Ngừng tập kích
Mohammed Abdul Salam, phát ngôn viên của lực lượng dân quân Houthi, tuyên bố cuộc chiến của họ "đã đến hồi kết với thông báo về lệnh ngừng bắn tại Gaza".
Mặc dù vậy, ông Salam cũng đưa ra cảnh báo với Israel và gọi quốc gia này là "thực thể nguy hiểm với tất cả mọi người", vì Tel Aviv vẫn "tiếp tục chiếm đóng lãnh thổ Palestine là mối đe dọa với an ninh và ổn định trong khu vực".
Quân đội Israel (IDF) hiện đang kiểm soát Đông Jerusalem và Bờ Tây, những khu vực được coi là thuộc về Palestine.
Cùng với Houthi, Akram al-Kaabi, tổng thư ký nhóm vũ trang Al-Nujaba tại Iraq, ngày 15 tháng 1 cũng tuyên bố lực lượng này sẽ "đình chỉ các chiến dịch quân sự" nhằm vào Israel, để thể hiện ủng hộ với lệnh ngừng bắn vừa đạt được tại Gaza và hỗ trợ duy trì thỏa thuận này.
Dù vậy, ông cảnh báo Al-Nujaba sẵn sàng đáp trả cứng rắn đối với "bất kỳ hành động ngu ngốc nào" của Israel tại lãnh thổ Palestine và khu vực Trung Đông.
"Ngón tay của chúng tôi vẫn đặt trên cò súng, tên lửa và máy bay không người lái (UAV) hoàn toàn sẵn sàng. Nếu họ quay trở lại, chúng tôi cũng thế", ông al-Kaabi nhấn mạnh.
Al-Nujaba là thành viên lực lượng Kháng chiến Hồi giáo Iraq (IRI), liên minh gồm các nhóm dân quân Hồi giáo tại Iraq. IRI và Houthi là đồng minh của Hamas trong "trục kháng chiến" do Iran hậu thuẫn để chống Israel và phương Tây.
Sau khi xung đột Israel - Hamas bùng phát tại Gaza cuối năm 2023, lực lượng Houthi và IRI thường xuyên phóng tên lửa, UAV tự sát nhằm vào Israel để thể hiện ủng hộ với đồng minh Hamas.
Houthi còn tấn công các tàu hàng mà nhóm này cáo buộc là có liên hệ với Israel, làm giảm mạnh lưu lượng hàng hải qua Biển Đỏ và khiến giá vận chuyển hàng hóa toàn cầu tăng cao.
Lực lượng dân quân này cũng tấn công cả quân đội Mỹ tại khu vực. Chỉ vài giờ trước khi lệnh ngừng bắn tại Gaza được công bố hôm 15 tháng 1, lực lượng Houthi cho biết đã tập kích tàu sân bay USS Harry S. Truman và chiến hạm khác của hải quân Mỹ ở Biển Đỏ.
IRI nhiều lần phóng rocket và máy bay không người vào căn cứ Mỹ tại Syria và Iraq, khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden tiến hành một số đợt không kích đáp trả.
Thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza dự kiến có hiệu lực sớm nhất là vào ngày 19 tháng 1, bao gồm lệnh ngừng giao tranh kéo dài 6 tuần, trao đổi tù nhân, Israel rút một phần lực lượng và tăng cường viện trợ nhân đạo cho dải đất.
Để đạt được những mục tiêu xa hơn, trong đó có nền hòa bình lâu dài, hai bên phải tiến hành thêm các vòng đàm phán tiếp theo.
Thỏa thuận mong manh
Trong khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, có thể chấm dứt Chiến tranh Gaza, có vẻ là lý do đáng để ăn mừng, thì Tiến sĩ Simon Tsipis, chuyên gia quan hệ quốc tế có trụ sở tại Tel Aviv, cảnh báo rằng thỏa thuận này cực kỳ "mong manh".
Về cơ bản, Israel đã kết thúc đàm phán với một bên thứ ba thay vì Hamas, bên đã mất hầu hết quyền lãnh đạo. Bên thứ ba này, mà Tsipis cho biết rất có thể là Anh, tìm cách duy trì Hamas như một nhóm sẽ tiếp tục chống lại Israel.
"Các cơ quan mật vụ Anh đóng vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán này. Họ là những người đứng sau các cuộc đàm phán do Qatar và Ai Cập làm trung gian", Tiến sĩ Tsipis lưu ý.
Vấn đề con tin Israel vẫn bị Hamas giam giữ được sử dụng như vũ khí trong cuộc khủng hoảng chính trị giữa liên minh cầm quyền Israel và phe đối lập. Nó cũng gây ra sự chia rẽ giữa ông Netanyahu và các đồng minh liên minh "cực hữu Zionist" của ông, cũng như xung đột giữa ông và Bộ Tổng tham mưu.
Việc trao đổi tù nhân theo quy định của thỏa thuận ngừng bắn sẽ dẫn đến việc Israel thả hàng nghìn tù nhân Hamas để đổi lấy khoảng một trăm con tin Israel, điều này có thể không được coi là một cuộc trao đổi công bằng đối với một số người.
Với việc Hamas yêu cầu Israel ngừng hoạt động ở Gaza và quân đội Israel phải rời khỏi Hành lang Philadelphi, một dải đất hẹp ngăn cách Ai Cập với Dải Gaza. Việc Tel Aviv chấp thuận những yêu cầu này sẽ khiến IDF không đạt được bất kỳ kết quả nào trên thực địa.
Các cuộc đàm phán ngừng bắn đã tạo ra một tình huống bế tắc có thể dẫn đến ba kết quả:
Một là chiến dịch quân sự của Israel kết thúc, Hamas vẫn tiếp tục tồn tại. Tiếp theo là chính phủ của ông Netanyahu sụp đổ, Israel tổ chức bầu cử mới. Và cuối cùng Thỏa thuận ngừng bắn thất bại.