Huyện Đan Phượng (Hà Nội) ưu tiên quy hoạch diện tích đất cho giáo dục

GD&TĐ - Lãnh đạo UBND huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho biết, huyện đã và đang chỉ đạo các xã/thị trấn ưu tiên quy hoạch diện tích đất cho phát triển giáo dục.

Hiện nay, quy mô giáo dục của huyện Đan Phượng gồm 55 trường với hơn 37.000 học sinh.
Hiện nay, quy mô giáo dục của huyện Đan Phượng gồm 55 trường với hơn 37.000 học sinh.

Chú trọng chăm lo cho giáo dục

Là một huyện ngoại thành của Hà Nội và đã được phê duyệt Đề án trở thành quận giai đoạn 2021-2025, Đan Phượng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ ở các lĩnh vực, trong đó có Giáo dục và đào tạo.

Bà Đào Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, ý thức sâu sắc vai trò, vị trí của công tác giáo dục đào tạo, những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và các cấp ngành đã luôn quan tâm, chủ động xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Hiện nay, toàn huyện có 55 trường học, trong đó có 19 trường mầm non, 20 trường tiểu học, 16 trường THCS, với trên 37.000 học sinh và khoảng 2.600 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Huyện đã quy hoạch và dành diện tích đất cho giáo dục. Nếu như tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia trung bình từ 10 - 15m2/học sinh thì huyện Đan Phượng đang là từ 17 - 23m2/học sinh, tức gấp 1,5 lần tiêu chí của Bộ GD&ĐT.

Các trường học trong toàn huyện đều được đầu tư khang trang. Điều đáng nói của Đan Phượng là trong các trường học đều được xây dựng các khu hoạt động thể chất và kỹ năng sống cho học sinh như: Sân bóng đá, bóng rổ, thư viện mở, bể bơi, khu vui chơi trải nghiệm; các trang thiết bị đồng bộ, đạt chuẩn. Huyện đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục.

Nhà giáo Bùi Thị Thu Hằng - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng GD&ĐT Đan Phượng.

Nhà giáo Bùi Thị Thu Hằng - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng GD&ĐT Đan Phượng.

Theo nhà giáo Bùi Thị Thu Hằng - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng GD&ĐT Đan Phượng, đây cũng là huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất Thành phố. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của toàn Thành phố trung bình khoảng 65% thì Đan Phượng đạt 98,2%, chỉ còn 1 trường chưa đạt chuẩn do tách trường mới; theo quy định sau 2 năm thành lập mới được công nhận chuẩn quốc gia.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên tâm huyết, yêu nghề, tinh thần trách nhiệm và rất chủ động. Nhiều năm liền, huyện có giáo viên đạt giải cao thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố và đạt giải cao giải thưởng Nhà giáo tâm huyết sáng tạo; được Sở GD&ĐT Hà Nội khen thưởng có thành tích trong chỉ đạo thi giáo viên dạy giỏi. Công tác tổ chức cán bộ nhiều năm liền được thành phố đánh giá xuất sắc...

Trong những năm qua, chất lượng giáo dục Đan Phượng được duy trì, phát triển; chất lượng tuyển sinh vào 10 THPT không ngừng tăng lên. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh được quan tâm. Công tác bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ được coi trọng với nhiều nội dung, hình thức phong phú, bám sát nhu cầu thực tiễn.

Ông Trần Đức Hải (giữa) - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng trao tặng Cờ thi đua xuất sắc của thành phố cho các tập thể đạt thành tích cao trong năm học 2021-2022.

Ông Trần Đức Hải (giữa) - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng trao tặng Cờ thi đua xuất sắc của thành phố cho các tập thể đạt thành tích cao trong năm học 2021-2022.

Cơ sở vật chất, khung cảnh sư phạm được chỉnh trang đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện; nhiều trường học có cách làm sáng tạo, huy động sức mạnh của đội ngũ và sự ủng hộ của phụ huynh học sinh. Việc khai thác, sử dụng cơ sở vật chất trang thiết bị được chú trọng, đảm bảo hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dạy học và các hoạt động giáo dục.

Công tác ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục được quan tâm, đạt hiệu quả bước đầu. Nhiều nhà trường đã áp dụng, khai thác tối đa nền tảng CNTT trong quản lý, giảng dạy, thích ứng nhanh trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp khiến học sinh phải tạm dừng đến trường nhưng không dừng học, từng bước đáp ứng sự phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4...

Phát huy trí tuệ tập thể và tinh thần đoàn kết

Nhờ sự nỗ lực của toàn ngành cũng như sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, chất lượng các hoạt động giáo dục được xếp trong tốp đầu của thành phố. Ngành Giáo dục huyện Đan Phượng 8 năm liên tiếp được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Cờ thi đua xuất sắc; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Học sinh Trường Tiểu học Thượng Mỗ được đi học trực tiếp tại trường sau nhiều tháng học online.

Học sinh Trường Tiểu học Thượng Mỗ được đi học trực tiếp tại trường sau nhiều tháng học online.

Theo ông Trần Đức Hải - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, quan điểm chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện để phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào 3 khâu đột phá gồm: Công tác quy hoạch, công tác cán bộ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Đối với Giáo dục và đào tạo cần tiếp tục rà soát mạng lưới trường học, ưu tiên quy hoạch diện tích đất cho giáo dục. Xây mới trường học để tách trường và thu gom điểm lẻ ở cấp mầm non; xây thêm các phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng ở các trường còn thiếu, xây dựng các khu giáo dục thể chất.

Các nhà trường cần tăng cường công tác bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, chất lượng dạy học môn Ngoại ngữ, Tin học, chú trọng giáo dục đạo đức; giáo dục văn hóa gắn với giáo dục kỹ năng sống, thái độ sống tích cực, lý tưởng sống cho học sinh.

Ngành Giáo dục cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong các nhà trường. Quan tâm động viên tạo động lực về mọi mặt để khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, lòng nhiệt huyết, cống hiến của đội ngũ nhà giáo. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài; phối hợp tốt 3 môi trường giáo dục giữa: Gia đình - Nhà trường - Xã hội; huy động sức mạnh của toàn xã hội chăm lo cho công tác giáo dục...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ