Đây là nỗ lực rất lớn của Tổng cục Hải quan - Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), trong việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành kết nối thêm thủ tục mới. Việc triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippin thông qua Cơ chế một cửa ASEAN.
Kết nối dịch vụ công đã và đang là động lực cho phát triển. Theo số liệu thống kê, đến ngày 15/11/2020, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 228.813 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 303.412 C/O. Đồng thời, Bộ Tài chính đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch thực vật. Theo kế hoạch của ASEAN, 2 chứng từ này dự kiến sẽ được kết nối trao đổi trong năm 2020.
Không chỉ trong nước, với các đối tác nước ngoài và đặc biệt trong khối ASEAN kết nối dịch vụ công đã cho thấy những tiến bộ đáng kể. Có thể kể ra các hoạt động liên quan đến triển khai kết nối với đối tác ngoài ASEAN: Việt Nam đã hoàn thành việc kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu; đang đàm phán trao đổi chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc; trao đổi chứng nhận điện tử với New Zealand (đã ký thỏa thuận hợp tác với New Zealand).
Kết nối cổng dịch vụ công đã thực sự góp phần giúp việc cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, các hoạt động tạo thuận lợi thương mại. Chính vì thế, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính đôn đốc các Bộ, ngành triển khai nhiệm vụ theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 và Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1254/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020.
Chính phủ cũng giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa.
Bộ Tài chính chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu và triển khai Đề án; tổng hợp xây dựng kinh phí năm 2021 phục vụ thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại theo quy định.
Bộ Công an có trách nhiệm sớm triển khai kết nối Hệ thống chuyên ngành của Bộ Công an với Cổng thông tin một cửa quốc gia tiếp nhận thông tin tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường không theo Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Các Bộ, ngành tập trung nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện rà soát, thống nhất quy trình nghiệp vụ và chỉ tiêu thông tin; phân tích thiết kết; xây dựng hệ thống; kiểm thử, đào tạo và tập huấn; thí điểm và triển khai chính thức 61 thủ tục hành chính cần phải triển khai trong năm 2020. Đồng thời, đẩy mạnh điện tử hóa hoàn toàn việc thực hiện thủ tục hành chính theo dịch vụ công mức độ 4.
Khớp nối từ khâu nộp hồ sơ, thanh toán điện tử cho đến trả kết quả; thiết lập cơ chế và đẩy nhanh việc chia dữ liệu điện tử nhằm tối ưu hóa việc thực hiện thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia và thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; tập trung cải cách hành chính, ưu tiên tăng cường minh bạch thông tin, thống nhất các biểu mẫu và cắt giảm, đơn giản hóa quy trình thực hiện thủ tục, cũng như thành phần hồ sơ.