Iraq: Loạn trường đại học tư

GD&TĐ - Trường đại học tư nở rộ đáp ứng nhu cầu học tập những ngành nghề “cao cấp” của nhiều sinh viên Iraq thi trượt trường công. Tuy nhiên, việc thiếu cơ chế kiểm soát khiến trường tư phát triển tự phát ngoài tầm kiểm soát và kéo chìm theo cả hệ thống đào tạo đại học công lập Iraq…

Iraq: Loạn trường đại học tư

Trường tư mở ra nhiều cơ hội

“Điểm thi tốt nghiệp THPT của tôi thấp không đủ vào trường đại học công lập, vì vậy tôi phải vào học một trường tư” - Ahmad Aziz, sinh viên 22 tuổi ngành truyền thông tại ĐH tư Al-Farahidi, Baghdad, cho biết - “Với số điểm đạt 56%, tôi rất mừng được vào học Khoa Thông tin. Học phí ở các trường tư đắt vô cùng. Ở một số khoa như khoa học nhân văn, học phí có thể lên tới 3.000 USD/năm”.

Lựa chọn vào học trường tư của Aziz tương tự như hàng chục nghìn sinh viên Iraq, những người thi trượt vào các trường công lập.

Không may mắn như Aziz, Asma - đang theo học chuyên ngành tin học, đã “mất oan” một năm học tại một trường tư không được cấp phép bởi Bộ Đại học và Nghiên cứu Khoa học. “Đó là một cú sốc với tôi. Sau khi hoàn tất năm thứ nhất và đóng hàng triệu dinar (1 triệu dinar Iraq bằng khoảng 840 USD) vào trường al Nousour College, tôi phát hiện ra trường này không được cấp phép và bằng cấp vô giá trị” - Asma kể. Sau đó Asma phải chuyển sang một trường tư khác.

Bất chấp xung đột và bất ổn chính trị, số cơ sở đào tạo đại học tư nhân tại Iraq đã tăng vọt từ năm 2003. Các trường tư mang tới cho những sinh viên hỏng thi trường công cơ hội vào học những lĩnh vực “cao cấp” như Y và Điện tử. Bên cạnh đó nhiều trường ra đời rút ngắn khoảng cách địa lí giúp sinh viên thuận tiện đi học trong bối cảnh xung đột và bất an còn tồn tại ở nhiều địa phương.

“Loạn tăng” trường tư

Ủy ban Giáo dục của Quốc hội đã bày tỏ lo ngại về việc “loạn tăng” trường đại học tư và coi đó là nguyên nhân giảm chuẩn chất lượng cử nhân đại học.

“Chất lượng đào tạo ở các trường tư rất yếu. Một số trường không đáp ứng tiêu chuẩn giáo dục cơ bản được công nhận ở khu vực và quốc tế. Mục đích của họ là kiếm tiền mà không đếm xỉa gì tới chất lượng” - Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Abeer Husseini nhận xét - “Một số trường tư tuyển sinh viên học Y và Dược chỉ với điểm số đạt 60%, trong khi các trường công tuyển những ngành này với điểm số từ 95% trở lên”.

Năm 2016, Iraq, Syria, Yemen, Libya, Sudan và Somalia bị đưa ra khỏi nghiên cứu chỉ số chất lượng GD toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thực hiện - bởi trường học các nước này không đáp ứng tiêu chuẩn giáo dục cơ bản. Sau năm 2003, nhiều trường đại học quốc tế đã ngừng công nhận bằng cấp đại học Iraq bởi không thể kiểm chứng chất lượng đào tạo.

Iraq có 52 trường đại học tư và 35 trường đại học công, trong đó có 15 trường tư không được công nhận - theo Bộ Giáo dục Iraq.

Jassim al-Fares, giảng viên Kinh tế tại ĐH Mosul cho rằng, sự hỗn loạn của khu vực trường tư là bởi các đảng phái chính trị và lãnh đạo tôn giáo quyền lực - muốn hậu thuẫn mở trường tư để tăng ảnh hưởng và hình ảnh.

Trường tư hầu như không có hạ tầng đào tạo như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất… Các trường tư thường thuê giảng viên công lập đã nghỉ hưu - những người không có hưu trí từ chính phủ - Fares chỉ rõ.

Sự suy giảm chất lượng giáo dục tại Iraq bắt đầu từ những năm 1990 bởi chiến tranh và cấm vận. Trước đó, hệ thống giáo dục Iraq được UNESCO công nhận là một trong những hệ thống phát triển nhất trong thế giới Ả-rập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...