Kết hôn với… chính mình

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Khái niệm tự kết hôn, đã xuất hiện từ nhiều năm nay và gây ra những ý kiến trái chiều.

Một phụ nữ ở Ozark, bang Missouri tổ chức đám cưới cho chính mình. Ảnh: CNN/Brittany Shalako Rist
Một phụ nữ ở Ozark, bang Missouri tổ chức đám cưới cho chính mình. Ảnh: CNN/Brittany Shalako Rist

Đài CNN kể về câu chuyện của một số phụ nữ Mỹ kết hôn với chính họ.

Những đám cưới “đơn thân”

Huấn luyện viên hình thể 30 tuổi Danni Adams đã lên kế hoạch kết hôn với chính mình vài năm trước. Cô muốn một bữa tiệc lớn, có đầy đủ những người thân yêu. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy ra nên cô phải hoãn đám cưới và tìm đến một nhà trị liệu để tập trung cải thiện lòng tự trọng của mình.

Sau đó, cô đã tự cưới mình trước khoảng 40 khách tại một địa điểm ngoài trời ở Sanford, Florida với chi phí 4 nghìn USD và có 9 phù dâu. Cô đã đọc lời thề của mình trước một tấm gương soi toàn thân.

Danni Adams kết hôn với chính mình tại Sanford, bang Florida. Ảnh: CNN/Stormie Bray

Danni Adams kết hôn với chính mình tại Sanford, bang Florida. Ảnh: CNN/Stormie Bray

Khi Adams bước xuống lối đi, cô ấy nghĩ về những điều đưa cô ấy đến thời điểm này.

“Tất cả những gì đã xảy ra với tôi trong quá khứ khi còn nhỏ, tất cả những điều đã làm tổn thương tôi, đây giống như sự khởi động lại cuộc đời. Tôi được làm chủ cuộc sống, niềm vui và sự lựa chọn của chính mình”, Adams nói.

Sau đám cưới trên, Adams tự thưởng cho mình kỳ nghỉ “trăng mật” ở Tulum, Mexico. Ngoài một chiếc nhẫn, cô còn tự tặng mình chiếc vòng cổ và 2 vòng tay với dòng chữ: “Cô gái xinh đẹp, bạn sinh ra để thay đổi thế giới và tập trung vào những điều tốt đẹp”.

Adams cho biết, các nhà phê bình đã mô tả lựa chọn kết hôn của cô như một lời kêu cứu. Nhiều người nói cô có vấn đề về sức khỏe tâm thần cần được giải quyết. Tuy vậy, Adams vẫn dự định, nếu kết hôn trong tương lai, cô sẽ đeo nhẫn cưới ngay bên cạnh chiếc nhẫn cô đã tặng bản thân.

Ở một trường hợp khác, bà Dorothy Fideli chưa hề tái hôn sau khi ly hôn cách đây gần 5 thập kỷ. Tuy nhiên, ở tuổi 77, bà đã kết hôn với mình trước sự chứng kiến của 3 đứa con và 20 người tại cộng đồng hưu trí ở Goshen, bang Ohio.

Bà Fideli mặc một chiếc áo choàng trắng, đeo mạng che mặt ngắn và đi giày thể thao màu trắng trong lễ cưới đặc biệt. Bà cho biết cảm thấy mình quan trọng, xinh đẹp như một nữ hoàng.

“Thật khó để giải thích cảm giác đó - bạn phải cảm nhận nó trong tâm hồn mình”, bà nói.

Fideli chưa bao giờ mặc váy cô dâu. Đám cưới năm 1965 của bà với chồng được tổ chức tại tòa án và kết thúc bằng vụ ly hôn 9 năm sau đó.

Thông điệp của Fideli gửi đến những phụ nữ trẻ đang đấu tranh với các vấn đề về lòng tự trọng: Không bao giờ là quá muộn để yêu chính mình.

Trong khi đó, tháng 9/2020, bà Ena Jones kết hôn vào sinh nhật lần thứ 50 của mình. 30 khách mời nghĩ rằng họ đang tham dự một bữa tiệc sinh nhật quan trọng. Sau đó, bà xuất hiện với chiếc vương miện và chiếc váy trắng dài đến đầu gối, tay cầm một bó hoa hướng dương, khoác tay cha chồng bước xuống lễ đường.

Jones nói rằng, bà muốn tự kết hôn kể từ khi chồng qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2016 và đây là mối quan hệ quan trọng nhất của mình. “Nó tượng trưng cho tình yêu của tôi dành cho bản thân trong suốt quãng đời còn lại”, bà nói.

Ena Jones đã tặng cho mình chiếc nhẫn hoa hướng dương. Nếu tái hôn, bà sẽ chuyển nó sang ngón đeo nhẫn bên phải và đeo chiếc nhẫn mới vào tay trái. Dù bằng cách nào, bà dự định lặp lại lời thề trong đám cưới mình vào sinh nhật lần thứ 55.

Những ý kiến trái chiều

Bà Dorothy Fideli đã kết hôn trước khoảng 20 khách tại cộng đồng hưu trí ở Goshen, bang Ohio. Ảnh: CNN/Donna Pennington

Bà Dorothy Fideli đã kết hôn trước khoảng 20 khách tại cộng đồng hưu trí ở Goshen, bang Ohio. Ảnh: CNN/Donna Pennington

Một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình tên là John Amodeo cho biết: “Điều nổi bật đối với tôi về xu hướng này là ngày càng có nhiều người nhận ra rằng họ cần chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của chính mình, rằng họ có thể có một cuộc sống thỏa mãn, ý nghĩa mà không cần phải có quan hệ đối tác”.

Ông Amodeo mô tả nó như một hình thức ái kỷ lành mạnh. Theo ông, nếu không tự yêu thương bản thân, mọi người sẽ phụ thuộc vào người khác để cảm thấy mình xứng đáng và có giá trị.

“Thiếu yêu bản thân dẫn đến sự ái kỷ không lành mạnh. Sau đó, chúng ta liên tục cần sự xác nhận từ người khác để lấp đầy khoảng trống bên trong của mình”, ông cho biết.

Theo ông Amodeo, mặc dù việc tự kết hôn có thể giúp mọi người nâng cao lòng tự trọng nhưng không nên ngăn cản việc kết nối sâu sắc với một người khác. Ông nói, tình yêu bản thân tạo ra nền tảng vững chắc cho các mối quan hệ thân mật, lành mạnh và viên mãn hơn với những người khác. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc tìm kiếm tình yêu bản thân là một quá trình lâu dài và không kết thúc bằng việc tự kết hôn.

Bà Ena Jones, 52 tuổi, kết hôn vào sinh nhật lần thứ 50 của mình. Ảnh: CNN/Ena Jones

Bà Ena Jones, 52 tuổi, kết hôn vào sinh nhật lần thứ 50 của mình. Ảnh: CNN/Ena Jones

Theo ông, chúng ta không cần phải hoàn hảo về nó. Nếu chúng ta đợi cho đến khi hoàn toàn yêu bản thân mình rồi mới yêu người khác, chúng ta có thể ở trong viện dưỡng lão trước khi cảm thấy sẵn sàng cho một mối quan hệ sâu sắc.

Các nhà phê bình đã chỉ trích vấn đề được coi là rối loạn nhân cách ái kỷ, hay còn gọi là vĩ cuồng trên. Đây là bệnh lý rối loạn nhân cách có đặc trưng là thường xuyên phóng đại tầm quan trọng của bản thân, khao khát được mọi người ngưỡng mộ và thiếu sự đồng cảm với người khác.

Không có dữ liệu về việc có bao nhiêu người tự kết hôn với mình qua các nghi lễ, nhưng một số bài báo gần đây đã nói về vấn đề này. Tuy nhiên, chế độ tự kết hôn này không ràng buộc về mặt pháp lý ở Mỹ và không được luật pháp của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới công nhận.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nam Định FC thua đáng tiếc Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Nam Định thua sốc Thể Công Viettel

GD&TĐ - Xuất sắc đánh bại Nam Định trên sân nhà, Thể Công Viettel cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 19.