Giải 'điểm nghẽn' chờ mổ ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM

GD&TĐ - Tính đến cuối tháng 1/2023, Bệnh viện Ung bướu TPHCM còn 474 bệnh nhân phải chờ mổ.

Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 2).
Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 2).

Nhiều năm qua, hoạt động điều trị, khám chữa bệnh của Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 1 luôn trong tình trạng quá tải, bệnh nhân phải xếp hàng chờ đợi phẫu thuật.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 2/2023, “điểm nghẽn” chờ mổ đã khai thông khi cơ sở 2 của bệnh viện này chính thức vận hành toàn phần và tăng hệ thống phòng mổ hiện đại.

Lượng bệnh nhân không tăng đột biến

Tính đến cuối tháng 1/2023, Bệnh viện Ung bướu TPHCM còn 474 bệnh nhân phải chờ mổ. Con số đã giảm đáng kể so với trước đây. Bởi tháng 8/2022, nơi đây có tới 1.186 bệnh nhân chờ phẫu thuật.

Nguyên nhân của việc chờ mổ kéo dài, một phần xuất phát từ hiện trạng cơ sở vật chất ở cơ sở 1 (quận Bình Thạnh) xuống cấp, chật chội rất khó có thể đảm đương được nhiệm vụ khám chữa bệnh ngày một tăng cao.

Theo bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, thực tế bệnh nhân chờ phẫu thuật, điều trị không chỉ có ở đây, mà còn ở một số bệnh viện khác, đặc biệt là các bệnh ngoại khoa. Nguyên nhân vì là bệnh viện tuyến cuối nên khi bắt đầu một cuộc phẫu thuật cần chuẩn bị những vấn đề liên quan đến tim mạch, tiền phẫu…

Với 474 bệnh nhân đang chờ phẫu thuật, điều trị, bệnh viện đã chuẩn bị các xét nghiệm, điều kiện mổ đầy đủ sau đó cho bệnh nhân về, gần tới ngày mổ bệnh nhân sẽ được thông báo nhập viện, trừ những trường hợp cấp cứu, mổ khẩn cấp mới được ưu tiên.

“Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM có 75 - 80% là bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành phía Nam. Người bệnh ở TPHCM chỉ chiếm 20 - 25%. Việc người dân ở các địa phương tìm đến bệnh viện chữa trị đông đã tồn tại cách đây 20 năm.

Sở dĩ người bệnh tìm đến đông là do bệnh viện thuộc tuyến Trung ương với trang thiết bị hiện đại, được mọi người tin tưởng. Đây cũng là chuyện bình thường, chứ không tăng đột biến”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TPHCM thăm khám cho bệnh nhân.

Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TPHCM thăm khám cho bệnh nhân.

Nỗ lực giải “nghẽn”

“Không chỉ bệnh nhân chờ mổ, Bệnh viện Ung bướu TPHCM hiện cũng có bệnh nhân chờ xạ trị. Bệnh viện có 13 máy xạ trị nhưng đa phần đều là dòng máy kỹ thuật cao, điều trị chính xác và hiệu quả cao hơn nhưng lại mất thời gian hơn.

Trước đây, một ngày có thể thực hiện điều trị cho 100 bệnh nhân mỗi máy, thì hiện nay máy hiện đại chỉ thực hiện được khoảng 20 - 30 bệnh nhân/ngày. Tuy số lượng bệnh nhân điều trị mỗi ngày ít hơn, nhưng đổi lại hiệu quả điều trị cao hơn và ít tai biến” - BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM.

Từ ngày 2/2, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2, TP Thủ Đức, được hoạt động hết công suất ở tất cả khoa, phòng bệnh, thay thế cho cơ sở 1 lâu nay luôn bị quá tải.

Đối với Bệnh viện Ung bướu TPHCM và đặc biệt trong lĩnh vực điều trị ung thư giai đoạn sớm thì phẫu thuật vẫn là mũi nhọn và phương pháp điều trị chủ lực. Trước đây, cơ sở 1 có tất cả 14 phòng mổ, trung bình một ngày công suất mổ khoảng 65 ca.

Khi chuyển qua cơ sở 2, số phòng mổ sẽ được nâng từ 14 lên 20 phòng (trong đó có 4 phòng mổ vẫn đặt ở 47 Nguyễn Huy Lượng - cơ sở 1). Dự kiến mỗi ngày bệnh viện sẽ mổ được 92 ca bệnh, tăng gần 30% so với trước đây.

Từ sau Tết Quý Mão 2023, số lượng bệnh nhân khám ở cơ sở 2 tăng cao. Việc chính thức đưa vào vận hành cơ sở này đã góp phần giải quyết được tình trạng chờ mổ như thời gian vừa qua. Theo đó, có thể kéo giảm thời gian chờ mổ còn khoảng 3 tuần so với 4 tuần như trước đây.

Tuy nhiên, để vận hành được bệnh viện mang tầm khu vực phía Nam này, Ban lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TPHCM rất lo lắng về kinh phí. Cụ thể, cơ sở 2 được đầu tư máy móc hiện đại phục vụ cho việc chẩn đoán các bệnh ung bướu như máy chụp X-quang, phòng phẫu thuật, máy xạ trị… Số tiền bảo trì số lượng trang thiết bị này mỗi năm rất lớn.

Theo bác sĩ CKII Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, khi đưa vào hoạt động một bệnh viện mới, quy cách, hệ thống thiết bị và công tác về mặt tổ chức quản lý hoàn toàn khác. Chắc chắn thời gian đầu không thể trơn tru hết tất cả mọi chuyện.

Kinh nghiệm cho thấy khi một bệnh viện mới đi vào hoạt động cần tối thiểu 2 năm mới đi vào khuôn khổ. Ngoài ra, khi đưa vào vận hành những trang thiết bị hiện đại, sẽ đi kèm những vấn đề kinh phí rất lớn để bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị máy móc.

Bệnh viện được đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng cho trang thiết bị, tính trung bình mỗi năm tiêu tốn 10% để bảo dưỡng. Như vậy mỗi năm bệnh viện phải chi khoảng gần 200 tỷ đồng cho bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị.

Đây là khó khăn mà bệnh viện cũng đã trình bày với ngành y tế và lãnh đạo TPHCM cũng như Đoàn giám sát của Quốc hội để có thể bổ sung ngân sách. Nếu các thiết bị hiện đại trong quá trình sử dụng không có kinh phí để bảo dưỡng thì sẽ dẫn tới sự xuống cấp.

“Kinh phí vận hành tòa nhà cũng khá tốn kém. Đơn cử, nếu hoạt động tại cơ sở 1, trung bình một tháng sẽ chi khoảng 1 tỷ đồng tiền điện, thì ở cơ sở 2 phải gần 5 tỷ đồng.

Kinh phí đội lên nhiều đã và đang là thách thức của Ban lãnh đạo Bệnh viện, buộc phải tính toán làm sao vừa bảo đảm thu nhập cho nhân viên y tế, vận hành tốt tòa nhà và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”, bác sĩ Quốc Thịnh cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ