Huy động hàng trăm tỷ đồng từ khách hàng với lãi suất cao "ngất ngưởng"
Dự án KCN Phú Tân được liệt vào dạng dự án “chết” khi hơn chục năm mà cả dự án có tổng diện tích hơn 133 ha đất, nhưng chỉ có 2 nhà đầu tư vào thuê đất, làm nhà xưởng và còn lại khoảng hơn 116,5 ha để hoang hóa.
Hiệu quả đầu tư sản xuất không có, nhưng Công ty Nam Kim đã dùng nhiều hình thức khác nhau như ký hợp đồng vay vốn, góp vốn… mà thực chất đây là những dấu hiệu của việc huy động vốn trái luật. Thậm chí Công ty Nam Kim còn lấy toàn bộ diện tích đất còn lại của dự án đem thế chấp ngân hàng.
Cụ thể, bằng hình thức khác nhau Công ty Nam Kim đã ký hợp đồng vay tiền của hàng trăm người, nhưng có dấu hiệu huy động vốn của khách hàng để đầu tư kinh doanh. Thực tế, Công ty Nam Kim chỉ có một dự án là KCN Phú Tân.
Theo tài liệu chúng tôi có được, từ tháng 5/2019 đến hết tháng 9/2019, Công ty Nam Kim đã có 651 giao dịch với khách hàng qua ngân hàng, với tổng số tiền khoảng hơn 405 tỷ đồng (chưa kể giao dịch tiền mặt). Nhiều giao dịch được ghi rất rõ là góp vốn đầu tư, đặt cọc theo hợp đồng vay vốn, tiền góp vốn theo hợp đồng…
Tuy nhiên, “hợp đồng vay tiền” nói trên không hề có tài sản đảm bảo, mà mục đích chính là thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án.
Hợp đồng vay tiền của Công ty Nam Kim |
Ngoài ra, thời gian ký nhiều “hợp đồng vay tiền” còn được thực hiện sau khi vụ việc này đã được chuyển cơ quan điều tra, đã cho thấy sự thiếu trách nhiệm của Công ty “mẹ” là Kim Oanh Group, khi Công ty này đã để cho Công ty Nam Kim cố tình huy động vốn, trong khi về mặt pháp lý của dự án đang gặp rất nhiều vấn đề.
Dấu hiệu lừa đảo?
Về vấn đề huy động vốn, mua bán tài sản khi chưa đủ điều kiện pháp lý tại nhiều dự án BĐS, Luật sư Vũ Văn Biên – Trưởng chi nhánh văn phòng Luật An Phước cho rằng, theo quy định của pháp Luật, hiện nay chỉ có 2 trường hợp được huy động vốn là: Huy động vốn theo luật các tổ chức tín dụng và luật doanh nghiệp, và huy động vốn theo luật kinh doanh bất động sản.
Rõ ràng việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, cũng là một hoạt động kinh doanh bất động sản, chứ không phải kinh doanh bất động sản chỉ có hình thức “mua” và “bán”. Do đó, ngay cả khi nhà đầu tư huy động vốn bằng hình thức ký kết hợp đồng góp vốn thì cũng phải đáp ứng các điều kiện để bất động sản hình thành trong tương lai, được đưa vào kinh doanh như đã nêu ở trên - Luật sư Vũ Văn Biên phân tích.
Theo quy định của Bộ luật dân sự, giao dịch dân sự vô hiệu khi vi phạm các điều cấm của luật, mà việc đưa bất động sản vào kinh doanh khi chưa đủ điều kiện là vi phạm điều cấm của luật.
Cũng theo quy định của Bộ luật dân sự, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Khi đó, chủ đầu tư nhận lại đất thì là điều vô cùng dễ dàng, còn người dân đến khi nào mới nhận lại được tiền khi mà số tiền đó chủ đầu tư đã sử dụng hết?
Riêng đối với các cá nhân sử dụng doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh bất động sản (nhưng thực chất không kinh doanh, không có dự án) kêu gọi huy động vốn vào các dự án ma, dự án không có thật, với những thủ đoạn tinh vi, những lời mời chào ngon ngọt, hấp dẫn nhằm lấy lòng tin của người khác để chiếm đoạt tài sản thì có thể bị khởi tố theo tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Luật sư Vũ Văn Biên phân tích.
Với những phân tích nêu trên, rõ ràng Công ty Kim Oanh đã để cho công ty “con” là Công ty Nam Kim vi phạm pháp luật trong việc huy động, vay vốn khi dự án chưa đủ điều kiện pháp lý. Việc làm này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng của Công ty.
Một dẫn chứng điển hình là vào tháng 9/2019, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Tập đoàn Địa ốc Alibaba và nhiều bị can khác với hành vi “tự vẽ” ra dự án không có thật để huy động vốn từ 6.700 khách hàng, qua đó chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng.