Kênh YouTube của Khá “bảnh”, Dũng “trọc” bị gỡ bỏ

GD&TĐ - Bộ Công an yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa 6.300 video. Trong số này có kênh YouTube của Ngô Bá Khá (Khá “bảnh”) và Nguyễn Văn Dũng (Dũng “trọc”).

Nhiều nội dung trên trang YouTube của các giang hồ mạng gây ảnh hưởng xấu tới giới trẻ.
Nhiều nội dung trên trang YouTube của các giang hồ mạng gây ảnh hưởng xấu tới giới trẻ.

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng việc này là cần thiết bởi: “Video bẩn, độc sẽ làm nhân cách của giới trẻ phát triển méo mó, dị dạng”.

Gỡ bỏ 2 kênh Dũng “trọc” và Khá “bảnh”

Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05)  - Bộ Công an cho biết, thời gian qua, cơ quan chức năng đã yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa 6.300 video. Đây là những video có nội dung nhảm, phản cảm, cổ súy tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam. Theo đó, nhiều hình ảnh do người có tiền án, tiền sự sử dụng trang cá nhân, đăng lên mạng xã hội Facebook, YouTube. Những video này phản ánh cuộc sống giang hồ, xã hội đen nhưng trở thành hiện tượng mạng, được hàng triệu người dùng mạng theo dõi.

A05 dẫn một số trường hợp điển hình như trang cá nhân của Ngô Bá Khá (tức Khá “bảnh”) với 4 kênh YouTube hơn 2 triệu người theo dõi. Hay trang cá nhân của Nguyễn Văn Dũng (tức Dũng “trọc”).

Một số vlogger có trang mạng cá nhân thu hút lượng người theo dõi lớn nhưng thường xuyên sản xuất các video mang nội dung nhảm nhí, phản cảm. Điển hình là kênh YouTube Hưng Vlog với gần 3 triệu người theo dõi. Ngoài ra, an ninh mạng cũng phát hiện hơn 425 trang mạng khác cung cấp những nội dung khiêu dâm, đồi trụy.

A05 cho biết, trong hơn 2 năm qua, lực lượng chức năng đã yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa hơn 6.300 clip, 3 kênh YouTube (gồm 2 kênh của Khá “bảnh” và 1 kênh của Dũng “trọc”). Đề nghị Facebook gỡ bỏ gần 550 bài viết, tài khoản cá nhân và fanpage có nội dung xấu, độc, mua bán tiền giả, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu nổ, chất gây nghiện...

Thời gian tới, Bộ Công an phối hợp Bộ TT&TT sẽ tăng cường công cụ kiểm duyệt nội dung trên không gian mạng. Yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Ẩn họa từ những video “bẩn”

Bà Nguyễn Thanh Lan - Giám đốc Trung tâm Khoa học GD&ĐT Đức Trí cho biết, một số kênh Vlog có lượt theo dõi cao như: Hưng Vlog, Khá “bảnh”, Dũng “trọc”… thường xuyên thực hiện những video không lành mạnh.

“Video đập phá, đốt xe của Khá “bảnh” hay mới đây YouTube Hưng Vlog đăng video clip nấu 1 nồi cháo gà nguyên con, nguyên lông. Phần lớn bình luận những video trên là chỉ trích hành động này là câu view bất chấp nguy hiểm, gây tác động xấu đến trẻ em…”, bà Lan bày tỏ.

Bà Lan cho rằng, những video clip với nội dung không lành mạnh đang được theo dõi đông đảo đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người xem. Đặc biệt, là lứa tuổi thanh thiếu niên và các em học sinh.

“Khi bố mẹ bận công việc, không có thời gian quan tâm, để ý con trẻ thì việc bật tivi cho các em xem clip là biện pháp được đa số các bậc phụ huynh thực hiện. Với suy nghĩ con vừa được xem, chơi ngoan, bố mẹ vừa rảnh để làm việc nên đa phần phụ huynh không lường trước được những hậu quả nghiêm trọng của việc làm đó khi những video mang tính độc hại nhảm nhí…”, bà Lan nhấn mạnh.

Còn TS Lê Quốc Long - Chủ tịch HĐQT Trường TH&THCS Pascal (Hà Nội) cũng bày tỏ, cuộc sống hiện đại, công nghệ số là bước đột phá mới đem đến cho con người sự thuận tiện, nhanh chóng và văn minh hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tuyệt vời mà công nghệ thông tin mang lại thì vẫn còn những “hạt sạn” ẩn họa hệ lụy khó lường và ở mức đáng cảnh báo.

“Bên cạnh những video clip mang tính chất chia sẻ trải nghiệm có giáo dục, trò chơi, giải trí lành mạnh, văn hóa Việt Nam thì còn không ít video thực hiện những trò đùa nhảm nhí, độc hại, thậm chí rất nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em.

Nếu những video có nội dung nhảm nhí nêu gương xấu nhưng vẫn có hàng triệu lượt theo dõi, chia sẻ sẽ rất nguy hiểm nếu giới trẻ nhất là học sinh, sinh viên truy cập vào xem. Bởi vậy, cơ quan chức năng phải có những biện pháp mạnh để xử lý dứt điểm video xấu, bẩn này…”, TS Lê Quốc Long nói. 

Những hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa dân tộc Việt Nam giúp trẻ phát triển toàn diện tích cực.
Những hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa dân tộc Việt Nam giúp trẻ phát triển toàn diện tích cực.

Cần có “bức tường lửa”

Liên quan đến 2 kênh trên YouTube của Khá “bảnh” và Dũng “trọc”, trao đổi với Báo GD&TĐ, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII - Lê Như Tiến (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) nhấn mạnh, những video với nội dung nhảm nhí, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Nó làm ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh.

“Video bẩn, độc sẽ làm nhân cách của giới trẻ phát triển méo mó, dị dạng. Cần những giải pháp mạnh, gỡ toàn bộ những video bẩn, đen đó. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi video này hạ xuống có video khác đẩy lên, thậm chí có video máy chủ không ở Việt Nam. Vì thế, ngoài việc gỡ cần có một “bức tường lửa” để ngăn chặn tiếp tục đăng tải. Cần hướng dẫn cho thanh niên, nhất là học sinh, sinh viên có sức đề kháng đối với các video xấu bẩn, độc đó…”, đại biểu Tiến nói.

Ông Tiến cho rằng, môi trường giáo dục (nhà trường, gia đình, xã hội) phải giúp các em “dị ứng”, tự loại ra khỏi đầu những video độc hại.

“Học sinh, sinh viên mở ra thấy video xấu độc, nội dung nhảm nhí thì không xem. Từ đó, mới chủ động hơn, ngoài ra cần có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm…”, đại biểu Tiến nhấn mạnh.

Đồng tình với các giải pháp trên, bà Nguyễn Thanh Lan cho rằng, cùng với cơ quan chức năng thì gia đình cần sát sao, quan tâm, hướng dẫn các con, chọn lọc cho các con những kênh thông tin lành mạnh, mang tính giáo dục cao, phù hợp với lứa tuổi.

“Cha mẹ cũng phải dành nhiều thời gian để chia sẻ, trò chuyện với con, cùng con tham gia các trải nghiệm bổ ích, lành mạnh để hướng các con đến các cuộc vận động vui chơi, tránh xa tivi, điện thoại các thiết bị điện tử (nếu chưa phù hợp độ tuổi). Từ đó, trẻ được phát triển toàn diện và hình thành những tính cách tích cực, tốt đẹp trong tâm hồn…”, bà Lan bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ