với sự tận tụy, nhiệt tình, trách nhiệm, thầy như đầu tàu đưa chất lượng giáo dục của nhà trường ngày một nâng lên.

Vườn rau “đẹp nhất” huyện biên giới Kỳ Sơn

Cách trung tâm huyện Kỳ Sơn chưa tới 30km nhưng để đến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Nậm Típ (xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) phải mất gần 2 giờ đi ô tô. Năm học 2014 - 2015, khi vào Nậm Típ nhận nhiệm vụ, điều thầy Danh trăn trở nhất là cảnh 300 học sinh bán trú của trường không đủ rau ăn hằng ngày.

Địa hình cách trở khiến các loại thực phẩm đội lên cao do chi phí vận chuyển. Lương thực, thực phẩm đều phải đặt mua từ trong dân hoặc mang từ thị trấn Mường Xén vào. Hôm nào tắc đường, giáo viên, học sinh phải vào rừng hái rau măng. Thầy và tập thể nhà trường đã xin UBND xã mảnh đất bỏ hoang bên kia suối để làm vườn rau xanh. Rồi thầy cô cùng học sinh từng bước khai hoang được mảnh đất để làm khu vườn rộng 500m2.

Có vườn rau, thầy Danh quyết định đầu tư hơn 10 triệu đồng để lắp hệ thống tưới nước tự động giúp rau có nước thường xuyên mà không phải vất vả. Thầy dạy học sinh biết chăm sóc từng loại cây, mùa nào trồng cây nấy... để tránh sâu bệnh. Sau hơn 5 năm, từ mảnh đất sỏi đá khô cằn bỏ hoang, vườn rau của Trường Nậm Típ có đầy đủ các loại như cải trăm lá, cải thìa, cải củ, đậu, mướp, rau dền… cung cấp rau quanh năm cho học sinh trong trường.

Không chỉ đích thân làm vườn rau cho học sinh, thầy Nguyễn Công Danh bàn với giáo viên trong trường xây chuồng trại để chăn nuôi, bổ sung thực phẩm cho bữa ăn bán trú. Thầy tự tay mua lợn, ngan, vịt, gà giống, thử nghiệm nuôi ếch, thả cá. Thời điểm nhiều nhất đàn lợn của thầy và trò lên đến 16 con, ngoài ra còn có 200 con ngan, vịt, gà; 250 con ếch, 250 cá trê... Nhờ mô hình vườn – ao – chuồng này, hơn 300 học sinh bán trú của trường luôn được bảo đảm nguồn thực phẩm tươi sạch. Vườn rau của thầy Danh trở nên nổi tiếng, được mệnh danh là “vườn rau đẹp nhất huyện Kỳ Sơn”.

Tốt nghiệp CĐSP Nghệ An, từ năm 1991, thầy Nguyễn Công Danh đã xung phong lên Kỳ Sơn dạy học. Từ đó đến nay, đã 30 năm thầy gắn bó với học trò những vùng biên giới, khó khăn đặc biệt như: Nậm Cắn, Mỹ Lý, Mường Lống, rồi đến Mường Típ, Mường Ải...

Thầy chứng kiến và hiểu hơn ai hết sự thiếu thốn, thiệt thòi của những đứa trẻ dân tộc thiểu số. Và trách nhiệm của người thầy, lớn dần thành tình yêu thương, coi học trò như con cái và hết lòng chăm sóc. Có những hôm, sân trường đã vắng người, một mình thầy miệt mài bên vườn rau, bể cá. Hình ảnh thầy xách xô thức ăn cho đàn lợn, hay xắn quần lội qua con suối mùa mưa để trồng rau khiến cả giáo viên lẫn học sinh xúc động, nhớ mãi. 

Thầy Nguyễn Công Danh (đeo phù hiệu) giới thiệu với lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm bếp ăn bán trú của nhà trường.
Thầy Nguyễn Công Danh (đeo phù hiệu) giới thiệu với lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm bếp ăn bán trú của nhà trường. 

Tấm gương tâm huyết của thầy hiệu trưởng

Dù ở trường vùng sâu, vùng xa, biên giới, thầy Nguyễn Công Danh vẫn luôn luôn tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành Giáo dục như: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Đối với học sinh, thầy không hề có khoảng cách, luôn hết mực quan tâm, lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ. Để học sinh bớt thiệt thòi, thiếu thốn, thầy kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm, bạn bè dưới xuôi tặng thêm sách, vở, bút, đồ dùng học tập... lên miền ngược. Niềm vui lớn nhất của thầy, là học sinh đạt thành tích tốt trong kỳ thi, kiểm tra. Khi các em chưa đạt kết quả như mong muốn, thầy động viên, khích lệ. Vì vậy, ai cũng kính trọng và nể phục tấm lòng nhân ái của thầy.

Đặc biệt, ở thầy Nguyễn Công Danh luôn lấy ý chí khắc phục hoàn cảnh khó khăn. Thầy luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên, làm sao để cho mọi người yên tâm công tác mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất. Từ tấm gương của thầy, giáo viên nhà trường luôn cố gắng rèn luyện, tận tụy, nhiệt tình trong chuyên môn, yêu thương trò tha thiết, và tận tâm trong cách ứng xử với học sinh, phụ huynh và mọi người. Vì vậy, khi nhận được nhiệm vụ nào, thầy cô trong trường đều đặt tất cả tình cảm, tinh thần và trách nhiệm.

Tấm gương tâm huyết, sáng tạo của thầy hiệu trưởng, đã truyền cảm hứng để cán bộ giáo viên giữ nhiệt huyết, tận tâm, yêu nghề, yêu trò. Và học sinh trong môi trường giáo dục như vậy, cũng học được từ thầy cô không chỉ kiến thức, mà còn hình thành nhiều kỹ năng, phẩm chất khác.

Ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn đánh giá: Trường Nậm Típ nằm ở vùng rất khó khăn. Mô hình tăng gia sản xuất của nhà trường vừa bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, vừa giáo dục kỹ năng sống cho các em. Học trò ở trường không chỉ học tập mà còn được trang bị thêm những kĩ năng về trồng trọt và chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn và biết yêu lao động. Từ thay đổi của học sinh, còn góp phần thay đổi, gỡ bỏ dần tâm lí trông chờ ỉ lại từ bao đời của đồng bào nơi đây. Ai cũng cố gắng để cuộc sống no đủ hơn, nuôi con em trên con đường tìm chữ.

Một năm học sắp hoàn thành, hành trình đem cái chữ đến với vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả gian nan. Nhưng bằng đam mê nghề nghiệp, tận tâm, tận tụy, tập thể giáo viên, quản lý nhà trường vẫn kiên trì bám bản làng, bám học sinh. Tất cả góp phần hiện thực ước mơ của con em đồng bào dân tộc thiểu số nơi rẻo cao biên giới này: Có tri thức và cuộc sống tốt đẹp hơn.

Dù vất vả đôi chút nhưng thấy các em có bữa cơm no đủ, yên tâm đi học, tình trạng bỏ học giảm hẳn so với trước đây, với giáo viên vùng biên như chúng tôi đó là một niềm vui lớn. - Thầy Nguyễn Công Danh 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ