Chúng bao gồm từ đồ gốm sứ cho đến các tạo tác nghệ thuật, sách cổ quý hiếm.
Hàng nghìn kẻ trộm mộ
Italia là đất nước châu Âu lừng danh “cái nôi của văn hóa, lịch sử La Mã”. Ở đây vẫn còn tồn tại nhiều công trình kiến trúc cổ, bao gồm cả tàn tích trước Công nguyên, thu hút người đam mê khảo cổ và du khách khắp nơi trên thế giới.
Người Italia nổi tiếng say mê nghệ thuật. Cũng từ trước Công nguyên, vùng đất này đã hình thành và phổ biến các loại hình nghệ thuật như vẽ tranh, tạo tác, điêu khắc… Như hầu hết các nền văn minh lớn trong lịch sử, văn minh La Mã cũng thịnh xây cất lăng mộ, an táng người chết cùng nhiều đồ vật giá trị. Và cũng như phần lớn các khu lăng tẩm trên thế giới, họ sớm phải đối mặt với nạn trộm mộ.
Ngôn ngữ Italia gọi những kẻ đạo mộ là “tombaroli”. Ngay từ thời Đế chế La Mã (753 TCN – 476 SCN), vùng đất này đã đầy rẫy những kẻ trộm mộ. Chúng không chỉ đào phá, trộm cắp các ngôi mộ trong nước, mà còn đột kích sang cả các quốc gia xung quanh.
Ngày nay, Italia là một trong các địa điểm khảo cổ quan trọng nhất toàn cầu. Họ có rất nhiều khu khảo cổ, bảo tàng, nhà thờ có cất giữ bảo vật… và cũng lắm tombaroli nhất Trái đất. “Tại đây có hàng trăm nghìn kẻ trộm mộ” - Arthur Brand (Hà Lan) – Sử gia kiêm thám tử nghệ thuật hàng đầu châu Âu cho biết - “Ngay cả nông dân cũng có người sắm máy dò kim loại, dấn thân làm tombaroli nghiệp dư. Trong khu vực giàu có cổ vật bậc nhất hành tinh này, đào đất kiếm vận may lại nhiều cơ hội trúng lớn hơn là đầu tư mua vé số”.
Vào năm 2020, đại dịch Covid-19 hoành hành khắp châu Âu. Italia cũng buộc phải phong tỏa, đóng cửa các địa điểm khảo cổ, nhà thờ và viện bảo tàng để hạn chế lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, họ cũng phải cắt giảm nhân viên, chi phí bảo vệ di sản. Kết quả là trộm cắp cổ vật đột ngột tăng vọt. Chỉ trong 2 tháng 4 và 5, số lượng thành viên của các nhóm buôn bán cổ vật bất hợp pháp đã gia tăng gấp đôi, lên 300.000 người.
Nghề gia truyền
Tại Italia, cơ quan thực thi pháp luật phải xây dựng một đội ngũ đặc biệt là Đội đặc nhiệm Nghệ thuật Carabinieri (The Carabinieri Art Squad - CAS). Họ bao gồm các sĩ quan, nhân viên chuyên canh gác, bảo vệ các bảo tàng, nhà thờ sau mỗi trận thảm họa thiên nhiên (ví dụ như động đất), ngăn chặn kẻ gian trục lợi.
Mặc dù mang nhiệm vụ canh gác, đa phần hoạt động của các CAS là đuổi bắt đạo mộ, thu hồi cổ vật bị đánh cắp. “Ở đây, tombaroli là nghề gia truyền” - chỉ huy CAS lên tiếng - “Chúng tôi luôn phải nhắc nhở các thành viên mới ghi nhớ điều đó. Tombaroli không phải công việc chính, nhưng luôn được truyền từ đời cha sang đời con, duy trì đường dây buôn bán. Chúng có mặt ở tất cả các nơi chứa hoặc ẩn chứa kho báu khảo cổ”.
Trong hoạt động buôn bán cổ vật bất hợp pháp, tombaroli là “cấp thấp nhất”. Họ bao gồm từ những kẻ trộm mộ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, thường đột nhập các khu khai quật, du lịch khảo cổ… trộm cắp cổ vật. Dù phải chịu rủi ro bị phát hiện, bắt giữ lớn và có trót lọt cũng chỉ bán được giá thấp, số lượng các tombaroli không hề suy giảm.
Điểm đến cuối cùng của các cổ vật bị đánh cắp là người mua giàu có. Tháng 5/2021, ngôi sao truyền hình Kim Kardashian (Mỹ) từng bị réo tên, đòi trả lại bức tượng Myron’s Samian Athena (thế kỷ I - II).
Ước tính, tổng giao dịch buôn bán cổ vật trái phép toàn cầu lên tới 2 tỷ USD/năm (tương đương 46.000 tỷ đồng). Tháng 6/2020, Interpol báo cáo thu hồi được 56.400 cổ vật và bắt giữ 67 tombaroli. Theo Brand, ít nhất 50% các hiện vật La Mã cổ đại đang được buôn bán trên thị trường toàn cầu là đồ trộm cắp.
Bất lực ngăn chặn
Tại các khu di tích của Italia, tombaroli thường giả dạng người tham quan, lén lút trộm cổ vật đem ra ngoài. Italia dồn an ninh cho các bảo tàng và khu khai quật, hơi bỏ bê các khu di tích nên chúng trở thành “thánh địa” cho bè lũ đạo mộ thi nhau trộm phá.
Trên mặt pháp lý thì khi phát hiện đồ vật có khả năng là cổ vật, người thấy phải thông báo cho cơ quan chức năng để họ tiến hành kiểm tra, xác nhận. Tuy nhiên ở đất nước có “truyền thống tombaroli” mấy nghìn năm Italia, hình như đa số mọi người đều “cố ý không hiểu rõ” quy định này, bao gồm cả các viện bảo tàng.
Chỉ trong năm 2020, hơn 500.000 cổ vật Italia bị đánh cắp, bán ra nước ngoài đã quay về cố quốc. Chúng “hồi hương” từ nhiều bảo tàng và bộ sưu tập tư nhân khắp thế giới. Có người trong số họ mua cổ vật Italia từ trung gian buôn bán nghệ thuật, cũng có người “tậu” từ chính viện bảo tàng.
“Nếu truy cứu thì có quá nhiều thủ phạm” - nhà khảo cổ Darius Arya (Mỹ) nói - “Đầu tiên là kẻ đạo mộ, sau đó là người mua, trung gian bán, nhà đấu giá…”.
Thường thì, các cổ vật bị kẻ thu mua trực tiếp với giá rẻ từ tombaroli giấu giữ cả thập kỷ mới đem ra chợ đen bán. Tuy cả UNESCO và Italia đều có luật cấm buôn bán, xuất – nhập khẩu, chuyển giao quyền sở hữu đối với các cổ vật được khai quật bất hợp pháp, nhưng những kẻ trung gian chỉ cần giả giấy tờ.
Không khó để giả giấy tờ giao dịch cổ vật, vì chỉ cần lấy một người đã chết ra làm chủ sở hữu trước của nó là vô phương xác thực. Ngược lại, việc xác định thủ phạm và hình thức trừng phạt lại vô cùng rắc rối, khó khăn.
So với bắt giữ tombaroli, CAS quan tâm đuổi và thu hồi cổ vật hơn. Họ trang bị cả máy bay không người lái, sử dụng công nghệ kỹ thuật số, theo dõi hình ảnh qua vệ tinh để sớm phát hiện có trộm mộ, nhanh chóng báo động.
Dù nỗ lực, CAS vẫn tuần tra không xuể, nhất là trong bối cảnh bị hạn chế vì Covid-19. Tại Anzio, Nam Rome, tàn tích cung điện hoàng gia Nero chỉ được bảo vệ bởi một hàng rào sắt đã rỉ sét. Vào một ngày tháng 5/2021 nắng đẹp, phóng viên của trang CNN thậm chí tận mắt thấy một người đàn ông dùng xẻng đè mớ dây thép xuống, bước qua và thản nhiên đào bới bên trong.
Trong khi đó thì kể từ năm 2011, chính phủ Italia đã cắt giảm ngân sách cho lĩnh vực văn hóa. Trong năm nay, quốc gia này chỉ còn phân bổ cho di sản văn hóa có 1% tổng ngân sách. Các khu di tích, viện bảo tàng… phải phụ thuộc vào tài trợ và quyên góp để bảo vệ và duy trì.
“Nước Italia rất giàu các di sản văn hóa” - chỉ huy CAS buồn rầu - “Tệ nạn trộm mộ gây thiệt hại từ kinh tế cho đến lịch sử, cướp luôn cơ hội khám phá sự thật quá khứ”.
Hiện tại, đạo mộ và buôn bán cổ vật trái phép vẫn tiếp diễn khắp Italia. CAS cố gắng truy quét cả trên mạng Internet, lùng sục các trang web đen và nhóm mạng xã hội tổ chức giao dịch bất hợp pháp trực tuyến. Tuy nhiên thay vì dọn sạch tệ nạn này, họ có vẻ ngày càng bất lực trước con số kẻ phạm pháp gia tăng không ngừng.