Kế hoạch giáo dục hòa nhập cho HS khuyết tật: Cần sự cộng hưởng của toàn xã hội

Kế hoạch giáo dục hòa nhập cho HS khuyết tật: Cần sự cộng hưởng của toàn xã hội

(GD&TĐ) - Ngày 18.6, tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch giáo dục hòa nhập (GDHN) cho HS khuyết tật cấp THCS, THPT với sự tham dự của các đại biểu đến từ 63 tỉnh, thành có trường THCS thuộc diện sẽ chỉ đạo điểm về giáo dục hòa nhập. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chỉ đạo Hội nghị.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Giáo dục hòa nhập, trong đó có giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật đã được ngành GD chú ý từ lâu, và có không ít những tấm gương về ý chí và nghị lực của người khuyết tật. Đối tượng của GDHN, ngoài học sinh khuyết tật còn được mở rộng đến những học sinh có khó khăn. Thí điểm từ năm 1996, đến năm 2001 – 2002, giáo dục hòa nhập đã trở thành chủ trương chính thức của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên mới chủ yếu tập trung ở bậc Mầm non và Tiểu học. Trước khi có Luật Người khuyết tật, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành quy định về GDHN dành cho người tàn tật, khuyết tật. Đây là cơ sở, điều kiện quan trọng để bước đầu triển khai GDHN đối với giáo dục trung học. Nếu học sinh khuyết tật nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tốt từ môi trường gia đình, xã hội và phương pháp giáo dục phù hợp từ nhà trường thì hiệu quả sẽ cao hơn. Để cho HS khuyết tật được đến trường, hòa nhập với các hoạt động giáo dục, được học tập, chăm sóc sức khỏe, có cơ hội để phát triển… cần sự nỗ lực của các cơ quan chức năng giáo dục và cả cộng đồng.

Ông Nguyễn Hải Châu - Phó Vụ trưởng Vụ Trung học, Bộ GD&ĐT nhận định: “Khác với GD Mầm non và Tiểu học, ở cấp THCS và THPT, HS có độ tuổi lớn hơn, tâm sinh lí và mối quan hệ với bạn học, với xã hội đa dạng hơn trong khi đó phải học rất nhiều môn do nhiều giáo viên giảng dạy, vì vậy, thực hiện GDHN tại các trường THCS và THPT là một công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp; cần có những bước đi cơ bản, có lộ trình để tiến tới thực hiện triển khai dạy và học GDHN trong các trường THCS và THPT trên toàn quốc”. Cũng theo ông Nguyễn Hải Châu, so với bậc Tiểu học, khó khăn trong GDHN ở bậc THCS và THPT còn xuất phát từ điều kiện CSVC, kế hoạch dạy và học, nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Trong thực tế, một số cơ sở giáo dục có trẻ khuyết tật đến lớp học hòa nhập, việc đánh giá xếp loại theo quy chế hiện hành chưa phù hợp với HS khuyết tật, nên các em thường không đạt chuẩn lên lớp, phải ở lại lớp, mặc cảm với khả năng của mình dẫn đến bỏ học.

Phòng Hỗ trợ đặc biệt của trường THCS Nguyễn Trãi - Hiệp Đức, Quảng Nam.JPG
Phòng Hỗ trợ đặc biệt của trường THCS Nguyễn Trãi - Hiệp Đức, Quảng Nam.JPG

Từ trước khi có Luật Người khuyết tật, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy định về GDHN dành cho người tàn tật, khuyết tật. Đây là cơ sở, điều kiện quan trọng để bước đầu triển khai GDHN đối với GD trung học. Bắt đầu từ năm 2007, Bộ GD&ĐT cũng đã bắt đầu xây dựng và thử nghiệm mô hình GDHN HS khuyết tật cấp THCS và tiến hành triển khai thí điểm ở 9 trường THCS tại Ninh Bình và Quảng Nam, có 553 HS có hoàn cảnh kho khăn trên tổng số 4.234 HS trong đó có 152 HS khuyết tật với 37 em khuyết tật nặng.

Việc chuẩn bị các điều kiện cho HS khuyết tật tham gia hòa nhập như: phân loại dạng và mức độ khuyết tật, xác định năng lực và nhu cầu của từng HS; thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng, chuẩn bị về tâm lý, môi trường giáo dục, tăng cường kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, kỹ năng học tập… cho HS khuyết tật và có khó khăn được chuẩn bị rất chu đáo trong quá trình tiến hành thí điểm mô hình.

TS Lương Thị Kim Nga – Giám đốc TT Hợp tác Phát triển Giáo dục – Hội khuyến học đánh giá: “Mô hình GDHN kể từ khi đưa vào thử nghiệm đã tạo sự thay đổi sâu sắc trong đội ngũ CBQL, GV, cộng đồng về nhận thức, thái độ, hành vi đối với chăm sóc giáo dục trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”.

Trước hết, mô hình GDHN đã hình thành đối với mỗi GV, CBQL, cộng đồng tầm nhìn thừa nhận về sự đa dạng tất yếu trong môi trường GD, thay đổi nhận thức về quyền của trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em đang trong tình trạng yếu kém đạo đức hay học tập; thừa nhận tiềm năng của tất cả đối tượng HS…; sẵn sàng tiếp nhận HS có khó khăn, thấu hiểu và chia sẻ trách nhiệm, đối xử bình đẳng và có kế hoạch hành động thực tiễn đem lại cho mọi trẻ em hạnh phúc khi đến trường.

Để giáo dục hòa nhập cho HS khuyết tật, mỗi trường học cần xây dựng được một không gian hòa nhập như đường đi, nhà vệ sinh, sân chơi... Trong ảnh - đường xe lăn dành cho HS khó khăn về vận động tại trường THCS Chu Văn An-Hiệp Đức
Để giáo dục hòa nhập cho HS khuyết tật, mỗi trường học cần xây dựng được một không gian hòa nhập như đường đi, nhà vệ sinh, sân chơi... Trong ảnh - đường xe lăn dành cho HS khó khăn về vận động tại trường THCS Chu Văn An-Hiệp Đức

Quá trình thử nghiệm mô hình GDHN tại 9 trường THCS ở Ninh Bình và Quảng Nam cũng đã hình thành được không gian tiếp cận GDHN như đường đi, nhà vệ sinh, sân chơi… Một không gian giao thông tiếp cận được cải thiện có đường xe lăn dành cho HS có khó khăn vận động, biển báo chỉ dẫn, nền lớp học được san phẳng tạo sự thân thiện, tiện ích trong giao tiếp và hoạt động.

Theo ông Nguyễn Hải Châu, trong GDHN cũng cần có những hỗ trợ đặc biệt cho từng HS có dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, hỗ trợ những nội dung nào sẽ làm rõ về điều chỉnh, bổ sung chương trình và những hỗ trợ chuyên biệt như kỹ năng sống, hỗ trợ kỹ thuật sử dụng các công cụ nghe nhìn, ký hiệu giao tiếp, chữ nổi Braille, vì vậy cần phải có CSVC phục vụ cho hoạt động dạy học. Mô hình phòng Hỗ trợ đặc biệt được xây dựng và hoạt động tại 9 trường THCS có thí điểm GDHN cho thấy phòng Hỗ trợ đặc biệt, ngoài là nơi thực hiện nội dung giáo dục cá nhân, còn là phương tiện để phụ huynh và cộng đồng cùng chia sẻ với nhà trường hỗ trợ cho HS có khó khăn.

Hướng tiếp cận dạy học hòa nhập trong trường THCS cũng đã được hình thành qua quá trình triển khai thí điểm. Theo như bà Lương Thị Kim Nga, thì GV đã tiếp cận được phương pháp dạy học hòa nhập, cải thiện tích cực hướng vào người học, đặc biệt là HS có khó khăn; chuyển từ hướng tiếp cận sử dụng phương pháp giáo dục “vừa một cỡ cho tất cả việc học”, buộc trẻ phải tự uốn mình phù hợp với những nhận định được nêu sẵn về nhịp độ và bản chất của quá trình học tập sang cách tiếp cận việc học phải thích nghi với nhu cầu HS.

Có một thực tế là hầu hết HS khuyết tật, HS có hoàn cảnh đặc biệt sẽ không tiếp tục theo học THPT. Vì vậy, hỗ trợ nghề, hướng nghiệp cho đối tượng HS khó khăn ngay trong trường THCS là hướng tiếp cận phù hợp với thực tiễn. Mô hình GDHN tại 9 trường THCS thời gian qua đã chú trọng tiếp cận hỗ trợ nghề, hướng nghiệp cho HS khó khăn thông qua phát hiện khả năng để tư vấn nghề phù hợp, hỗ trợ ban đầu về nghề, kết nối với các cơ sở nghề, kết nối với các cơ sở nghề giúp các em tiếp cận nghề và chuẩn bị nghề cho tương lai.

Quá trình thử nghiệm mô hình GDHN tại 9 trường THCS thuộc hai huyện của tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam với những bài học và kinh nghiệm thực tế rất có ý nghĩa cho việc triển khai điểm tại 63 trường THCS thuộc 63 tỉnh thành từ năm học 2011 - 2012. Dự kiến, GDHN sẽ được triển khai thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục trung học từ năm học 2012 – 2013.

Ánh Ngọc
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ