10 năm mới được làm mẹ
Kết hôn muộn nên hai vợ chồng chị T.T.P háo hức đón chờ đứa con đầu lòng. Nhưng càng chờ càng không thấy bởi dù nhiều lần mang thai nhưng không lần nào giữ được.
Xác định không thể trông chờ vào sự may mắn, hai vợ chồng chị T.T.P bắt đầu hành trình chạy chữa. Nhưng trải qua 2 lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) vẫn không có kết quả. Năm 2015, vợ chồng chị tiếp tục thực hiện tiêm trực tiếp tinh trùng vào bào tương của noãn tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện Hà Nội) và không ngờ đã thành công. Chị sinh cô con gái đầu lòng vào cuối năm 2015 khi đã ở tuổi 52.
Chị T.T.P chia sẻ: Khi bác sĩ thông báo thành công bước đầu, hai vợ chồng không tin và hỏi đi hỏi lại bác sĩ. Khi cả ê kíp đều xác nhận, vợ chồng vui thật nhưng nước mắt cứ chảy dài. Sau thông báo trên, công cuộc bảo vệ em bé trong bụng bắt đầu. “Mệt mỏi, căng thẳng nhưng mỗi lần kiểm tra nghe bác sĩ thông báo “bình thường” là quên hết lo âu. Ngày gặp mặt con có lẽ là ngày đáng nhớ nhất”, chị T.T.P tâm sự.
Vô sinh không phải dấu chấm hết
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có khoảng 7,7% cặp vợ chồng bị hiếm muộn. Điều đáng nói là tỷ lệ này ngày càng tăng. Dạo qua Trung tâm Hỗ trợ sinh sản ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội, Bưu điện hay Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội sẽ thấy nhu cầu chữa vô sinh của các cặp vợ chồng nhiều vô kể. Có người vô sinh thứ phát nhưng cũng có người vô sinh nguyên phát. Có bệnh nhân đã quá tuổi sinh đẻ muốn sinh thêm con nhưng cũng có người chưa có mụn nào dù tuổi đời còn trẻ.
Tỷ lệ vô sinh ngày một nhiều trong khi kiến thức của các cặp vợ chồng lại hạn chế. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện Hà Nội), nhiều cặp lấy nhau 3 - 4 năm không có thai mới bắt đầu đi khám, trong khi nếu vợ chồng dưới 30 tuổi sinh hoạt tình dục bình thường không có biện pháp tránh thai mà 6 tháng vẫn chưa có em bé đã được coi là hiếm muộn.
Cũng theo bác sĩ Nhã, nhiều cặp vợ chồng nghe bác sĩ kết luận hiếm muộn mà như nghe Trái đất sắp đến ngày tận thế. Thực tế, với bệnh nhân hiếm muộn, nếu muốn có con phải trải qua quá trình kiểm tra để tìm nguyên nhân. Vô sinh có thể do chồng, vợ hoặc cả hai. Vô sinh nhiều khi vì lý do đơn giản như căng thẳng quá mức hoặc bệnh nào đó cản trở quá trình thụ thai, mang thai. Do vậy, không ít cặp vợ chồng khi biết nguyên nhân gây bệnh đôi khi chỉ cần thay đổi thói quen hàng ngày đã có thể mang bầu. Cặp khác thì dùng thủ thuật đơn giản là có kết quả.
Với cặp vợ chồng vô sinh khi tuổi đã cao, việc điều trị sẽ khó khăn hơn do dự trữ trứng cũng như chất lượng trứng, nội tiết đều kém. Tương tự, chất lượng tinh trùng của đàn ông lớn tuổi cũng có sự suy giảm về số lượng lẫn chất lượng. Đấy là chưa kể đến hàng loạt bệnh có thể xảy ra khiến quá trình thụ thai khó khăn hơn. Vì vậy, việc điều trị đòi hỏi phải có thời gian, sự hợp tác của cả hai vợ chồng.
Tuy nhiên, với những tiến bộ trong điều trị hiếm muộn và kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, tỷ lệ điều trị vô sinh hiện nay đã lên tới 50 - 60% thông qua các phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, bơm tinh trùng vào bào tương trứng hoặc lấy tinh trùng bằng chọc hút mào tinh và bơm vào bào tương trứng… Điển hình như trường hợp chị T.T.P, ngoài yếu tố may mắn, rõ ràng sự quyết tâm của hai vợ chồng đã làm nên điều kỳ diệu. Điều này chứng tỏ, trong điều trị vô sinh, quan trọng là các cặp vợ chồng nhận thức sớm để can thiệp kịp thời và có niềm tin để cùng nhau vượt qua.
- Khoảng 30% trường hợp vô sinh do nam, 30% do nữ, 30% do cả hai và 10% chưa rõ nguyên nhân;
- Vợ chồng càng nhiều tuổi, tỷ lệ điều trị vô sinh thành công càng giảm. Các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ trên 40 tuổi thì 90% phôi tạo ra từ trứng của những phụ nữ này có bất thường nhiễm sắc thể, không thể phát triển thành con được. Khả năng giữ thai cũng chỉ ở mức 50%.