Khó giảm giá
Diễn biến thị trường thời gian qua cho thấy “cung - cầu” quá chênh lệch, khiến giá thịt lợn hơi chưa thể bình ổn và vẫn neo ở mức cao từ 80.000 - 90.000 đồng/kg. Nguyên nhân chủ yếu của sự mất cân đối trên là do dịch bệnh dẫn đến nguồn cung giảm mạnh. Về việc các doanh nghiệp, tổng công ty lớn cam kết giảm giá lợn hơi nhưng giá lợn thị trường vẫn không giảm, theo lý giải của Cục Chăn nuôi, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn cam kết giảm giá chỉ chiếm 35% thị trường, còn lại 65% là các doanh nghiệp nhỏ, hộ nông dân. Do đó, chưa đủ sức để kéo giá bình quân xuống dưới 70.000 đồng/kg.
Cùng với đó, một số doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn không xuất hoặc hạn chế xuất lợn thịt nên gia tăng thêm hiệu ứng thiếu nguồn cung làm tăng giá lợn thịt. Lợn hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian làm giá thịt lợn tăng cao khoảng 43%. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu cũng tăng cao làm giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng trên 10%. Đồng thời, chi phí phòng chống dịch bệnh tăng do phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thuốc sát trùng cũng ảnh hưởng đến giá lợn…
Ngoài ra, giá thịt lợn của Trung Quốc tăng cao nên vẫn còn hiện tượng thẩm lậu lợn thịt, lợn giống và sản phẩm thịt lợn qua biên giới. Về phía người chăn nuôi nhỏ lẻ, tâm lý sợ dịch tả lợn châu Phi tái phát và do chậm nhận được tiền hỗ trợ cho dịch bệnh, khó tiếp cận chính sách tín dụng, lãi suất ưu đãi… nên chưa tái đàn hoặc tái đàn với số lượng ít để “nghe ngóng”.
Về việc nhập khẩu thịt lợn, thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 43.000 tấn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, với thị trường trong nước, người dân có thói quen sử dụng thịt tươi. Các loại thịt lợn đông lạnh được nhập khẩu chưa được ưa chuộng. Các doanh nghiệp nhập khẩu cũng chưa dám nhập ồ ạt mà còn theo dõi sức mua của thị trường. Vì thế, sản phẩm chưa thực sự thâm nhập được thị trường, giúp bình ổn thị trường như kỳ vọng.
Đẩy nhanh tái đàn
Phát biểu tại hội nghị thúc đẩy chăn nuôi lợn diễn ra sáng 6/5, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, Yên Bái chủ động cho các hộ chăn nuôi tái đàn lợn từ tháng 9/2019, với điều kiện bảo đảm được an toàn sinh học và chủ động được con giống. Yên Bái dự kiến sẽ tái đàn đạt tổng lượng 528.000 con, tăng hơn 40.000 con so với trước dịch tả lợn châu Phi. Các giải pháp của tỉnh hiện nay là tìm cách hỗ trợ tốt nhất cho các hộ chăn nuôi, bổ sung chính sách để đạt mục tiêu tái đàn nhanh như hỗ trợ hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Ngoài ra, Yên Bái còn tập trung hỗ trợ các đơn vị có khả năng sản xuất con giống an toàn bằng chính sách lãi suất với ngân hàng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh nêu thực tế địa phương, sau khi cơ bản kiểm soát được dịch, tỉnh đã tìm các giải pháp để tái đàn, tăng đàn. Tỉnh tập trung theo hướng chăn nuôi công nghiệp, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ để dễ dàng bảo đảm an toàn sinh học, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nguồn giống, chăn nuôi theo các tiêu chuẩn VietGAP và chăn nuôi liên kết để giảm khâu trung gian, từ đó kiểm soát được giá bán. Trong đó, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trang trại để tái đàn, hỗ trợ về chính sách. Tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, thủ tục cho các doanh nghiệp lớn đẩy mạnh tái sản xuất, tăng đàn trong thời gian tới. Tính đến cuối tháng 4, tổng đàn lợn của Đồng Nai là 2,1 triệu con, đạt hơn 81% so với trước dịch.
Chia sẻ giải pháp thúc đẩy phát triển đàn lợn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, Hà Nội vừa có quyết định hỗ trợ các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó ưu tiên 150 tỷ đồng hỗ trợ riêng cho lĩnh vực chăn nuôi và chủ yếu là chăn nuôi lợn. Cụ thể, sẽ hỗ trợ 100% chi phí tinh lợn ngoại, 5 triệu đồng trên một lợn nái và 3 triệu đồng một lợn đực bố để đẩy nhanh tăng đàn, tái đàn với mục tiêu khôi phục 1,8 triệu đầu lợn như thời điểm trước dịch vào cuối năm 2020.
Để việc tái đàn đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tiến độ, TP Hà Nội đề xuất Bộ NN&PTNT cần có chính sách đối với doanh nghiệp hiện đang giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà quy mô lớn bởi đây là thành tố, nguyên liệu quan trọng hàng đầu cho việc tăng đàn nái và tăng đàn lợn thịt trong tương lai. Bên cạnh đó, thức ăn chăn nuôi cũng là cấu thành đầu vào quan trọng của chăn nuôi lợn nên cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi về lãi vay, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Về giải pháp được “hiến kế” nhằm giảm chênh lệch cung - cầu thịt lợn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các địa phương cần tiếp tục khuyến khích tăng đàn, tái đàn. Tuy nhiên, quan điểm là phải chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Thực tế, mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn rất nhiều ngoài môi trường nhưng nếu làm tốt công tác an toàn sinh học dịch bệnh rất khó để xâm nhập vào chuồng trại hoặc nếu có xâm nhập vẫn đủ thời gian và biện pháp để xử lý giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường còn cho biết thêm, chưa bao giờ ngành gia cầm phát triển mạnh như thời điểm này với tổng đàn gần 500 triệu con, trong đó chủ yếu là gà ta, gà lông màu bản địa chất lượng cao, thịt thơm ngon. Vì vậy, cần tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân thay đổi dần thói quen theo hướng giảm cơ cấu thịt lợn, tăng thịt gia cầm và thủy sản.