(GD&TĐ) - Cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng Ngoại giao của nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) với Iran đã kết thúc tại Alma - Ata mà không mang lại kết quả. Theo đánh giá của các nhà phân tích, hội nghị này chỉ làm các bên “xích lại gần nhau hơn, chia sẻ với nhau hơn”. Điều làm dư luận băn khoăn rằng hội nghị diễn ra giữa lúc căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên và những bài học rút ra từ sự kiện này có làm Tehran “tỉnh ngộ”?
Khi CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần 3 cũng là lúc John Kerry lãnh sứ mệnh của Ngoại trưởng Mỹ. Khi đó, ông John Kerry cảnh báo, nếu Tehran theo dõi sát sao phản ứng của cộng đồng quốc tế trước việc Triều Tiên thử hạt nhân, chắc chắn họ sẽ tìm được lời giải cụ thể cho chương trình hạt nhân của chính họ. Trên thực tế không như John Kerry nghĩ, Tehran vẫn tiếp tục hợp tác về kỹ thuật quân sự và buôn bán vũ khí với Bình Nhưỡng.
Theo World Politics Review, Iran và CHDCND Triều Tiên xây dựng chương trình hạt nhân của họ thông qua nhà vật lý hạt nhân Pakistan A.Khan và tổ chức buôn bán công nghệ hạt nhân của ông. Trong những năm qua, Iran được hưởng lợi nhờ thành công của Triều Tiên về công nghệ tên lửa hạt nhân. Theo World Politics Review thì các nhà khoa học Iran đã có mặt tại CHDCND Triều Tiên vào tháng 12 năm ngoái để chứng kiến Bình Nhưỡng phóng vệ tinh vào không gian. Có thông tin cho rằng, Bình Nhưỡng đề nghị Tehran mua vũ khí hạt nhân của họ.
Tên lửa đẩy Safir của Iran đưa vệ tinh Omid vào vũ trụ năm 2009 |
Ngay trước khi tình hình leo thang trên bán đảo Triều Tiên, các quan chức Mỹ đã bắt đầu lo ngại về sự hợp tác hạt nhân giữa Iran và Triều Tiên. Có vẻ sự hợp tác này giống như hợp tác giữa CHDCND Triều Tiên và Syria trước đây, khi Bình Nhưỡng giúp Syria xây dựng lò phản ứng hạt nhân nhưng đã bị Israel phá hủy vào năm 2007. Mùa thu năm ngoái, Tehran và Bình Nhưỡng đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác khoa học, trong đó có các ký tự rất giống các ký tự trong thỏa thuận giữa CHDCND Triều Tiên và Syria được ký kết từ năm 2002. Hãng KCNA của Triều Tiên thông báo, trong lễ ký kết văn bản ghi nhớ tại Tehran có sự hiện diện của đông đảo các quan chức cao cấp CHDCND Triều Tiên, Cơ quan năng lượng nguyên tử và Bộ Quốc phòng Iran.
Xét về hệ tư tưởng, thì hai nước rất khác nhau, tuy nhiên, họ có cùng một kẻ thù chung chính là Mỹ.
Thật khó có thể phân biệt đâu là tên lửa của CHDCND Triều Tiên, đâu là tên lửa của Iran. Các quan chức Mỹ cho rằng, CHDCND Triều Tiên là nhà cung cấp chính các thiết bị tên lửa cho Iran, giúp họ có được kho tên lửa tiềm tàng và khả năng tấn công phủ đầu đối với Israel.
Cách đây chưa lâu, báo cáo của Quốc hội Mỹ khẳng định phải mất nhiều năm nữa Tehran mới có thể có tên lửa đạn đạo vượt đại dương. Tuy nhiên, từ năm 2009 Tehran đã phóng vệ tinh Omid lên vũ trụ nhờ tên lửa đẩy Safir của họ.
Cuộc leo thang căng thẳng giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ - Hàn rồi sẽ lắng xuống, tuy nhiên, hậu quả mà nó để lại sẽ rất lớn. Một đất nước nhỏ bé như CHDCND Triều Tiên khi có vũ khí hạt nhân trong tay đã thách thức cả một liên quân hùng mạnh bằng hàng loạt những hành động khiêu khích chiến tranh là chuyện ít gặp xưa nay. Và hiệu ứng của nó chắc chắn sẽ vượt ra ngoài bán đảo Triều Tiên nhỏ bé. Giờ đây, những bài học xương máu của Saddam Hussein hay Muammar Gaddafi - những người từng bỏ lỡ cơ hội sở hữu vũ khí hạt nhân và phải nhận cái chết tức tưởi đang tái hiện lại. Iran - nước bị Mỹ liệt vào một trong những quốc gia của “trục ma quỷ” và thường xuyên bị phương Tây áp dụng chính sách thù địch sẽ tính sao đây?
Liệu Tehran có đi theo “vết xe đổ” của CHDCND Triều Tiên như các nhà phân tích phương Tây vẫn gọi?
Duy Long (TH)