Đại học Quốc gia TPHCM: Nhiều thành tựu về NCKH và chuyển giao công nghệ

GD&TĐ - Ngày 22/12, ĐHQG TP.HCM đã tổ chức Hội nghị thường niên 2021 và thực hiện hoạt động tổng kết vinh danh, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong năm học 2020-2021.

Giám đốc ĐHQG TP.HCM Vũ Hải Quân (giữa) trao Huân chương Lao động Hạng Nhất của Chủ tịch nước cho Trường ĐH Kinh tế- Luật
Giám đốc ĐHQG TP.HCM Vũ Hải Quân (giữa) trao Huân chương Lao động Hạng Nhất của Chủ tịch nước cho Trường ĐH Kinh tế- Luật

Tham dự hội nghị có ông Phan Thanh Bình- nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, nguyên Giám đốc ĐHQG TP.HCM; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương và TP.HCM

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS  Vũ Hải Quân- Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết, năm 2021 dù phải đối diện với nhiều thách thức và khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao KHCN của ĐHQG TP.HCM vẫn được giữ vững và đạt được nhiều thành tựu. 

Tính đến tháng 10/2021, ĐHQG TP.HCM đã công bố 3.048 bài báo khoa học trên các tạp chí, hội nghị trong và ngoài nước. Trong đó, số bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCIE/SSCI/Scopus là 1.111 bài, chiếm tỉ lệ 87% so với tổng bài báo quốc tế (1.280 bài).

Công tác bảo đảm chất lượng trong toàn ĐHQG TP.HCM tiếp tục được triển khai mạnh mẽ khi hiện ĐHQG TP.HCM có 67 chương trình đạt chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế (53 chương trình đạt chuẩn AUN-QA, 4 chương trình đạt chuẩn ABET, 9 chương trình đạt chuẩn quốc tế khác...

PGS.TS Vũ Hải Quân- Giám đốc ĐHQG TP.HCM trao danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho GS.TS Nguyễn Thị Cành
PGS.TS Vũ Hải Quân- Giám đốc ĐHQG TP.HCM trao danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho GS.TS Nguyễn Thị Cành

"Đáng chú ý, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất lớn, đi đầu trong công tác chống dịch cùng TP, nhưng ĐHQG TP.HCM cũng đã thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ rất mạnh mẽ. Tính đến tháng 10/2021, ĐHQG TP.HCM đã nộp 43 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ trong đó có 16 đơn đăng ký sáng chế, 15 đơn giải pháp hữu ích và 12 đơn bản quyền tác giả. Cục sở hữu trí tuệ cũng đã cấp 2 bằng sở hữu.

Đặc biệt, theo thống kê đến tháng 10/2021 các đơn vị của ĐHQG đã triển khai 548 hợp đồng chuyển giao công nghệ và dịch vụ KH&CN với tổng doanh thu đạt hơn 116 tỉ đồng.

Con số ấn tượng trên còn được cụ thể hóa bằng chỉ số trên bảng xếp hạng các trường đại học khu vực Châu Á năm 2021 ( THE Asia) khi ĐHQG TP.HCM thuộc nhóm 401+ đại học được ghi nhận có điểm cao nhất cả nước về tiêu chí Thu nhập từ chuyển giao tri thức và công nghệ.

Đáng chú ý đến thời điểm này 5/7 thành viên của ĐHQG TP.HCM đã được phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động, tạo hành lang pháp lý và nền tảng quan trọng để các trường thực hiện tự chủ đại học... Qua đó giúp ĐHQG TP.HCM có điều kiện thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình"- PGS.TS Vũ Hải Quân chia sẻ. 

Để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2030 trở thành một trong 100 trường đại học hàng đầu châu Á, trong Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2021-2025, Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết đơn vị này sẽ tập trung vào 3 nhóm chiến lược đột phá để ưu tiên đầu tư nguồn lực: (1) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị đại học; (2) Xuất sắc trong đào tạo và nghiên cứu khoa học - công nghệ; (3) Xây dựng khu đô thị đại học xanh, thông minh, thân thiện.

Từ định hướng và mục tiêu trên, trong năm 2022, ĐHQG TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, tập trung vào những trọng tâm trên 4 trụ cột chính:

Về quản trị: ĐHQG TP.HCM sẽ thành lập Trường ĐH Khoa học sức khỏe và Trường ĐH Công nghệ Môi trường; tiếp tục tái cấu trúc các đơn vị, thí điểm phương pháp đo lường, đánh giá hiệu quả công việc.

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản trị, điều hành; cũng như quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ quản lý trong khuôn khổ dự án PHER do USAID tài trợ.

Vinh danh Nhà khoa học có nhiều công trình NCKH và bài báo quốc tế trong năm 2021
Vinh danh Nhà khoa học có nhiều công trình NCKH và bài báo quốc tế trong năm 2021

Về đào tạo, ĐHQG TP.HCM xác định chuyển đổi số là nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng linh hoạt trước tình hình dịch bệnh, mở rộng quy mô đào tạo theo hình thức song bằng, đào tạo tích hợp.

Đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng quy mô kỳ thi đánh giá năng lực và tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với phương thức này, thí điểm đổi mới tuyển sinh theo hướng kết hợp nhiều tiêu chí.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo đảm chất lượng cũng như tổ chức các hoạt động chuẩn bị cho việc kiểm định chất lượng tại các trường ĐH thành viên theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Về khoa học và công nghệ, ĐHQG TP.HCM sẽ thực hiện chiến lược nâng cao số lượng công bố quốc tế trong danh mục Scopus. Song song đó, triển khai các chương trình, đề án nghiên cứu trọng điểm cấp quốc gia, các chương trình hợp tác với TP.HCM và các địa phương; Đẩy mạnh công tác ươm tạo và chuyển giao công nghệ.

Về xây dựng khu đô thị, ĐHQG TP.HCM quyết tâm triển khai hiệu quả Dự án Phát triển các Đại học Quốc gia - Tiểu dự án ĐHQGTP.HCM do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Đẩy mạnh cải tạo, sửa chữa và lập dự án mở rộng xây dựng ký túc xá cũng như các dịch vụ phục vụ sinh viên; hoàn thiện quy hoạch ĐHQG TP.HCM.

Tại Hội nghị thường niên năm 2021, ĐHQG TP.HCM cũng đã trao quyết định công nhận, thư chúc mừng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú cho các thầy cô giáo, cũng như khen thưởng và vinh danh các tập thể, cá nhân đã có những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).