Dùng điện thoại thông minh để chữa đại tràng

GD&TĐ - Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật đã xây dựng ứng dụng trên điện thoại thông minh (app) để hỗ trợ người bệnh và theo dõi bệnh nhân trong quá trình làm sạch đại tràng.

Phẫu thuật nội soi đại tràng thông qua điện thoại thông minh.
Phẫu thuật nội soi đại tràng thông qua điện thoại thông minh.

Giảm khối lượng công việc cho nhân viên y tế

Nội soi đại tràng (NSĐT) là phương pháp thăm dò quan trọng trong chẩn đoán các bệnh lý của đường tiêu hóa dưới. Để đảm bảo thủ thuật an toàn và tỷ lệ phát hiện tổn thương cao, người bệnh cần thực hiện rất nhiều bước chuẩn bị gồm chế độ ăn và uống thuốc chuẩn bị trước nội soi.

Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật và các chuyên gia nội soi tiêu hóa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã phát triển một ứng dụng trên điện thoại thông minh hỗ trợ người bệnh nắm được đầy đủ các bước chuẩn bị nội soi đại tràng (CBNSĐT), đồng thời giảm khối lượng công việc cho nhân viên y tế.

Ứng dụng cung cấp thông tin sàng lọc đánh giá ban đầu bảo đảm an toàn cho người bệnh, các bước hướng dẫn uống thuốc CBNSĐT, nhắc người bệnh đi lại, xoa bụng… trong CBNSĐT, tác dụng phụ có thể gặp và cách xử trí, hướng dẫn đánh giá tình trạng phân bằng hình ảnh và thông báo khi người bệnh đủ điều kiện NSĐT.

TS Đào Việt Hằng cho biết, đại tràng là một cơ quan của hệ tiêu hóa, giữ vai trò hấp thu dinh dưỡng và bài tiết chất thải. Các bệnh lý về đại tràng đang ngày càng có xu hướng gia tăng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người bệnh.

Do đó, việc phát hiện sớm tình trạng bệnh để có các biện pháp can thiệp kịp thời là một việc rất cần thiết. NSĐT là phương pháp thăm dò quan trọng trong chẩn đoán các bệnh lý của đường tiêu hóa dưới, đặc biệt là polyp và ung thư đại tràng.

Quá trình NSĐT thành công và đạt hiệu quả cao lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm cũng như kỹ năng của bác sĩ, trang thiết bị sử dụng trong cuộc soi và mức độ sạch của đại tràng khi soi. Mức độ sạch của đại tràng phụ thuộc vào quá trình làm sạch đại tràng của bệnh nhân.

Hiện nay tại các bệnh viện, số lượng bệnh nhân được bác sĩ chỉ định làm NSĐT ngày càng nhiều, đa số nhân viên y tế bị quá tải công việc, do đó việc hướng dẫn bệnh nhân làm sạch đại tràng và theo dõi bệnh nhân trong quá trình làm sạch chưa được chặt chẽ.

Để sử dụng ứng dụng “Làm sạch đại tràng”, người bệnh cần tạo tài khoản để sử dụng tính năng hỗ trợ trong quá trình chuẩn bị nội soi. Tính năng “Sàng lọc nội soi” để đánh giá người bệnh có đủ điều kiện chuẩn bị nội soi tại nhà hay không dưới hình thức một bộ câu hỏi trắc nghiệm. Các câu hỏi bao gồm một số triệu chứng/bệnh lý có nguy cơ cao hoặc cần phải được theo dõi đặc biệt trong quá trình uống thuốc CBNSĐT.

Tính năng “Bắt đầu uống thuốc” cung cấp các hướng dẫn chi tiết về quá trình uống thuốc CBNSĐT của người bệnh. Tính năng này chỉ được kích hoạt khi có chỉ định của bác sĩ và thông qua mã kích hoạt đơn vị y tế cung cấp. Các hướng dẫn này bao gồm các bước chuẩn bị trước khi uống thuốc CBNSĐT và các bước uống thuốc theo phác đồ đã được bác sĩ chỉ định.

Tính năng hướng dẫn chi tiết cách dùng và thời gian uống thuốc; Thông báo cho người bệnh khi đến giờ uống thuốc tiếp theo. Trong quá trình uống thuốc, màn hình hiện nút SOS để người bệnh thông báo nhân viên y tế khi có vấn đề bất thường.

Sau khi hoàn thành uống thuốc, app sẽ hiện thông báo và bảng tổng hợp thời gian uống thuốc của người bệnh; đồng thời nhắc nhở các hoạt động cần thực hiện trong 2 tiếng sau khi hoàn thành uống thuốc (tiếp tục đi lại, xoa bụng và đi vệ sinh).

Sau khi 2 tiếng, app sẽ hiện câu hỏi đánh giá tình trạng đi ngoài (đặc điểm màu nước phân và số lần đi ngoài) cho người bệnh lựa chọn và thông báo đại tràng người bệnh đủ hay chưa đủ điều kiện soi. Ứng dụng có thể được cài đặt trên điện thoại thông minh hệ điều hành android có kết nối Internet.

Phát triển ứng dụng chuyên sâu

Theo TS Đào Việt Hằng, hiện nay, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) rất lớn. Điện thoại thông minh cung cấp nhiều ứng dụng hỗ trợ các nhu cầu của người dùng ngày càng được phát triển mạnh mẽ.

Các app y tế hiện nay chủ yếu phát triển các tính năng như đặt lịch hẹn khám, cung cấp thông tin y tế, tele-video hoặc tư vấn từ xa cho một số bệnh lý mạn tính, chủ yếu tập trung nhóm đối tượng người bệnh mắc Covid-19.

Vì vậy, việc phát triển app chuyên sâu trong lĩnh vực khám chữa bệnh với các nhóm bệnh lý cụ thể theo chuyên khoa là nhu cầu cần thiết, phù hợp trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Một trong những điểm nổi bật của ứng dụng này là, mặc dù là một trong những hướng dẫn chuyên sâu trong y tế (medtech) nhưng giao diện lại thân thiện, đơn giản, dễ dàng để sử dụng đối với nhiều đối tượng người bệnh khác nhau.

App cũng vẫn đảm bảo sự an toàn cho người sử dụng ở một số tính năng như điền bộ câu hỏi sàng lọc để tìm yếu tố nguy cơ từ đó thông báo cho bác sĩ, cần có mã của bác sĩ nhập mới khởi động được hướng dẫn uống thuốc làm sạch đại tràng, có nút SOS để nối máy trực tiếp người bệnh tới nhân viên y tế khi có bất thường... Đây đều là những điểm mới, lần đầu được áp dụng trong chuyên ngành nội soi tiêu hóa tại Việt Nam.

Do đó, người dùng chỉ cần sở hữu một chiếc điện thoại thông minh có khả năng truy cập Internet là có thể cài đặt và sử dụng app này. Người bệnh có thể dễ dàng cài đặt và sử dụng app bằng hệ thống wifi của bệnh viện hoặc mạng điện thoại di động. Cách thức cài đặt giống như tất cả các app khác trên điện thoại thông minh không đòi hỏi những thao thức phức tạp.

Theo nhóm nghiên cứu, kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh trong quá trình thử nghiệm app trên thực tế cho thấy, mức độ hài lòng của người bệnh chiếm tỷ lệ cao (trên 97%). Cụ thể, người dùng đánh giá tính an toàn là 98,7%, tính hiệu quả là 97,9% và mức độ cải thiện dịch vụ chăm sóc là 98,7%. Kết quả trên cho thấy, tiềm năng để người bệnh sẵn sàng sử dụng ứng dụng là rất cao.

“Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, để rút ngắn được thời gian di chuyển và giảm thiểu thời gian tiếp xúc trực tiếp tại những nơi tập trung đông người thì việc được hỗ trợ CBNSĐT trước nội soi tại nhà bằng app trên điện thoại thông minh có thể là công cụ hữu ích và phù hợp”, TS Hằng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ