Hôm 4/6, đơn vị điều hành kênh đào Suez phát đi thông tin cho biết, giao thông trên tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới đã bị gián đoạn tạm thời do một sự cố đến từ tàu chở dầu.
Anadolu đưa tin, Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) cho biết tàu chở dầu SEAVIGOUR treo cờ Malta, dài 274m, rộng 48m, đã bị hỏng động cơ ở mốc 12 km của kênh đào. Đây là tuyến đường một chiều nên đã gây ra sự ách tắc cho 8 con tàu phía sau.
Chủ tịch SCA, Đô đốc Osama Rabie cho biết con tàu này là một phần của đoàn tàu vận tải phía bắc, đi qua kênh đào từ Địa Trung Hải đến Biển Đỏ.
Phía SCA đã cử 3 con tàu lai dắt tàu dầu gặp sự cố đến khu vực mốc 17km của kênh đào ở đoạn hai làn và cho phép vận chuyển hàng hải trở lại bình thường.
Ông Rabie cho biết tàu chở dầu đang trên đường từ Nga đến Trung Quốc với trọng tải 82.000 tấn sẽ tiếp tục hành trình sau khi thủy thủ đoàn tự khắc phục sự cố.
Tuyên bố nêu rõ, chính quyền Ai Cập đã có kinh nghiệm và phương tiện điều hướng cần thiết để xử lý các trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra một cách chuyên nghiệp.
Đây là con tàu mới nhất gây ra sự gián đoạn trên kênh đào Suez. Vào ngày 25 tháng 5 vừa qua, một con tàu treo cờ Hồng Kông (Trung Quốc) cũng gây ra gián đoạn trên kênh đào trong một thời gian ngắn.
Hồi đầu tháng 3 năm nay, một con tàu treo cờ Liberia mắc cạn ở phần hai làn đường. Cơ quan quản lý kênh đào Suez cũng nhanh chóng xử lý và đưa tuyến hàng hải trở lại bình thường.
Sự cố gián đoạn lịch sử ở kênh đào Suez là vào tháng 3/2021 với con tàu Ever Given. Tàu container khổng lồ treo cờ Panama đã đâm vào một bờ kênh trên đoạn đường một làn và khiến tuyến đường bị gián đoạn trong 6 ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu.
Kênh đào Suez là tuyến đường thủy chiến lược nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ, được coi là nguồn thu ngoại tệ chính cho Ai Cập.
Kênh đào mở cửa vào năm 1869 và là một tuyến giao thương quan trọng đối với dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và hàng hóa. Khoảng 10% thương mại thế giới chảy qua kênh đào nhân tạo này. Doanh thu từ kênh đào Suez đạt mức kỷ lục 8 tỷ USD vào năm ngoái.