Iraq: Ánh sáng tri thức đẩy lui bóng ma IS

GD&TĐ - Giữa những tòa nhà bị phá hủy bởi giao tranh ác liệt, sinh viên Đại học Mosul trở lại tham dự kì thi bị gián đoạn 3 năm trước khi những phần tử cực đoan chiếm quyền kiểm soát thành phố Mosul.

Một binh sĩ Iraq đứng gác ngoài cổng ĐH Mosul
Một binh sĩ Iraq đứng gác ngoài cổng ĐH Mosul

Mở cửa trong an ninh thắt chặt

Trường đại học cùng một lực lượng tình nguyện viên đông đảo đang cùng nhau dọn dẹp gạch rác ngổn ngang và sửa chữa những thiệt hại do chiến sự ác liệt giữa quân đội Iraq và phiến quân IS.

“Sự có mặt của tôi ở đây cùng với bạn bè tôi ngày hôm nay thể hiện quyết tâm và ý chí học tập của chúng tôi” – Chehab Ahmab, 23 tuổi, nói.

Khoảng 40.000 sinh viên theo học ở trường đại học này, một trong những trường lớn nhất tại Iraq, vào thời điểm IS chiếm thành phố trong một chiến dịch tấn công quân sự lớn mùa hè năm 2014 tại cả Iraq và Syria.

Lực lượng chống khủng bố Iraq đã giành lại quyền kiểm soát ngôi trường này hồi tháng 1 sau chiến dịch quân sự kéo dài nhiều tháng đánh bật phiến quân khỏi thủ phủ “nhà nước tự phong” của chúng.

“Chưa đầy một tháng sau khi trường được giải phóng, tôi đã quay trở lại lớp” – Sanaa Nafih trò chuyện ngay trước khi bước vào kì thi tiếng Anh. “Tôi cảm thấy thấy mọi chuyện đang tốt đẹp trở lại mặc dù vẫn còn nguyên đó sự hủy diệt” – nữ sinh viên 21 tuổi cũng hy vọng hoàn thành chương trình học để trở thành giáo viên.

Hiện tại vẫn diễn ra giao tranh lẻ tẻ giữa quân chính phủ và phiến quân tại nhiều nơi ở thành phố cổ Mosul, vì vậy mà an ninh tại Trường Đại học Mosul vẫn được thắt chặt.

“Thông điệp với thế giới”

Trong khi khóa Khoa học vẫn đóng cửa thì sinh viên ngành Nhân văn đã trở lại học tập sau nhiều năm không đặt chân tới giảng đường.

“Phái nữ chúng tôi phải ở nhà theo luật lệ của IS”, Nafih nói. “Hồi đầu còn có điện và chúng tôi có thể sử dụng Internet để đọc tin tức, tải sách vở. Nhưng sau vài tháng, Internet bị cắt và giai đoạn đen tối bắt đầu” – Nafih kể - “Mọi người chỉ có thể tưởng tượng xem điều gì đang xảy ra trên thế giới”.

Một phần của Đại học Mosul tiếp tục hoạt động dưới sự kiểm soát của IS, hầu hết phục vụ cho người thân của các tay súng IS, theo lời kể một nhân viên giấu danh tính làm việc ở trường vào thời gian đó.

Trước khi tháo chạy khỏi Đại học Mosul, phiến quân đã phóng hỏa thư viện trường, biến cả tòa nhà thành một khối đen xì vì khói muội.

“Phiến quân IS đã phá hủy hàng trăm ngàn cuốn sách, những cuốn bách khoa toàn thư và tư liệu quý hiếm” – giảng viên Zaid Muhieddine buồn bã nói – “Đây là lần đầu tiên tôi thấy thư viện trong tình trạng này, tôi đã rơi nước mắt vì cảm thấy xót xa”.

Nhưng với Maher, sinh viên năm thứ 3 ngành Địa lý, thì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. “Trường học mở lại mới là điều quan trọng, không cần bận tâm quá nhiều đến những toà nhà bị đốt cháy hoặc phá hủy” – Maher nói.

Lãnh đạo nhà trường hy vọng toàn bộ các ngành đào tạo sẽ trở lại hoạt động bình thường vào tháng 10.

“Công việc dọn dẹp đã kết thúc tại hầu hết các khoa nhờ vào hoạt động tình nguyện của giới trẻ thành phố - cả học sinh phổ thông và sinh viên đại học” – Osama Hamdun, phòng Duy tu Đại học Mosul, cho biết.

“Mở lại trường đại học này là một “thông điệp với thế giới” – Hamdun nhấn mạnh – “Mosul là một thành phố của nền văn minh. IS hay bất cứ kẻ nào cũng không thể phá bỏ ước vọng sống của người dân Mosul”.

Mosul là một thành phố ở miền Bắc Iraq và thủ phủ của tỉnh Nineveh, khoảng 400km (250 dặm) về phía Tây Bắc Baghdad. Năm 2008, dân số ước tính khoảng 1.800.000 người. Từ năm 2014, Mosul bị chiếm đóng bởi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Hiện phần lớn Mosul đã thuộc quyền kiểm soát của quân chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.