Kể chuyện VNEN, con đòi đi học!

GD&TĐ - “Mẹ ơi, mẹ cho con đi học VNEN cùng các bạn nhé”.

Kể chuyện VNEN, con đòi đi học!
Cô bé Phan Thanh Bảo Hân tâm sự với mẹ đang là Chuyên viên phụ trách Tiểu học (Phòng GD&ĐT thành phố Đông Hà, Quảng Trị) - chị Trần Thị Hoài Nam. Những tình cảm yêu mến của con gái khi được nghe kể về Mô hình Trường học mới làm chị không khỏi xúc động.

Lớp học sôi động, học sinh hứng khởi thảo luận

Áp dụng Mô hình Trường học mới (VNEN) đến nay là năm thứ 5, Phòng GD&ĐT thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã thêm nhiều niềm vui, phấn khởi và cả những sẻ chia khi nói về những gì đạt được cũng như những khó khăn chung.

Cảm nhận về những bước đi mà Mô hình VNEN ngành Giáo dục Quảng Trị đang hướng tới và thực hiện, cô Hoài Nam cho biết: Đây là mô hình hướng tới học sinh và đặt chất lượng giáo dục học sinh lên hàng đầu, các con được thỏa sức sáng tạo và học tập. 

Không những thế, mô hình này còn phát triển toàn diện cho học sinh cả những kỹ năng mềm cần thiết để các con không chỉ được học văn hóa mà còn được phát triển toàn diện.

Nếu chỉ nói suông thôi thì có lẽ là không đủ, mà chỉ khi tận mắt thấy các con thay đổi từng ngày thì chính bản thân những người quản lý, người gắn bó với mô hình thấy như “thay da đổi thịt” bởi nó làm thay đổi căn bản phương pháp giáo dục theo hướng mới tích cực và dần hoàn thiện hơn.

Khi được hỏi về kỉ niệm vui trong quá trình tham gia mô hình này, cô Hoài Nam vui vẻ nói: Kỉ niệm thì nhiều lắm, vui buồn đều có cả, nhưng có lẽ điều mình xúc động nhất là kỉ niệm về Trường Tiểu học Hòa Bình.

Bước đầu tham gia mô hình còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn tưởng chừng như nản chí nhưng sau thời gian quay lại, các con đã thay đổi rất nhiều: Bạo dạn, gần gũi và trưởng thành hơn. 

Từ đó, mỗi khi được đi khảo sát, kiểm tra hay dự giờ về mô hình này, cô Nam lại kể chuyện cho con gái nghe về hoạt động của các bạn. Con gái mới chỉ 6 tuổi nhưng luôn lắng nghe một cách thích thú và bản thân con cũng chờ đợi để được làm tổ trưởng tổ tự quản trong mỗi giờ học khi con chuẩn bị vào lớp 1.

Thấu hiểu để vượt khó

Khi chia sẻ về những khó khăn mà mô hình gặp phải, cô Nam đăm chiêu: Khó khăn thì chắc chắn là có rồi, thực tế thì chương trình là áp dụng cho những vùng khó nên thiếu thốn về cơ sở vật chất là khó khăn chung, bàn học chưa đạt chuẩn.. 

Nhưng khó khăn lớn nhất là về con người bởi nhận thức là quan trọng và khó thay đổi khi đã quen với những cái truyền thống. Không những thế, còn phải hiểu được VNEN thì mới có thể thuyết phục được phụ huynh bởi không phải ai cũng muốn thay đổi.

Qua 5 năm thực hiện và áp dụng Mô hình VNEN, các trường ở Đông Hà đều đem lại những thành công nhất định với các giải thưởng về Cuộc thi tiếng hát học đường, Hội thi giải Toán lớp 5 trên mạng Internet, Tiếng Anh trên mạng. Phong trào “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp” được giáo viên quan tâm, tận tình hướng dẫn cho học sinh, học sinh có ý thức giữ gìn vở sạch, thi đua nhau rèn luyện viết chữ đẹp và cũng mang về nhiều giải cao… 

Và điều nhìn thấy rõ nhất là sự đổi thay tích cực của các con, không còn là những cô bé cậu bé thụ động ngày nào, giờ các con thay đổi nhiều. Chính điều đó là động lực lớn nhất để các trường, các thầy cô thêm tự tin vào hướng phấn đấu.

VNEN đã trở thành cái tên quen thuộc của cha mẹ, học sinh và cả những giáo viên, những người làm công tác quản lý với niềm tin sắt son vào hướng đi này.

Là mô hình áp dụng cho những địa phương vùng khó khăn, VNEN tạo dựng sự hứng khởi cho giáo viên, học sinh cũng như phụ huynh. Lớp học giờ ồn ào hơn khi các con được quyền sáng tạo, phát biểu, được làm tổ trưởng và quan trọng là tất cả cùng nhau học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ