Cô giáo nhiệt tình hiến máu nhân đạo

GD&TĐ - “Cô bé mới hơn 10 tuổi, gương mặt nhợt nhạt, xanh xao, tóc đã rụng hết. Tình trạng nguy cấp đến nỗi bác sĩ phải truyền máu tươi thẳng từ tôi sang cho bé. Vậy mà trong lúc ấy, em mở mắt ra, cất giọng yếu ớt: “Dì ơi, máu dì chảy vào người con đến mô, con thấy mát đến đó”!

Cô giáo nhiệt tình hiến máu nhân đạo

Lần hiến máu đầu tiên “không thể nào quên”

Đó là lần đầu tiên cô giáo Đặng Thị Hiếu (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) hiến máu tình nguyện. Câu nói của bé gái, đã cách đây 11 năm vẫn “khiến cô nhớ mãi”. Một lý do nữa khiến cô “suốt đời không quên được” là bởi lần hiến máu đó còn nhắc cô về câu chuyện của chính gia đình mình.

“Năm 2006, con gái tôi mới 3 tuổi rưỡi. Dịp ấy, con cứ kêu với tôi là “Con mệt lắm mẹ ạ”. Bác sĩ sau khi thăm khám liền khuyên 2 vợ chồng làm thủ tục chuyển tuyến đưa con ra Hà Nội ngay”, cô Hiếu bắt đầu câu chuyện.

Cái sự thận trọng, dè chừng của bác sĩ và linh cảm của người mẹ khiến cô lờ mờ nhận ra con gái mình đang mắc bệnh hiểm nghèo. Con gái được đưa ra nhập Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương ngay trong đêm, với kết luận bị bệnh máu trắng.

Hoảng sợ, đau đớn, suy sụp… và nhiều cảm xúc không thể nói thành lời trong thời khắc đó. Nhưng tình yêu thương con khiến cô không thể gục ngã. Phải đứng dậy, phải mạnh mẽ, quyết tâm cùng với con chiến đấu đến cùng với bệnh tật, giành lại sự sống.

Trong thời gian ở cùng con điều trị bệnh, một lần, Viện Huyết học thông báo có trường hợp bệnh nhi đang rơi vào tình trạng nguy kịch, thiếu máu trầm trọng, bệnh viện không đủ cấp. Tất cả mọi sự hỗ trợ đều được huy động, nhưng cháu bé mang nhóm máu AB, tại thời điểm đó không có ai cùng nhóm máu để cho.

Cô Hiếu nhớ ra mình cũng mang nhóm máu AB, liền chạy đến gặp bác sĩ. “Trong đầu tôi lúc đó chỉ nghĩ, cháu bé bệnh nhân kia cũng như con mình, mắc bệnh như con mình, máu của mình có thể giữ được mạng sống cho cháu thì tôi sẵn lòng”, cô nhớ lại.

“Tôi được đưa vào phòng cấp cứu nơi cháu bé đang nằm. Vì tình trạng của cháu lúc đó rất khẩn cấp, nên các bác sĩ phải truyền “máu tươi”, tức là truyền trực tiếp máu từ người tôi sang người bệnh nhân”.

Hành trình lan tỏa, kết nối sự sống

Điều kỳ diệu đã xảy ra, bé gái được cô Hiếu truyền máu sau đó đã có chuyển biến tốt. Cháu dần dần khỏe mạnh trở lại, thoát khỏi bàn tay tử thần và xuất viện. “Tôi và cháu vẫn giữ liên lạc suốt từ thời gian đó cho đến giờ. Mỗi lần cháu đạt thành tích học tập gì, thi cử ra sao đều gọi điện báo cho dì Hiếu. Hiện nay, cháu đã lập gia đình, và mới đây vừa gọi báo tin mừng cho tôi là vợ chồng đã có em bé khỏe mạnh” - cô Hiếu vui mừng cho biết.

Bây giờ con gái của cô Hiếu cũng đã 16 tuổi. Cháu không nhớ những năm tháng mình phải nằm viện vì căn bệnh hiểm nghèo, chỉ thỉnh thoảng hỏi mẹ “Tại sao tay con lại có nhiều vết sẹo lạ thế”!

Liệu trình điều trị đã có kết quả tốt đẹp. Bao nhiêu nỗi đau, hoảng sợ, giật mình từng đêm đã đổi lại bằng năm tháng sau đó nhìn con vui tươi, khôn lớn, mạnh khỏe từng ngày. Nhưng chính từ trải nghiệm đặc biệt, đầy nước mắt, và nụ cười đó, cô Đặng Thị Hiếu hiểu rõ về tầm quan trọng của máu, về việc hiến máu, có thể cứu mạng, đem lại sự sống cho con gái cô và nhiều bệnh nhân khác.

Trở về quê nhà, cô trở thành thành viên nhiệt tình trong phong trào hiến máu nhân đạo. Cô bắt đầu từ việc giải thích, tuyên truyền đến các cán bộ, giáo viên tại Trường Tiểu học Nghĩa Thuận về ý nghĩa của việc hiến máu. Hàng năm, trên địa bàn thị xã Thái Hòa có phát động chương trình hiến máu tình nguyện, cô Hiếu và các giáo viên đều tham gia tích cực.

Đến nay, cô Hiếu đã 7 lần hiến máu. Cô còn đăng ký với Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc Nghệ An(đóng tại thị xã Thái Hòa), nếu có bất cứ ai cần nhóm máu của cô có thể gọi điện bất cứ lúc nào. Bởi theo cô được biết, trên địa bàn thị xã chỉ có khoảng dưới 5 người có nhóm máu AB.

Cô Đặng Thị Hiếu – là một trong 8 cá nhân của tỉnh Nghệ An được Trung ương Hội Chữ thập Đỏ, Hội Chữ thập Đỏ tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An trao bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu nhân đạo giai đoạn 2014 - 2017.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ