Israel có thể bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh

GD&TĐ - Ủy ban độc lập được Liên Hợp Quốc (LHQ) hậu thuẫn cho biết có “cơ sở hợp lý” để tin rằng binh sĩ Israel đã phạm tội ác chiến tranh và bắn vào các nhà báo, nhân viên y tế và trẻ em trong các cuộc biểu tình ở Gaza năm 2018.

Người Palestine đụng độ với các lực lượng quân sự Israel ở biên giới giữa dải Gaza và Israel ngày 14/5/2018
Người Palestine đụng độ với các lực lượng quân sự Israel ở biên giới giữa dải Gaza và Israel ngày 14/5/2018

Vi phạm nhân quyền?

Israel “hoàn toàn phủ nhận” bản báo cáo, nói rằng kết quả của báo cáo này đã được xác định trước khi cuộc điều tra bắt đầu.

Trong báo cáo vừa được công bố, Ủy ban Điều tra Độc lập của LHQ về các cuộc biểu tình - được người Palestine gọi là “Sự trở lại của tháng Ba vĩ đại” - cho biết họ đã thực hiện 325 cuộc phỏng vấn với các nạn nhân, nhân chứng và nguồn tin, thu thập được hơn 8.000 tài liệu, và phân tích phương tiện truyền thông xã hội và cảnh quay từ máy bay không người lái.

“Ủy ban có cơ sở hợp lý để tin rằng trong cuộc biểu tình Sự trở lại của tháng Ba vĩ đại, binh lính Israel đã vi phạm luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế. Một số trong những vi phạm đó có thể cấu thành tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại loài người, và phải được Israel điều tra ngay lập tức”, Santiago Canton, Chủ tịch của Ủy ban, cho biết.

Ủy ban Điều tra Độc lập cho biết họ “tìm thấy cơ sở hợp lý để tin rằng các tay súng bắn tỉa của Israel đã nổ súng vào các nhà báo, nhân viên y tế, trẻ em và người khuyết tật, mặc dù họ có thể nhận ra các đối tượng này một cách dễ dàng”.

Israel từ chối tham gia vào cuộc điều tra và Bộ trưởng Ngoại giao nước này Yisrael Katz đã bác bỏ báo cáo của LHQ và gọi đó là “nhà hát của những điều phi lý”; đồng thời gọi báo cáo đó là “thù địch, sai trái và không chính xác”.

“Israel hoàn toàn bác bỏ báo cáo. Không có yếu tố nào có thể phủ nhận quyền tự vệ của Israel và nghĩa vụ bảo vệ công dân và biên giới khỏi các cuộc tấn công bạo lực. Bất cứ ai đẩy cư dân Gaza vào hàng rào, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đều là Tổ chức Hamas, với mục tiêu là tiêu diệt Nhà nước Israel và đó chính là những người phải nhận lấy trách nhiệm này”, Ngoại trưởng Katz tuyên bố.

Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ Palestine Ahmad al-Shami cho rằng: “Những phát hiện và yêu cầu mở một cuộc điều tra ngay lập tức là một bước đi đúng hướng, nhưng vẫn chưa đủ để thiết lập trách nhiệm toàn diện”. “Cộng đồng quốc tế phải chịu trách nhiệm và cung cấp sự bảo vệ quốc tế cho các công dân Palestine ở mỗi inch của Palestine bị chiếm đóng”, ông Shami nói.

Trong một tuyên bố, Basem Naim, quan chức cấp cao của Hamas đã lặp lại lời kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc Israel phải chịu trách nhiệm.

Thương vong có thể tránh được

Ủy ban được thành lập theo một nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền LHQ vào tháng 5/2018 để điều tra tất cả các hành vi vi phạm và lạm dụng luật pháp quốc tế trong các cuộc biểu tình năm ngoái tại Gaza. Ủy ban này cho biết đã điều tra “mọi vụ giết người” tại các địa điểm biểu tình quanh hàng rào ngăn cách Gaza vào những ngày biểu tình chính thức, bao gồm khoảng thời gian từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình vào tháng 3 cho đến ngày 31/12.

Báo cáo tiếp tục nói rằng “189 người Palestine đã bị giết trong các cuộc biểu tình trong thời kỳ này. Ủy ban đã phát hiện ra rằng Lực lượng An ninh Israel đã giết chết 183 người biểu tình bằng súng đạn. Ba mươi lăm trong số những người thiệt mạng này là trẻ em, ba nhân viên y tế và hai nhà báo với những dấu hiệu rõ ràng là bị bắn chết”.

Hội đồng Nhân quyền của LHQ cũng phát hiện ra rằng các cuộc biểu tình của người Palestine có bản chất dân sự mặc dù “một số hành động bạo lực đáng kể” và không cấu thành các chiến dịch chiến đấu hoặc quân sự. Họ đổ lỗi cho Hamas đã “khuyến khích” và “bảo vệ người biểu tình sử dụng diều và bóng bay bừa bãi”, mà theo Ủy ban này, đã gây ra sự sợ hãi trong dân thường và “gây thiệt hại đáng kể đối với tài sản ở miền nam Israel”.

“Ủy ban kết luận rằng Hamas, với tư cách là cơ quan có thẩm quyền trên thực tế tại Gaza, đã không thể ngăn chặn các hành vi này”, báo cáo viết.

Trong một tuyên bố, nhóm nhân quyền Yesh Din của Israel cho biết báo cáo cho thấy quân đội Israel phải “thay đổi các quy định nổ súng và cấm sử dụng vũ lực gây chết người trong những tình huống không nguy hiểm đến tính mạng”. Nhóm này nói thêm: “Kết quả nghiêm trọng với con số hàng trăm người chết và hàng ngàn người bị thương trong các cuộc biểu tình có thể tránh được, nếu Israel hành động theo luật pháp quốc tế hơn là chống lại nó”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ