(GD&TĐ) - Ngày 4/8, Hassan Rouhani đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống nước cộng hòa Hồi giáo Iran. Lễ tuyên thệ nhậm chức của Hassan Rouhani diễn ra trong 2 ngày: Thứ bảy (3/8), lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei phê duyệt Rouhani nhậm chức, còn ngày chủ nhật Rouhani tuyên thệ tại Quốc hội Iran. Trong bối cảnh Tehran đang phải đối mặt với những đòn trừng phạt nặng nề, Hassan Rouhani, một giáo sĩ ôn hòa theo đường lối cải cách được kỳ vọng như một nhân vật sẽ tạo ra những bước đột phá trong cải cách kinh tế - xã hội cũng như chính sách đối ngoại của Iran.
Iran đang thay đổi?
Chiến thắng thuyết phục của Hassan Rouhani trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran vào ngày 14/7 làm không ít nhà phân tích ngạc nhiên. Không ngạc nhiên sao được khi một giáo sĩ có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong một xã hội được coi là bảo thủ lại có thể giành được chiến thắng áp đảo trước các đối thủ nặng ký được hậu thuẫn bởi thủ lĩnh tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Cuộc bầu cử đã phản ánh những thay đổi sâu sắc đang diễn ra trong lòng xã hội Iran. Cuộc bầu cử cũng chỉ ra rằng, những cái nhìn lệch lạc về một xã hội độc tài thần quyền như Iran là không đúng với thực tế. Các quan sát viên phải thừa nhận rằng không có vi phạm trong bầu cử và kết quả cuộc bầu cử phản ánh khách quan quan điểm của cử tri. Hassan Rouhani tuyên thệ nhậm chức trong không khí trang nghiêm, trước sự chứng kiến của đại diện hơn 50 nước trên thế giới.
Phát biểu trong lễ tuyên thệ nhậm chức, Hassan Rouhani hứa sẽ thiết lập mối quan hệ mang tính xây dựng với thế giới để đưa đất nước ra khỏi những đòn trừng phạt kinh tế nặng nề. Hassan Rouhani tuyên thệ sẽ làm tất cả để người Iran sống tốt hơn trong một thế giới không bị cô lập như hiện nay. Rouhani tuyên bố sẽ có “những biện pháp cần thiết cho sự tiến bộ của Iran trên trường quốc tế để bảo vệ lợi ích quốc gia và dỡ bỏ lệnh trừng phạt”. Cũng theo lời Rouhani thì nhân dân Iran “khát khao có một cuộc sống đàng hoàng và đã quá mệt mỏi vì nghèo đói và tham nhũng”.
Nền kinh tế của Iran đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Các phương tiện truyền thông hàng đầu trên thế giới đã đưa ra những con số báo động: Lạm phát 36%/năm; đồng Rial giảm 80%/năm; giá cả tăng 55%; lợi nhuận từ dầu giảm 65%; tỷ lệ thất nghiệp 12%...
Hassan Rouhani tuyên thệ nhậm chức tại Văn phòng thủ lĩnh tối cao Ayatollah al-Khamenei (Bên trái cùng là cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, bên phải cùng là Javier Solana - cựu quan chức ngoại giao EU) |
Nguyên nhân chính là do các biện pháp trừng phạt mà quốc tế đã áp đặt vì thái độ kiên quyết của Iran trong việc thực hiện chương trình hạt nhân gây tranh cãi của họ. Theo Hassan Rouhani, Tehran cần phải “linh hoạt hơn trên bàn đàm phán”. Hassan Rouhani hy vọng sẽ đưa đất nước ra khỏi các đòn trừng phạt của phương Tây mà vẫn theo đuổi chương trình hạt nhân của mình.
Tại cuộc họp báo sau lễ tuyên thệ, Hassan Rouhani cho rằng chương trình hạt nhân của Iran đã được minh bạch và các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế với Iran là không công bằng. “Mỹ và phương Tây luôn tìm cớ để đối đầu với các nước được coi là “không thân thiện”. Chính vì vậy, các trung tâm hạt nhân của Iran nên đặt dưới sự giám sát của các thanh sát viên IAEA”- Hassan Rouhani khẳng định. Phát biểu tại lễ tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống Hassan Rouhani nhấn mạnh: “Sự minh bạch chính là chìa khóa để mở cánh cửa lòng tin”.
Cơ hội cho đàm phán hạt nhân
Sự kiện một chính trị gia ôn hòa và thực dụng lên nắm chính quyền ở Iran đã mở ra cơ hội lớn cho cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này vốn tồn tại dai dẳng trong nhiều năm qua. Ngay sau khi ông Rouhani tuyên thệ nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Barack Obama bày tỏ sẵn sàng tham gia vào các cuộc đối thoại với Iran về chương trình hạt nhân. Ngày 5/8, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố: “Washington sẵn sàng đàm phán nghiêm túc với Tehran, nếu nước này cam kết thực hiện nghĩa vụ quốc tế và sẵn sàng đối thoại về chương trình hạt nhân của họ”. Jay Carney cũng hy vọng tân Tổng thống Hassan Rouhani sẽ hành động nhanh chóng và sẽ là một “đối tác chân thành” của Mỹ trong tương lai.
Theo các nhà phân tích thì tuyên bố của Washington như được lấy cảm hứng từ bài phát biểu của Hassan Rouhani trong lễ nhậm chức vào ngày 4/8, theo đó tân Tổng thống Iran cam kết sẽ thực hiện chính sách đối ngoại mềm dẻo và kêu gọi phương Tây gỡ bỏ lệnh trừng phạt, coi đó là cách duy nhất để tiến hành đối thoại với Iran.
Việc phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney hy vọng Hassan Rouhani sẽ là “đối tác chân thành” của Mỹ còn phải chờ thời gian, tuy nhiên, Hassan Rouhani chắc chắn sẽ không có những tuyên bố chống Mỹ và Israel hùng hồn như người tiền nhiệm Mahmoud Ahmadinejad. Các nhà phân tích cho rằng, với những tuyên bố của hai bên, rất có thể Iran và Mỹ sẽ có những cuộc đàm phán trực tiếp để giải quyết vấn đề hạt nhân tranh cãi, bởi vào thời điểm hiện tại, dỡ bỏ các đòn trừng phạt là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với Hassan Rouhani.
Duy Long (TH)