Kết nối sinh viên và nhà tuyển dụng từ 'Tuần lễ doanh nghiệp'

GD&TĐ - Chương trình "Tuần lễ doanh nghiệp" của Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng là hoạt động kết nối giữa nhà trường và nhà tuyển dụng. 

Sinh viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng đặt câu hỏi trong chương trình doanh nghiệp chia sẻ ở Tuần lễ doanh nghiệp.
Sinh viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng đặt câu hỏi trong chương trình doanh nghiệp chia sẻ ở Tuần lễ doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Ngân Hạnh - Giám đốc Kinh doanh & Truyền thông - Khách sạn Peninsula đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm với sinh viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng về Kỹ năng tìm kiếm việc làm, xây dựng hình ảnh khi đi xin việc.

Theo bà Hạnh, sinh viên cần có ý thức xây dựng thương hiệu cá nhân. "Sau khi bạn đã lựa chọn cho mình mục đích cụ thể, bạn cần cố gắng phân tích nó thành những mục tiêu nhỏ hơn, ngắn hơn theo quy tắc SMART: rõ ràng, đo lường được kết quả, có thể thành công, thực tế và có thời gian nhất định".

Bà Ngân Hạnh cho rằng, khi đặt ra được mục đích, mục tiêu cho mình thì các bạn sinh viên sẽ hình dung được con người của mình trong tương lai. Quan trọng hơn, khi xây dựng thương hiệu này, bạn sẽ không tốn thời gian, sức lực cho sự nghiệp sau khi ra trường.

Rất nhiều sinh viên năm cuối quan tâm làm sao để có một bộ hồ sơ đăng ký tuyển dụng "đẹp mắt nhất, ấn tượng nhất". Bà Hạnh bật mí rằng, sinh viên cần đưa ra thương hiệu cá nhân của mình cho các nhà tuyển dụng được thấy rõ. "Bạn có năng khiếu gì, sở thích nào đặc biệt thì đều có thể đưa vào hồ sơ. Đây có thể là những thông tin hỗ trợ cho công việc sau này của các bạn" - bà Hạnh gợi ý.

Sinh viên Khoa Lịch sử cũng được hướng dẫn cách "lọc" thông tin tuyển dụng. Với những vị trí công việc nào thì nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên cho người có kinh nghiệm. Những vị trí việc làm nào ưu tiên người có trình độ chuyên môn hoặc ngoại ngữ... "Đọc" đúng thông tin tuyển dụng sẽ giúp cho người lao động sớm tìm được việc làm phù hợp với.

Với băn khoăn của rất nhiều sinh viên là vừa mới ra trường nhưng trong phỏng vấn tuyển dụng, các doanh nghiệp thường yêu cầu người ứng tuyển phải có kinh nghiệm. Bà Ngân Hạnh chia sẻ rằng, sinh viên có cơ hội tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm trong suốt 4 năm học đại học thông qua các kỳ thực tập, các công việc làm thêm gần với chuyên môn được đào tạo, công việc bán thời gian...

Tuần lễ Doanh nghiệp được Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng tổ chức định kỳ hàng năm. Năm nay, Tuần lễ doanh nghiệp có các hoạt động như chia sẻ của doanh nghiệp về các kiến thức chuyên môn, yêu cầu nghề nghiệp và kỹ năng mềm, kinh nghiệm phỏng vấn tuyển dụng... Chương trình talk show và triển lãm với chủ đề: “Giới trẻ với nghệ thuật truyền thống Đà Nẵng” cũng là một điểm nhấn của hoạt động Tuần lễ doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong Tuần lễ doanh nghiệp 2022, còn có chương trình đưa sinh viên đến học tập, trải nghiệm trực tiếp doanh nghiệp.

ThS. Trương Trung Phương - Phó Trưởng khoa Lịch sử cho biết: "Cùng với dạy học dựa trên công việc thực tế, những hoạt động trong Tuần lễ doanh nghiệp là điểm nhấn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự gắn kết giữa Khoa và các đối tác, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng. Đây cũng là cơ hội để sinh viên chuẩn bị những kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp cho tương lai".

Tuần lễ Doanh nghiệp của Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng diễn ra từ ngày 1/11 đến 6/11 với nhiều hoạt động như chia sẻ của doanh nghiệp, talk show và triển lãm với chủ đề: “Giới trẻ với nghệ thuật truyền thống Đà Nẵng”, chương trình học tập với doanh nghiệp và team building “Việt Nam học vươn ra biển lớn”… Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên có ngành Việt Nam học chuyên ngành Văn hóa Du lịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ