Iran bắt đầu thực hiện “thỏa thuận lịch sử” về chương trình hạt nhân

GD&TĐ - Ngày thứ Hai (28/12), Iran đã gửi tới Nga 25.000 Pounds uranium làm giàu thấp theo thỏa thuận hạt nhân giữa nước này và nhóm P5+1 ký vào ngày 14/7.

Sau 7 năm đàm phán căng thẳng, thỏa thuận hạt nhân Iran đang trở thành hiện thực
Sau 7 năm đàm phán căng thẳng, thỏa thuận hạt nhân Iran đang trở thành hiện thực

Động thái này được đánh giá là một trong những thành tựu lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Barack Obama và mở đường cho việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran.

Nỗ lực đáng ghi nhận của Iran

Thông tin về việc Iran đã gửi sang Nga 25.000 Pounds uranium làm giàu thấp vào ngày 28/12 đã gây sự chú ý với dư luận thế giới.

Bình luận về động thái này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, Iran đã loại bỏ được trở ngại lớn trên con đường thực hiện thỏa thuận hạt nhân với Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới - Asa Fitch và Laurence Norman đưa tin trên The Wall Street Journal.

“Để thỏa thuận hạt nhân được thực thi và các biện pháp trừng phạt được nới lỏng, Tehran phải tiến hành hàng loạt các bước đi để ngăn chặn chương trình hạt nhân và các cơ sở hạ tầng của nó”- The Wall Street Journal viết.

Cũng theo thỏa thuận, Iran phải vận chuyển uranium làm giàu thấp ra nước ngoài, dỡ bỏ hàng ngàn máy li tâm và những phần cơ bản của lò phản ứng hạt nhân ở Arak.

Đầu tháng 12, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử của Iran, ông Ali Akbar Salehi tuyên bố rằng, để đổi lấy uranium làm giàu thấp, Moskva đã gửi đến Iran 137 tấn uranium đã qua xử lý tối thiểu.

Như vậy, lượng uranium nhất định đã được Iran gửi đến Nga theo thỏa thuận. Nhà báo David Smith (The Guardian) nhớ lại, đến cuối năm 2015, Iran phải bàn giao hầu hết lượng uranium làm
giàu thấp của mình, chỉ được giữ lại khoảng 660 Pounds.

Tôi rất vui mừng thông báo rằng chúng tôi đã nhìn thấy những dấu hiệu quan trọng của một tiến trình lớn hướng đến thực hiện nghĩa vụ then chốt thỏa thuận hạt nhân của Iran - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố.

Theo các nhà phân tích, nhờ bàn giao các lô hàng uranium vào thứ Hai vừa rồi, Iran coi như đã từ bỏ ý định sản xuất bom nguyên tử.

Phía trước còn không ít khó khăn

Đối với Tổng thống Barack Obama, việc ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran là thành tựu lớn nhất trong chính sách đối ngoại vốn bị coi là “nhu nhược” trong cả hai nhiệm kỳ Tổng thống của ông, là đỉnh cao của 7 năm nỗ lực không ngừng, không nghỉ bằng các biện pháp trừng phạt, thậm chí đe dọa ném bom các cơ sở hạt nhân của Iran - The New York Times nhận định.

Tuy nhiên, ký kết là một chuyện, việc tuân thủ các nội dung được ký kết của các bên mới là quan trọng.

Thực tế cho thấy, thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực từ ngày 18/10, tuy nhiên, những động thái của cả hai bên trước và sau cái “mốc” đó khiến dư luận nghi ngờ. Về phía Iran, trước ngày thực hiện thỏa thuận, Tehran đã thử tên lửa đạn đạo tầm trung mà theo Washington là “vi phạm lệnh cấm của HĐBA LHQ”.

Động thái này được coi là “khó hiểu”, khiến dư luận chưa thể yên tâm về khả năng sẵn sàng thực hiện thỏa thuận của Tehran. Ngay sau đó (ngày 20/10) đích thân Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani lên tiếng yêu cầu phương Tây “phải thực hiện nghiêm tất cả các điều kiện của thỏa thuận hạt nhân Iran” nếu không muốn nước này tiếp tục xây dựng các nhà máy làm giàu uranium.

Kể từ khi thực hiện thỏa thuận, Iran cơ bản hoàn thành nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ - Iran lại phát sinh những tình huống căng thẳng ở các lĩnh vực khác.

The Wall Street Journal cho biết: Thỏa thuận bị bao phủ bởi mối đe dọa trên những lĩnh vực khác. Vào đầu tháng 12, Quốc hội Mỹ thông qua bộ luật hạn chế quyền nhập cảnh miễn thị thực vào Mỹ cho những người đã từng đến Iran hoặc có hai quốc tịch và một trong số đó là Iran.

Vẫn biết bộ luật trên liên quan đến các biện pháp chống khủng bố của Mỹ, nhưng Tehran lấy làm bức xúc.

Trong cuộc họp báo vào ngày thứ Hai (28/12), người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Iran Hossein Jaberi Ansari khẳng định: Với bất cứ bước đi nào, kể cả ngoài thỏa thuận hạt nhân, đối với Iran là “không thể chấp nhận được” và Iran sẽ có những biện pháp trả đũa cần thiết.

Theo các nhà phân tích, mặc dù có những tiến bộ rõ rệt trong việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân lịch sử, quan hệ Mỹ - Iran vẫn còn không ít thách thức, nghi ngờ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ