Kéo giảm tối đa cảnh đợi chờ khám bệnh cho bệnh nhân ung thư

GD&TĐ - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM sẽ triển khai nhiều giải pháp giảm thời gian chờ cho người bệnh như khám bệnh từ 5h sáng, mổ ngoài giờ hành chính và thứ bảy.

Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2. (Ảnh: LP)
Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2. (Ảnh: LP)

Ngày 6/6, Sở Y tế TPHCM đưa ra các giải pháp trọng tâm phòng chống Ung thư trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, cũng như tìm kiếm giải pháp tiết giảm thời gian chờ đợi khám cho bệnh nhân.

Theo đó, bệnh viện Ung Bướu TPHCM sẽ triển khai nhiều giải pháp để giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh như tổ chức triển khai tiếp nhận và khám bệnh từ 5h sáng; tăng số ca xạ trị từ 5h-22h; tổ chức mổ ngoài giờ hành chính và thứ bảy.

Thời gian chờ mổ của bệnh nhân giảm còn từ 1 đến 3 tuần, thời gian chờ xạ trị giảm trung bình khoảng 1 đến 2 tuần so với trước đây tùy theo từng loại bệnh lý.

Đối với bệnh nhân có bệnh lý ác tính thời gian chờ mổ ngắn hơn bệnh nhân có bệnh lý lành tính. Bệnh viện áp dụng công nghệ thông tin để hẹn lịch mổ tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh.

Ngoài ra, bệnh viện Ung Bướu TPHCM đang tiếp tục huy động nguồn lực xã hội để triển khai hiệu quả chiến lược phòng chống ung thư, đây là giải pháp vừa mang tính toàn diện, vừa mang tính khoa học và thực tiễn.

Trong hàng loạt các giải pháp, ngành Y tế TPHCM xác định rõ việc xây dựng chiến lược phòng chống ung thư với các hoạt động trọng tâm được triển khai đồng bộ theo khuyến cáo của WHO là nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành.

Sở Y tế cũng ban hành kế hoạch 8534/KH-SYT về tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống ung thư trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, trong đó tập trung vào các giải pháp trọng tâm như: tăng cường công tác tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý ung thư để điều trị hiệu quả hơn, với thời gian ngắn hơn.

Hiện Sở Y tế đang có kế hoạch xây dựng Trung tâm Khám sức khỏe và phát hiện bệnh sớm bằng công nghệ cao của thành phố trình các cấp thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đầu tư phát triển các trang thiết bị hiện đại, chuẩn hóa nguồn nhân lực chuyên ngành ung bướu theo các cấp độ kỹ thuật; phát triển hệ thống, kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu để nâng cao chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân.

Song song là giải pháp tăng cường phối hợp các tỉnh thành trong vùng nhằm triển khai công tác khám sàng lọc, hợp tác vùng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác chẩn đoán, điều trị các bệnh lý ung thư và hình thành “Mạng lưới phòng chống ung thư vùng”.

Sở Y tế cho rằng: Với mạng lưới có ý nghĩa chăm sóc bệnh nhân từ lúc tầm soát, phát hiện ung thư cho đến giai đoạn cuối... sẽ giúp hoạt động điều trị giảm nhẹ, chăm sóc ở tuyến cuối cho đến cộng đồng cũng bớt áp lực hơn.

Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tổ chức Hội nghị Y tế vùng với sự tham dự của Sở Y tế các tỉnh, thành trong khu vực và các chuyên gia trong lĩnh vực ung bướu nhằm lấy ý kiến đồng thuận về kế hoạch hình thành “Mạng lưới phòng chống ung thư vùng”.

Hiện nay, bệnh viện Ung Bướu TPHCM tiếp nhận từ 4.700 - 4.800 bệnh nhân đến khám mỗi ngày, số bệnh nhân nội trú là 800-900 người, số bệnh nhân ngoại trú điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị trong ngày khoảng 1.000-1.100.

Trong đó, 84% bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành trong cả nước (trước đây tỷ lệ khoảng 75%), số lượng bệnh nhân có địa chỉ tại TPHCM đến khám không biến động nhiều (khoảng 700-750 bệnh nhân/ngày).

Với quy mô 1000 giường bệnh và số bệnh nhân nội trú khoảng 800-900 người, bệnh viện đảm bảo giường nội trú cho những bệnh nhân diễn tiến nặng có chỉ định nhập viện.

Do vậy, hiện đối với bệnh nhân nội trú không còn tình trạng phải nằm ghép vì quá tải và thiếu cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, số lượng bệnh ngoại trú hiện tại khoảng 4.700-4.800, tăng khoảng 8-10% so với trước đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.