Huyện Lang Chánh - Thanh Hóa: Cán bộ dân số nguy cơ bị “đẩy” ra đường

Huyện Lang Chánh - Thanh Hóa: Cán bộ dân số nguy cơ bị “đẩy” ra đường

Sau cống hiến tuổi trẻ là… mất việc

10 cán bộ DS-KHHGĐ cấp xã ở huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) đã cùng ký đơn gửi Bộ Y tế, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa và ban các ngành liên quan.

Đơn nêu: "Chúng tôi là cán bộ DS - KHHGĐ của 10 xã, thị trấn tại huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) tính đến thời điểm tháng 6/2020. Thế nhưng, hiện tại chúng tôi đang có nguy cơ bị thất nghiệp, hoặc "đẩy" ra đường. Lý do: Ngày 12/12/2019, HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số: 232/2019/NQ-HĐND. Theo Nghị quyết này quy định về chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố... Mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố. Mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh... Vì vậy, một số xã trên địa bàn huyện Lang Chánh đã miễn nhiệm, bãi bỏ hoặc cho kiêm nghiệm chức danh DS -KHHGĐ".

Anh Phạm Văn Công (37 tuổi) đã làm cán bộ DS - KHHGĐ xã Giao Thiện (Lang Chánh) cách đây 10 năm. Anh cho biết, thời điểm đó, Bộ Y tế có chủ trương tuyển dụng cán bộ làm công tác DS – KHHGĐ. Cũng như anh Công, có người đã làm việc và chờ đợi từ 10 - 15 năm. "Những năm tuổi trẻ, chúng tôi đã cống hiến cho ngành DS - KHHGĐ. 

Đến bây giờ, tuổi đã nhiều, muốn xin đi làm công nhân cũng khó. Còn trở về làm nông, lâm nghiệp thì tuổi đã cao, sức khỏe cũng giảm... Do đó, chúng tôi rất tha thiết được Bộ Y tế, các cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng làm viên chức trạm Y tế xã. Hoặc, có hướng giải quyết cụ thể, hợp tình hợp lý với những người làm công tác DS - KHHGĐ ở tuyến xã lâu năm như chúng tôi", anh Công đề nghị.

Chị Lữ Thị Hiền (32 tuổi) – cán bộ DS - KHHGĐ xã Tam Văn, 12 năm công tác trong ngành, nói: "Từ khi có Thông tư của Bộ Y tế, nhiều tỉnh, thành trên cả nước sắp xếp, bố trí cán bộ DS - KHHGĐ xã là viên chức trạm y tế. Thế nhưng, đến nay tỉnh Thanh Hóa, vẫn không bố trí, sắp xếp cho chúng tôi, mà chỉ giao làm cán bộ không chuyên trách mà thôi. Trong khi đó, phụ cấp từng tháng qua các năm, chúng tôi chưa bao giờ được nhận quá 1 triệu đồng. Mặc dù phụ cấp ít ỏi như vậy, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ".

Anh Lê Văn Hoàng (32 tuổi) – cán bộ DS - KHHGĐ xã Tân Phúc, chia sẻ: "Năm 2013, anh chị em chúng tôi còn được tổ chức đi học lớp nghiệp vụ DS -KHHGĐ để chuẩn vào viên chức. Lớp học nàydo Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa đào tạo và đã được cấp chứng chỉ nghiệp vụ dân số. Nhưng đến nay, chúng tôi không những không được tuyển dụng, mà còn bị bãi nhiệm, hoặc cho thôi việc để ngành khác kiêm nhiệm".

Gửi đơn "kêu cứu" lên Bộ Y tế

Huyện Lang Chánh - Thanh Hóa: Cán bộ dân số nguy cơ bị “đẩy” ra đường ảnh 1
Công văn chỉ đạo xử lý vụ việc của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Đơn nêu: "Thông tư số5/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ ở địa phương, quy định: Cán bộ chuyên trách DS - KHHGĐ xã là viên chức của trạm y tế xã. Ngoài ra, Nghị quyết số: 21-NQ/TƯ ngày 25/10/2017; Nghị quyết Hội nghị lần thứ VI, Ban chấp hành Trung ương khóa XII, nói rõ tầm quan trọng của công tác DS -KHHGĐ, như sau: Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách DS - KHHGĐ sang dân số và phát triển...

Trước thực trạng việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức cán bộ, các cơ quan chuyên môn có nhiều biến động, thiếu sự đồng bộ ở các địa phương. Do đó, ngày 8/5/2018 Bộ Y tế đã có Văn bản 2509/BYT-TCDS gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố có hướng xử lý về vấn đề này. Đến ngày 3/8/2018, Bộ Y tế lại ban hành công văn số:

4480/BYT-TCDS gửi UBND các tỉnh, thành phố về ổn định tổ chức bộ máy làm công tác DS - KHHGĐ ở cơ sở. Theo Công văn số 4480/BYT-TCDS, nêu: "Tại tuyến xã giao cho trạm y tế thực hiện nhiệm vụ về công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn xã. Ở những nơi đã tuyển dụng viên chức dân số xã, có thể giao cho trạm y tế quản lý. Những nơi chưa tuyển dụng được viên chức dân số xã, thì cử viên chức Trạm Y tế hoặc bố trí cán bộ không chuyên trách xã thực hiện công tác DS –KHHGĐ".

Đặc biệt, ngày 22/5 vừa qua, Bộ Y tế có Công văn số: 2822/BYT-TCDS về việc ổn định tổ chức, bộ máy làm công tác DS - KHHGĐ. Công văn nêu: "Tại tuyến xã, đối với viên chức, chuyên trách dân số xã, giao cho trạm y tế thực hiện nhiệm vụ về công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn xã. Những tỉnh, thành phố đã tuyển dụng viên chức, chuyên trách dân số xã, thì giao cho trạm y tế quản lý.

Những tỉnh, thành phố chưa tuyển dụng được viên chức, chuyên trách dân số xã, thì chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tuyển dụng. Hoặc, bố trí cán bộ không chuyên trách xã thực hiện nhiệm vụ công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn xã. Nhiệm vụ của viên chức, chuyên trách dân số xã thực hiện theo Công văn số 4480/BYT-TCDS ngày 3/8/2018 của Bộ Y tế".

Ngày 23/6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan, tham mưu giải pháp ổn định tổ chức, bộ máy làm công tác DS – KHHGĐ. Đảm bảo phù hợp tình hình thực tế của địa phương, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ về công tác dân số trong tình hình mới. Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/7/2020.

Hy vọng, sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, những cán bộ DS – KHHGĐ cấp xã ở huyện Lang Chánh và cả tỉnh Thanh Hóa, sẽ không bị "đẩy" ra đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ