Chung tay cho con chữ vùng biên ải

GD&TĐ - Ở huyện Vĩnh Hưng (Long An) có hàng trăm hộ dân là Việt kiều Campuchia hồi hương về quê sinh sống. Trong số đó có rất nhiều người mù chữ, đặc biệt là trẻ em ở độ tuổi đến trường. 

Chung tay cho con chữ vùng biên ải

Trước thực trạng này, ngành GD&ĐT huyện kết hợp cùng các đồn biên phòng trên địa bàn tổ chức nhiều lớp dạy chữ. Nhờ đó mà con em Việt kiều đã biết chữ, tiếp tục theo học phổ thông; nhiều bà con bao năm chịu cảnh mù chữ giờ đã biết đọc…

Mở rộng vòng tay

Vĩnh Hưng là huyện biên giới thuộc vùng Đồng Tháp Mười, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Long An. Huyện có 5 xã biên giới giáp Campuchia với chiều dài đường biên 45,62 km. Theo thống kê, ven vùng biên giới của huyện có 113 hộ chưa có hộ khẩu chính thức với 365 nhân khẩu là Việt kiều Campuchia hồi hương.

Thầy Lưu Phước Quang, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Hưng, cho biết: Do đặc thù là huyện biên giới nên vẫn còn một bộ phận dân cư chưa ổn định, việc di dân tự nhiên, di dân theo mùa vụ và tránh lũ còn nhiều ảnh hưởng đến công tác điều tra, cập nhật hồ sơ, huy động đối tượng để phổ cập giáo dục và xóa mù chữ (PCGD-XMC).

Trong đó, đồng bào Việt kiều Campuchia hồi hương từ năm 2010 - 2013 sinh sống dọc theo tuyến biên giới và một số xã nội địa nhưng không có hồ sơ, hộ tịch hộ khẩu. Đa số bà con hồi hương trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế không ổn định, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội và mặt bằng dân trí địa phương. Thực tế đáng quan tâm là phụ nữ nằm trong diện xóa mù chữ không có thời gian để tham gia các lớp xóa mù chữ. Theo thống kê, 145 người trong diện xóa mù chữ từ 15 - 60 tuổi thì có gần 99% mù chữ…

Trước thực trạng đó, ngành GD&ĐT huyện Vĩnh Hưng đã đẩy mạnh Đề án xóa mù chữ giai đoạn 2013 - 2020. Đặc biệt là tranh thủ sự hỗ trợ của 3 đồn biên phòng đóng trên địa bàn huyện để thực hiện mục tiêu củng cố kết quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập…

Hằng năm, vào đầu tháng 3, Phòng GD&ĐT tham mưu Ban chỉ đạo PCGD-XMC huyện trình UBND huyện tổ chức điều tra cập nhật đối tượng trong diện từ 0 tuổi trở lên để thống kê tổng hợp theo yêu cầu từ PC GDMN cho trẻ 5 tuổi đến PCGD trung học và xóa mù chữ.

“Để duy trì các lớp PCGD-XMC, các thành viên trong Ban chỉ đạo địa phương kết hợp cùng các hội, đoàn, bộ đội biên phòng tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa, thể dục thể thao. Tổ chức lồng ghép các hoạt động bồi dưỡng kỹ năng sống cho học viên vừa tạo không khí vui tươi phấn khởi kết hợp với việc giáo dục và giảng dạy. Bên cạnh đó tranh thủ sự hỗ trợ của các lực lượng xã hội về vật chất như quà tặng, học bổng, đồ dùng học tập… Từ đó có thể duy trì các lớp và động viên học viên đến lớp, nâng cao chất lượng học tập”, thầy Lưu Phước Quang chia sẻ.

Góp sức xóa mù chữ vùng biên

Để thực hiện công tác PCGD-XMC ở huyện vùng biên Vĩnh Hưng, không chỉ có ngành Giáo dục mà còn có những “Thầy giáo quân hàm xanh”. Đó là những cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng đóng trên địa bàn tham gia đứng lớp để giảng dạy phổ cập và xóa mù chữ cho Việt kiều hồi hương.

Nhằm giúp những thầy giáo quân hàm xanh yên tâm đứng lớp, tổ trưởng bộ môn các trường tiểu học từ lớp 1 - 5 đã hướng dẫn phương pháp giảng dạy cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức dự giờ, thăm lớp để rút kinh nghiệm và bổ sung kỹ năng cần thiết cho người dạy và người học. 

Nhờ đó mà giáo viên và các thầy giáo quân hàm xanh linh hoạt trong giảng dạy theo hướng chơi mà học, học mà chơi, không gây nhàm chán và áp lực đối với học viên. Tổ chức học theo nhóm, theo trình độ học tập và năng lực của từng học viên, theo dõi và bám sát năng lực của từng đối tượng để giảng dạy. Chú trọng hỗ trợ những học viên học tập tốt để giúp đỡ và hướng dẫn lại học viên có năng lực học yếu hơn…

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp, công tác PCGD-XMC trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng đạt kết quả khả quan. Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 25 lớp với 175 lượt người theo học. Trong đó, có 19 lớp PCGD tiểu học với 153 học viên; 4 lớp xóa mù chữ với 15 học viên và 2 lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ với 7 học viên. 

Trong đó có 90% là con em Việt kiều Campuchia hồi hương. Có 12 cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục trực tiếp tham gia và giảng dạy các lớp PCGD tiểu học và xóa mù chữ. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy cho 12 cán bộ, chiến sĩ của 2 đồn biên phòng Tuyên Bình (xã Tuyên Bình) và Bến Phố (xã Hưng Điền A). Bồi dưỡng 5 học viên có năng lực học tập để hỗ trợ người thân trong gia đình xóa mù chữ (kết quả là có 6 người biết chữ). Tạo điều kiện cho 6 trẻ diện PCGD tiểu học hòa nhập giáo dục phổ thông...

Đặc biệt, kết quả xóa mù chữ của địa phương luôn giữ ổn định, có hướng phát triển, riêng con em Việt kiều có 108 em hoàn thành lớp PCGD tiểu học. Trong đó có 29 em có trình độ từ lớp 4 trở lên; bà con Việt kiều có 7 người được công nhận hoàn thành xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

Chung tay cho con chữ vùng biên ải ảnh 1 
“Trong quá trình giảng dạy sẽ chú ý bồi dưỡng những học viên tích cực học tập, năng động về phương pháp, hình thức học tập để sau này những học viên này có thể hướng dẫn những người thân trong gia đình không có điều kiện đến lớp xóa mù chữ. Đây là giải pháp hiệu quả nhất để xóa mù chữ theo phương châm “người biết chữ dạy người chưa biết chữ” trong cùng một gia đình. Đây được xem là biện pháp hữu hiệu để xóa mù chữ cho bà con Việt kiều của địa phương…”.

Nhà giáo Lưu Phước Quang, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Hưng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trích đoạn kinh điển 'Lý trưởng - mẹ Đốp' trong vở chèo cổ 'Quan Âm Thị Kính' biểu diễn tại sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'. Ảnh: BTC.

'Phi hề bất thành chèo'

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Mercury (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức talkshow và biểu diễn nghệ thuật 'Phi hề bất thành chèo' tại Nhà hát Chèo Việt Nam.