Không có kì nghỉ hè cho những học sinh này, những học sinh phải chạy đua với thời gian khi mà Hy Lạp đã lên kế hoạch giáo dục chính thức cho khoảng 8.500 trẻ tị nạn – bắt đầu từ tháng 9.
Lớp học trong công te nơ
2 giáo viên tình nguyện đến từ Syria, một người là kĩ sư và một là sinh viên. Họ thuộc nhóm 20 người tị nạn đảm nhiệm giảng dạy cho 670 học sinh từ 6 đến 13 tuổi tại trại tị nạn Skaramangas, ngoại ô thủ đô Athens.
Một nửa người tị nạn trong trại – là công dân Syria, Afghanistan và Iraq – dưới 17 tuổi.
Chỉ có 2 lớp học được đặt trong công te nơ tàu biển, mỗi trẻ chỉ được học khoảng 2 giờ mỗi tuần, bao gồm học tiếng mẹ đẻ - Ả Rập, Dari và Kurk - cùng với tiếng Anh và Toán.
“Đó chỉ là một giọt nước trong bể kiến thức” – kĩ sư người Syria, Bazel Shrayyef, nói – “nhưng vẫn là khởi đầu cho sự trở lại cuộc sống bình thường đối với những trẻ em đã đối mặt với chiến tranh và sự phân biệt chủng tộc”.
Bên trong phòng giáo viên, cũng nằm trong một công te nơ, một giáo viên cẩn thận lược bỏ những nội dung có thể tạo nên xung đột ý thức hệ trong chương trình sách giáo khoa của Syria được tải về qua Internet.
Theo Tổ chức Save the Children, những trẻ em đang mắc kẹt trong những trại tị nạn ở Hy Lạp trung bình đến trường chưa được 1 năm rưỡi; và hơn 1/5 trẻ trong độ tuổi tới trường chưa bao giờ đặt chân tới trường.
Chờ đợi hỗ trợ khẩn cấp
Tại Skaramangas, người tị nạn chờ đợi xem có được định cư tại các nước thuộc EU hay không, hoặc có được xem xét lưu trú tại Hy Lạp không? Vì vậy, họ không biết sẽ sống ở đâu sau 6 tháng đến 1 năm tới.
“Trong lớp học của chúng tôi, rất khó để học sinh tập trung vào bài giảng” – một giáo viên tình nguyện cho biết – “Nhiều trẻ tỏ ra bất ổn tâm lí trong cuộc sống tị nạn”.
Chương trình giáo dục trong hè với sự trợ giúp của các tình nguyện viên được coi là bước đệm trước khi bước vào chương trình học chính thức. Chương trình “đệm” ngoài giảng dạy những kiến thức sơ đẳng, còn giáo dục hoà nhập cho trẻ em đến từ các vùng miền, sắc tộc khác nhau.
Có nhiều thách thức để đạt được mục tiêu đó. Bộ phận dân tị nạn đa sắc tộc và luôn trong tình trạng xáo trộn.
Giáo dục cho trẻ tị nạn cũng chất thêm gánh nặng lên vai Chính phủ Hy Lạp, quốc gia chìm trong khủng hoảng nợ công 6 năm qua và ngân sách cho giáo dục đã bị cắt giảm kiệt cùng. Tuy nhiên, theo Bộ Giáo dục thì những thách thức trong năm học tới “có thể kiểm soát được”, lấy ví dụ vào những năm 1990, Hy Lạp đã lo ổn thoả chuyện học hành cho hàng nghìn trẻ em Albania tị nạn tại Hy Lạp.
Dù sao thì Hy Lạp cũng mong chờ sự trợ giúp khẩn cấp từ Liên minh châu Âu (EU). Chính phủ Hy Lạp đề nghị EU cấp kinh phí khẩn cấp đối phó với khủng hoảng tị nạn, mà hiện nay chỉ cấp kinh phí tới các tổ chức phi chính phủ. Ước tính ban đầu, Hy Lạp cần gấp khoảng 10 triệu euro (11,1 triệu USD) để giải quyết vấn đề người tị nạn.