Giám thị kể chuyện… coi thi!

GD&TĐ - 29 cán bộ giảng viên trong đó có 21 cán bộ coi thi, 4 cán bộ giám sát, 2 thanh tra, 1 thư kí và 1 trưởng đoàn của Trường Đại học Thủy Lợi đã có mặt ở thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên trước ngày thi THPT quốc gia để làm nhiệm vụ quan trọng không chỉ của trường giao phó mà còn có ý nghĩa với các thí sinh dự thi.

Đoàn cán bộ, giảng viên Trường ĐH Thủy Lợi  làm nhiệm vụ thi  tại tỉnh Điện Biên
Đoàn cán bộ, giảng viên Trường ĐH Thủy Lợi làm nhiệm vụ thi tại tỉnh Điện Biên

Một ngày của cán bộ coi thi!

Giảng viên Lại Tuấn Anh; Bộ môn Trắc Địa khoa Kỹ thuật tài nguyên nước; Trường Đại học Thuỷ Lợi đã có những kỉ niệm không thể nào quên khi lên Điện Biên làm nhiệm vụ coi thi Kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp làm nhiệm vụ này nhưng có lẽ chuyến đi này, thầy Tuấn Anh ấn tượng nhất: “Năm nay có nhiều điểm mới so với các năm trước về khâu bảo quản đề thi, bài thi. Trong kỳ thi này, Bộ GD& ĐT đã chỉ đạo 24/24h có công an và phó điểm thi đồng thời là trưởng đoàn cán bộ coi thi của cụm thi trực tiếp giám sát tủ đựng đề thi khiến chúng tôi trân trọng sự nghiêm túc của kỳ thi này”- thầy Tuấn Anh chia sẻ.

Nhớ lại chuyến công tác của mình, các giảng viên Trường Đại học Thủy Lợi vẫn không quên được lịch trình bắt đầu 1 ngày từ rất sớm: Chúng tôi thức dậy từ 5 giờ sáng để vệ sinh cá nhân sau đó 5 giờ 30 phút ăn sáng và 6 giờ 10 phút lên xe đến điểm thi. 6 giờ 30 phút hội đồng coi thi làm việc, phổ biến những nội dung cần làm trong buổi thi hôm đó.

Sau khi buổi thi kết thúc đoàn trở lại khách sạn ăn trưa và nghỉ ngơi. Buổi chiều 13 giờ 10 phút lên xe di chuyển đến điểm thi và 13 giờ 30 phút hội đồng làm việc. Khi kết thúc buổi thi vào lúc 17 giờ đoàn trở lại khách sạn, nghỉ ngơi và ăn tối. Mấy ngày liên tiếp khiến các thầy cô cũng có phần mệt mỏi nhưng không có một sai sót nào xảy ra khiến ai nấy đều vui lây như mình vừa làm tròn sứ mệnh cao cả.

Điểm thi của thầy Tuấn Anh là Trường THPT Phan Đình Giót là một trong những điểm thi có đông lượng học sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2019 nhất của tỉnh Điện Biên. Điểm có 21 phòng thi trong đó có đến 180 thí sinh tự do, 90 thí sinh là học sinh nội trú, hầu hết các em đều rất ngoan và lễ phép.

Thầy Tuấn Anh cho biết: “Đến với điểm thi của học sinh miền núi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì sự trong trẻo của các em. Học sinh rất ngoan, lễ phép, chấp hành đúng quy chế thi và nghe lời thầy cô giáo. Điều chúng tôi vui nhất khi đến đây có lẽ là tình người ấm áp của cán bộ giáo viên của tỉnh, của bà con nhân dân. Đây cũng là lần đầu tiên được đến với mảnh đất anh hùng, hiểu hơn về lịch sử hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa khiến chính những cán bộ giảng viên như chúng tôi thêm yêu Tổ quốc và lịch sử cha ông hơn bao giờ hết”.

Mùa thi này, ấm áp và nhẹ nhàng biết bao!

Đoàn cán bộ giảng viên đến từ trường Đại học Thủy Lợi gồm có 29 người trong đó có 21 cán bộ coi thi, 4 cán bộ giám sát, 2 thanh tra, 1 thư kí và 1 trưởng đoàn cùng với 29 giáo viên đến từ các trường THPT của tỉnh Điện Biên làm nhiệm vụ coi thi tại điểm thi Trường THPT Phan Đình Giót.

Trước đó, các thầy cô đều đã được tập huấn trước khi đi và đã từng tham gia công tác coi thi THPT nên kỳ thi năm nay diễn ra tốt đẹp không có trường hợp vi phạm quy chế nào xảy ra đối với cán bộ coi thi cũng như học sinh.

Hầu hết, những cán bộ lên Điện Biên làm nhiệm vụ đều cảm nhận được sự an toàn trong khâu bảo quản đề thi, bài thi nên các công tác khác đều theo “guồng” rất nhanh và đảm bảo sự công bằng cho các em học sinh.

Nhận định về đề thi năm nay với học sinh miền núi, thầy Tuấn Anh cho rằng: “Đề thi năm nay theo tôi là vừa sức với các em học sinh để có thể đạt được điểm trung bình. Đối với các em học sinh miền núi, đa phần là học sinh người dân tộc nên các em lựa chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội đông hơn rất nhiều so với tổ hợp môn Khoa học tự nhiên. Theo đó, có 3 phòng thi Khoa học tự nhiên và 19 phòng thi môn Khoa học xã hội. Khó nhất với học sinh miền núi có lẽ là Ngoại ngữ bởi các em thiếu nhiều cơ sở vật chất, phương tiện để tiếp xúc cũng như điều kiện để học môn này. Tuy nhiên, với đề Ngoại ngữ năm nay, các em cũng không quá lo lắng bởi vẫn có thể “kiếm” được điểm tốt nghiệp”.

Giảng viên Lại Tuấn Anh cũng tâm sự rằng, cả đoàn đi coi thi ở miền núi nhưng ai cũng vui tươi, bởi chúng tôi sẵn sàng vượt đường xa đến với các em chứ không để các em và gia đình phải vất vả. Câu chuyện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng được các cán bộ giảng viên đều ủng hộ, giảm được áp lực cho học sinh, giúp các em tự tin hơn trong khi làm bài cũng là giảm được nỗi lo với cha mẹ các em.

Nhìn các em học sinh không phải cần người nhà đưa đi hay phải lỉnh kỉnh vali quần áo, sách vở lên thành phố hay thủ đô thi đại học như những năm trước, chính những cán bộ giảng viên đến với các em lại thấy an lòng.

“Vậy là, sẽ chẳng lo tắc đường, kẹt xe không đến điểm thi đúng giờ, cũng chẳng còn nhiều gia đình chạy ngược xuôi vay mượn tiền cho con “lên kinh ứng thí”, và cũng hạn chế biết bao rủi ro trên đường xá xa xôi, các em và gia đình cũng không còn lo về sức khỏe, nhà trọ hay xe bus... Mùa thi này, ấm áp và nhẹ nhàng biết bao” – thầy Tuấn Anh chia sẻ.

“Mấy ngày làm thi liên tiếp khiến các thầy cô cũng có phần mệt mỏi nhưng không có một sai sót nào xảy ra khiến ai nấy đều vui lây như mình vừa làm tròn sứ mệnh cao cả”, thầy Tuấn Anh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ