"Tổ sư" đạo mộ và vụ trộm mộ lớn nhất Trung Quốc

Hôm 14/4, Tòa án thành phố Triều Dương (tỉnh Liêu Ninh) đã kết thúc việc xét xử vụ án trộm mộ phá hoại di chỉ văn hóa lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc kể từ 1949 đến nay, 51 bị cáo đã phải nhận các mức án, trong đó ông trùm Diêu Ngọc Trung bị tử hình hoãn thi hành 2 năm; 3 người khác bị án chung thân, những kẻ còn lại nhận án từ 3 đến 15 năm tù giam.

Một số cổ vật là tang vật vụ án được thu hồi.
Một số cổ vật là tang vật vụ án được thu hồi.
Bản kết tội của tòa án cho rằng, trong quá trình phạm tội, tập đoàn trộm mộ này đã tác nghiệp kiểu trọn gói từ huy động tiền vốn, mua sắm thiết bị, thăm dò tìm kiếm mộ cổ, đào trộm đến tiêu thụ tẩu tán cổ vật; bị cáo Diêu Ngọc Trung, kẻ cầm đầu đã nhiều lần phạm tội, là kẻ lão luyện trong nghề, được giới đạo mộ Trung Quốc tôn xưng là “Tổ sư”, vì mục đích chiếm hữu phi pháp, tổ chức đồng bọn dùng thủ đoạn bạo lực cướp đoạt tài sản người khác và cổ vật quốc gia, cấu thành tội cướp đoạt, buôn bán cổ vật, tình tiết rất nghiêm trọng.

Tàn phá di chỉ văn hóa cổ đại 5.500 năm tuổi

Di chỉ văn hóa Lương Hồng Sơn Ngưu Hà, Liêu Ninh là nơi phát hiện có đàn tế lớn cách đây 5.500 năm với Miếu Nữ thần, Mộ đá và quần thể kiến trúc kiểu Kim tự tháp, được coi là “phát hiện mới về văn minh phương Đông”, đẩy văn minh Trung Hoa lui về trước tới 1.000 năm. Di chỉ Lương Hồng Sơn Ngưu Hà được coi là phát hiện tầm cỡ thế giới sánh ngang với Kim Tự tháp Ai Cập và văn minh cổ Harappa Ấn Độ.

Cuối năm 2014, người ta phát hiện nhiều khu vực trong Khu bảo hộ di chỉ văn hóa Lương Hồng Sơn bị đào trộm với quy mô lớn, nhiều mộ cổ, di tích văn hóa bị phá hoại nghiêm trọng, rất nhiều cổ vật bị lấy mất.

Bộ Công an Trung Quốc cùng công an tỉnh Liêu Ninh, thành phố Triều Dương thành lập “Ban chuyên án 11.26” tiến hành điều tra. Kết quả đã bắt được 225 kẻ tình nghi, phá vỡ 12 băng trộm mộ, thu hồi 2.063 cổ vật, trong đó có 248 cổ vật cấp 1 quốc gia, 142 cổ vật cấp 2 quốc gia, 262 cổ vật cấp 3 cùng 1.142 cổ vật khác. Đây là vụ án đạo mộ lớn nhất, có số tội phạm tham gia nhiều nhất, cổ vật được thu hồi nhiều nhất kể từ sau 1949.

Trùm trộm mộ Diêu Ngọc Trung.

Chân dung trùm đạo mộ

Diêu Ngọc Trung năm nay 54 tuổi, là người quê Xích Phong, Nội Mông, là con thứ ba trong một gia đình làm nghề đạo mộ. Hắn ít nói, nhưng nổi tiếng trong giới trộm mộ với các biệt danh “Tổ sư gia”, “Lão đồ cổ”, “Đệ nhất cao thủ quan ngoại”.

Từ nhỏ Trung đã tỏ ra rất thông minh, ông bố truyền các kỹ xảo đạo mộ cho người con trai thứ 2 và Trung, nhưng người anh không học được, chỉ mình Trung nắm được các bí quyết gia truyền.

Sau đó, Trung đã hành nghề liên tục 30 năm nay, cũng đã có lần bị tóm nhưng lại được thả.

Băng đạo mộ của Trung có 28 người, được trang bị các phương tiện mà các nhà khảo cổ thứ thiệt phải mơ ước: xẻng chuyên dụng Lạc Dương, la bàn, bộ đàm cao tần, đèn pin cực mạnh, ống nhòm bội số cao...

Trung có biệt tài quan sát địa hình và xem phong thủy, thiên văn là có thể “khóa” địa điểm có mộ cổ, khoanh vùng trong phạm vi khoảng 10m, tự tay bổ nhát cuốc đầu tiên rồi chỉ dẫn cho đàn em đào bới, “trăm phát trăm trúng”.

Tuy nhiên, điểm yếu chết người của hắn là tính tham lam, không nghĩa khí. Khi chia cổ vật trộm được, hắn thường lấy phần nhiều và những thứ quý nhất nên nhiều đàn em dần dần bỏ đi làm riêng.

Một đệ tử của Trung khai: “Mọi người ra sức đào, nhưng đến lúc lấy được đồ thì ông ta bắt mọi người lên hết một mình ra tay, cho nên đào được thứ gì chúng tôi không biết, bán được bao nhiêu tiền cũng chẳng hay”. Chính vì vậy, ngay em trai Trung cũng bỏ anh đi làm ăn riêng.

Diêu Ngọc Trung còn có biệt hiệu “Lão bại gia” bởi thói mê cờ bạc, thua tới hàng trăm triệu tệ. Đã ngồi vào chiếu bạc là thua đến đồng cuối, gán cả cổ vật mang theo người, thua hết mới thôi. “Một tay đạo mộ kiếm bộn tiền, tay kia nướng sạch vào cờ bạc” – Đó là nhận xét của cảnh sát điều tra về Diêu Ngọc Trung.

Sau khi Trung bị bắt, cơ quan điều tra phát hiện thấy trong tài khoản của hắn đã trống rỗng. Có nhà, vợ con ở Xích Phong nhưng Trung quanh năm không ở nhà, đứa con trai lớn cũng bị hắn đưa vào nghề trộm mộ.

Trong vụ án đào mộ cổ và phá hoại di chỉ văn hóa Lương Hồng Sơn lần này, băng nhóm của Trung đã đào trộm 22 mộ táng, xâm hại 1 di chỉ văn hóa cổ. Cảnh sát thu hồi được 263 cổ vật các loại, trong đó có 64 cổ vật cấp 1 quốc gia, 33 cấp 2, 78 cấp 3.

Trong số 11 băng nhóm còn lại, băng của Phùng X mạnh hơn cả. Sau khi được anh trai của Trung bỏ sang gia nhập, băng này càng như hổ thêm cánh.

Băng này có số thành viên cố định, thực hiện chia đều tang vật, tổ chức chặt chẽ, được trang bị máy móc thăm dò tìm kiếm mộ cổ và các thiết bị đào khá hiện đại; lại có biện pháp chống trinh sát, có chuyên gia giám định và định giá cổ vật, có cả trang web bán cổ vật.

Cán bộ khảo cổ trở thành đạo chích trộm mộ

Đáng chú ý, trong số các tội phạm trộm phá mộ cổ và di chỉ văn hóa bị đưa ra xử, có 4 người là cán bộ ngành khảo cổ.

Trong đó Đặng X là cán bộ Viện khảo cổ Liêu Ninh, Lưu X - Nhân viên cốt cán, cán bộ khảo cổ có chuyên môn cao thuộc Viện bảo tàng Ngạo Hán ở Xích Phong.

Đặng X thú nhận với phóng viên Kinh Hoa Thời báo, y tham gia trộm mộ với vai trò định giá và tìm nơi tiêu thụ cổ vật trộm được. Có lần y giấu đi một cổ vật gọi là “Ngọc Chư Long”, đem bán hưởng riêng 3,2 triệu tệ.

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô, trò Trường Tiểu học Bình Thủy (Bình Thủy, Cần Thơ) trong giờ thực hành lập trình, điều khiển Robot. Ảnh: Q. Ngữ

Giáo dục STEM vươn tầm

GD&TĐ - Trong những năm qua, giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) tại TP Cần Thơ đạt những kết quả đáng khích lệ.