Hy vọng mới cho người hiếm muộn

GD&TĐ - Mắc bệnh mãn tính đồng nghĩa với việc cơ hội được làm mẹ của người bệnh giảm dần. Với bệnh tim mạch, tiểu đường, tuyến giáp, bệnh nhân phải trải qua đợt điều trị dài ngày, dưới sự theo dõi sát sao của bác sĩ mới đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi. 

Hy vọng mới cho người hiếm muộn

Còn người bị suy thận, lâu nay không bao giờ nghĩ đến việc làm mẹ nhưng trường hợp bà mẹ chạy thận nhân tạo 7 năm nay sinh con khỏe mạnh đã đem lại hy vọng cho nhiều người.

Muôn kiểu hiếm muộn

Hiếm muộn là cụm từ được dùng để chỉ những người gặp khó khăn trong đường con cái. Có người hiếm muộn do cơ thể từ khi sinh ra đã không có tử cung, tử cung nhi hóa. 

Cũng có người hiếm muộn do nội tiết, buồng trứng, tinh trùng có vấn đề. Theo khuyến cáo của bác sĩ, 4 căn bệnh phổ biến đe dọa sức khỏe sinh sản của chị em là u xơ tử cung, u nang buồng trứng, viêm vòi trứng và tắc vùng chậu.

Trong số các trường hợp hiếm muộn hoặc vô sinh thì nguyên nhân do tắc vòi trứng chiếm đến 40 - 50%. Bệnh có thể do nhiễm khuẩn hoặc do lạc nội mạc tử cung. 

Bệnh khiến cho tinh trùng đến vòi trứng sẽ không thể di chuyển về tử cung để làm tổ dẫn đến phát triển ngay tại vòi trứng gây ra thai ngoài tử cung. 3 bệnh còn lại cũng không có triệu chứng rõ ràng. 

Bệnh thường chỉ được phát hiện khi chị em “thả” mãi vẫn không dính bầu nên đi khám hoặc bệnh tiến triển ung thư với biểu hiện rõ ràng. Do vậy, bác sĩ khuyến cáo chị em trong độ tuổi sinh đẻ nên khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Bên cạnh những người hiếm muộn liên quan đến chức năng sinh sản còn nhiều người không có cơ hội làm mẹ do mắc bệnh mãn tính. Chị Ngô Anh Đào (Gia Lâm, Hà Nội) có tuổi thơ như bao bạn bè khác nhưng đến năm học THPT, sức khỏe yếu dần khiến chị không thể tham gia môn học thể dục. 

Kinh tế khó khăn nên chị Đào được khám sơ sơ, bố mẹ chăm sóc bằng cách giảm việc nhà. Mọi chuyện cứ thế tiếp diễn cho đến khi chị Đào học cấp 3, thường xuyên bị căng thẳng, run chân tay và ngất xỉu.

“Lúc này cha mẹ mới đưa đi khám chuyên khoa, bác sĩ phát hiện tôi bị suy tim, không được tham gia hoạt động cần nhiều sức lực, đặc biệt không được sinh con để giữ tính mạng. 

Những chỉ định trên mình thấy bình thường nhưng khi trưởng thành, các bạn yên bề gia thất, mình cũng muốn lập gia đình, sinh con nhưng cả gia đình phản đối lẫn bác sĩ. 

Thế mới biết việc có bầu, sinh con ai cũng nghĩ là hiển nhiên nhưng lại không hề đơn giản”, chị Đào tâm sự. Tương tự, bệnh nhân không may bị viêm thận, viêm gan mãn tính… cũng khó có cơ hội làm mẹ bởi sức khỏe, cuộc sống của họ phụ thuộc vào thuốc và máy móc.

Thêm hy vọng

Sự kiện Bệnh viện Bạch Mai đỡ đẻ thành công cho sản phụ chạy thận nhân tạo 7 năm liền được giới chuyên môn đánh giá là kỳ tích. Bệnh nhân là chị H.N.Y (31 tuổi, ở Tuyên Quang), bị cao huyết áp, suy thận từ năm 2008 khi mới 24 tuổi, lúc đó chị đang mang thai nhưng sau đó bị sảy. Từ đó đến nay, suốt 7 năm liền chỉ phải điều trị chạy thận nhân tạo, tuần lọc máu chu kỳ 3 lần tại Bệnh viện Bạch Mai.

Hy vọng làm mẹ tưởng như không còn khi cuộc sống của chị gắn liền với máy móc thì đầu năm nay, khi đã 31 tuổi, niềm vui vô bờ bến đã đến với chị Yến khi chị biết mình mang thai và nhất là được các bác sĩ cho phép giữ lại thai, dù việc giữ lại thai sẽ vô cùng khó khăn và nguy hiểm. 

Từ lúc mang thai, chị được chăm sóc đặc biệt, phác đồ điều trị cũng được thay đổi cho phù hợp và thường xuyên được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe. 

Khi thai bước sang tuần thứ 31, bệnh nhân có biểu hiện chuyển dạ. Ca sinh mổ thành công khi bé trai nặng 1,5kg chào đời, được cho thở oxy, ăn xông, nuôi lồng ấp, còn bản thân người mẹ lại quay trở lại thời kỳ chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần.

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo, người bình thường có thai khó, việc một bệnh nhân suy thận mạn tính, phải lọc máu chu kỳ giữ thai khó khăn hơn cả trăm lần. 

Lịch sử 40 năm hình thành và phát triển của khoa đến nay mới ghi nhận 5 bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thai nhưng phần lớn bị hỏng. 

Thành công của bệnh nhân suy thận mang thai và sinh con thành công mở ra hy vọng cho bệnh nhân mắc bệnh trên cũng như bệnh mãn tính khác.

Đây là ca sinh nở vô cùng đặc biệt, huy động bác sĩ nhiều khoa với một quy trình đặc biệt do một nhóm bác sĩ có kinh nghiệm trực tiếp xây dựng dành riêng cho bệnh nhân lọc máu chu kỳ mang thai sinh con.                                                                                                                                                                                                                Bởi lẽ, với bệnh nhân suy thận, các độc tố trong máu cao hơn người bình thường, sự phát triển của thai nhi rất khó khăn. Bên cạnh đó, người mẹ phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc: Thuốc huyết áp, thuốc chống đông…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ