Giờ đây, cũng là những bản mashup gây nghiện nhưng người tạo ra chúng không còn là hiện tượng mạng, mà đã là một nhà sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp, “chủ xị” của một show âm nhạc lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Format thú vị của Mix- in show tạo cơ hội để K-ICM có dịp cộng tác với dàn nghệ sĩ nổi tiếng V-pop.
Đâu là giới hạn?
Thời còn hoạt động chung, K-ICM và Jack được mệnh danh là cặp đôi "sóng gió" của V-pop, K-ICM cho khán giả thấy thế mạnh của anh chính là đưa nhạc cụ dân tộc vào những sản phẩm âm nhạc hiện đại một cách khéo léo, tinh tế.
Đây cũng là chất xúc tác đắt giá khiến sản phẩm chung của cặp đôi này tạo được cơn sốt chưa từng có trong lịch sử nhạc Việt. Tuy nhiên, chỉ sau vài sản phẩm hợp tác, cả 2 đều bị cho là "một màu", khó tạo được sự đột phá. Và cũng là thời điểm "sóng gió" thực sự xảy ra, cặp đôi vướng phải mâu thuẫn không thể giải quyết và trở thành 2 nghệ sĩ độc lập.
Về phía K-ICM, không quá khó khăn để anh lấy lại thăng bằng sau khi tách khỏi người bạn từng làm việc rất ăn ý với mình. Chàng producer trẻ gần như ngay lập tức có được những cộng sự mới như Quang Đông, HuyR, Wren Evans.
Với những nghệ sĩ thực tài, khó khăn chính là cơ hội, K-ICM nhanh chóng biến hóa để thích ứng màu sắc âm nhạc mới. Từ chất nhạc dân tộc thời Bạc phận - Sóng gió, anh quay ngoắt sang ballad với 3 sản phẩm hợp tác cùng Quang Đông: Cần một lý do, Đừng chờ, Tình ca em đến; 1 sản phẩm cộng tác với HuyR: Sài Gòn của anh. Những bản ballad qua tay K-ICM tuy chưa tạo được hiệu ứng viral nhưng đều được đánh giá là chỉn chu, bắt tai và nâng tầm chất giọng ca sĩ.
Khi cộng tác với một hiện tượng âm nhạc mới là Wren Evans, K-ICM lại làm khán giả trầm trồ bởi anh có thể xử lý tốt phong cách đậm chất US - UK. 2 chàng trai được cho là mạo hiểm khi thử nghiệm thể loại funk & trap.
Dường như K-ICM và Wren Evans muốn chứng tỏ rằng chất liệu của những năm 1990 cổ điển nhưng không lỗi mốt. Sản phẩm hợp tác mang tên Fever của 2 tài năng trẻ khá lôi cuốn, sôi động nhưng vẫn tinh tế và có chiều sâu.
Nhìn vào những sản phẩm gần đây, có thể thấy nam producer đang tự đưa mình vào phân khúc chọn lọc, kén khán giả hơn. Tuy nhiên, K-ICM cho biết, anh muốn thăm dò thị trường, từ đó hướng đến con đường lâu dài, chính là đưa âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là nhạc cụ dân tộc ra thế giới. Đó là cũng trách nhiệm của một nhà sản xuất âm nhạc.
Bên cạnh vai trò hòa âm phối khí, K-ICM dần quay lại với công việc sáng tác từng bị gián đoạn 2 năm trước. Đây được cho là mảnh đất màu mỡ khác mà chàng trai 21 tuổi sẽ khai thác tốt trong tương lai gần.
Chưa dừng ở đó, K-ICM còn xuất sắc trong vai trò "chủ nhà" của Mix in show, một chương trình âm nhạc mà khách mời là những giọng ca nổi tiếng V-pop. Đến đây, nhiều nghệ sĩ bày tỏ, họ thích được hát với phần đệm đàn của K-ICM hơn là chơi mini game.
Tại sân chơi này, K-ICM phải tạo ra những bản mash - up mang tinh thần và năng lượng hoàn toàn mới, nhưng vẫn phải giữ được bản sắc của những bản hit gốc.
Dàn ca sĩ khách mời và khán giả đều thỏa mãn với những bản mash - up gây nghiện mang đậm cá tính K-ICM. Erik và Suni Hạ Linh có chung nhận định, tạo ra một bản mash-up từ nhiều bản hit là một thử thách khó khăn, nhưng K-ICM đã làm rất tốt. Đặc biệt, lần đầu làm việc chung với K-ICM, họ đều có cảm giác rất dễ chịu, thoải mái.
"Phù phép" mọi thể loại
K-ICM ngày càng khó đoán bởi khả năng biến hóa khôn lường. Lịch trình làm việc hiện tại của anh chàng ở mức nghẹt thở: Mỗi tháng đều đặn tung một sản phẩm chính và một sản phẩm phụ, chưa kể những sản phẩm ngẫu hứng dành tặng khán giả.
Ngay cả K-pop, thị trường nổi tiếng bởi lịch làm việc dày đặc của các nghệ sĩ, có lẽ cũng không quá tải như cách K-ICM đang làm. Không chỉ cộng tác với các giọng ca V-pop, từ rất sớm, K-ICM đã hướng bản thân vào lãnh địa EDM, một thị trường sôi động nhưng cũng đầy thử thách, bởi các nền âm nhạc lớn mạnh trên thế giới đã làm quá tốt mảng này. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ, nhạc điện tử là một xu hướng tất yếu.
Gần đây, việc K-ICM tung ra một số sản phẩm EDM thể hiện rõ mục đích thăm dò thị trường, lượng nghe quốc tế trên kênh YouTube riêng của anh cũng đang tăng lên nhờ sự thử nghiệm táo bạo này.
Đáng chú ý, K-ICM đã tạo ra một bản remix từ bản gốc là ca khúc đình đám No Regrets, khéo léo đưa chất liệu dân tộc, cụ thể là tiếng đàn tranh vào sản phẩm này, ngay lập tức, anh đã nhận được lời khen có cánh từ chính tác giả của nó, KSHMR – DJ kiêm nhà sản xuất âm nhạc người Mỹ gốc Ấn Độ: "Bản remix tuyệt lắm, K-ICM là một tài năng!".
Có thể thấy K-ICM không quá phức tạp hay phô diễn nhiều về âm thanh, nhưng đủ tinh tế và có nét riêng để thuyết phục một nghệ sĩ lớn, dày dạn kinh nghiệm như KSHMR.
Chưa thể nói trước điều gì, bởi những bước đi của K-ICM chỉ đang ở mức độ thăm dò và thử nghiệm. Để trở thành một nghệ sĩ tạo được kỳ tích cho nhạc Việt, K-ICM cần học hỏi và trau dồi rất nhiều.
Tư duy âm nhạc tốt là một lợi thế để K-ICM có thể mạo hiểm thách thức bản thân ở mảng âm nhạc điện tử, đứng trên sân khấu với tư cách một nghệ sĩ biểu diễn, làm chủ dàn âm thanh, có đám đông của riêng mình và định hướng được khán giả. Thành công là điều đang đợi anh ở thì tương lai gần.