Huyện biên giới Sông Mã làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục

GD&TĐ - Cùng với nguồn vốn Nhà nước, những năm qua, huyện Sông Mã đã làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục để đầu tư xây mới nhiều điểm trường vùng khó.

Trường Tiểu học và THCS Mường Lầm được xây dựng khang trang.
Trường Tiểu học và THCS Mường Lầm được xây dựng khang trang.

Xây trường từ nguồn xã hội hóa...

Cách đây 5 năm, ai đã từng đến một số điểm trường ở huyện Sông Mã (Sơn La) như: Ngam Trạng (xã Đứa Mòn), bản Đứa (xã Chiềng Sơ), Nà Khoa, Nà Pàn (xã Nà Nghịu) đều có chung cảm giác ái ngại về cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học của những ngôi trường vùng cao, lớp học tạm bợ bằng tranh, tre, nứa lá... Giờ đây, những điểm trường này đã được xây dựng kiên cố, khang trang, sạch đẹp.

Cô giáo Quàng Thị Hồng, điểm trường Mầm non bản Ngam Trạng (Trường Mầm non Hoa Cúc Đứa Mòn) kể: “Lúc khởi công xây dựng điểm trường, có lãnh đạo chính quyền địa phương, các mạnh thường quân, cùng với người dân trong bản tham gia đào móng. Với tôi đó là kỷ niệm nhớ nhất trong đời. Nay ngôi trường được xây dựng khang trang, các con được học tập trong ngôi trường mới, tôi thấy rất vui và phấn khởi”.

Điểm trường mầm non bản Ngam Trạng được xây dựng từ tài trợ của nhóm từ thiện “Vì ta cần nhau” đến từ thành phố Hà Nội. Khởi công tháng 10/2020, đến tháng 4/2021, điểm trường khánh thành và bàn giao đưa vào sử dụng trong niềm vui, hân hoan của các cháu học sinh dân tộc Mông ở bản vùng cao. Điểm trường xây mới gồm 1 phòng lớp học, 2 phòng vệ sinh, sân bê tông, cổng, tường rào xung quanh và một số trang thiết bị dạy và học. Tổng kinh phí 240 triệu đồng, cùng sự đóng góp hàng trăm ngày công của người dân sở tại.

Điểm trường Nà Pa được xây dựng khang trang từ nguồn vốn xã hội hoá.
Điểm trường Nà Pa được xây dựng khang trang từ nguồn vốn xã hội hoá.

Huyện Sông Mã hiện có 18 xã và 1 thị trấn, với 411 bản, tổ dân phố, dân số trên 155 nghìn người, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 31,41%. Những năm trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, kinh phí đầu tư xây dựng, tu sửa cơ sở, vật chất trường lớp học hàng năm chưa đáp ứng nhu cầu. Trang thiết bị, lớp học, nhà ở bán trú cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên còn thiếu, nhất là tại các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa đã làm ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của các nhà trường.

Trước tình hình đó, huyện đã huy động các nguồn lực nhằm thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển. Huyện cũng cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. BCH Đảng bộ huyện Sông Mã khóa XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng đã ban hành Nghị quyết số 13 về lãnh đạo đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết: Để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất trường học, huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo Phòng GD&ĐT, UBND các xã, thị trấn, đơn vị trường học trên địa bàn tổ chức thực hiện vận động xã hội hóa bằng nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo thông qua nhiều kênh khác nhau. Kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục để tiếp nhận việc đóng góp của cán bộ, nhân dân trên địa bàn đảm bảo thiết thực, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Cơ sở vật chất được xây dựng khang trang giúp học sinh yên tâm học tập.
Cơ sở vật chất được xây dựng khang trang giúp học sinh yên tâm học tập.

Phát huy hiệu quả sử dụng...

Trước đây điểm trường bản Đứa thuộc trường tiểu học Chiềng Sơ, xã Chiềng Sơ chỉ có 3 phòng học xây từ năm 2002, học sinh phải học tại 2 phòng học tạm bợ bằng tre nứa và 1 phòng học là nhà văn hóa cũ của bản. Được sự hỗ trợ của Liên trường Archimedes Academy Hà Nội, điểm trường được xây dựng thêm 3 phòng học, với cổng tường rào bao quanh, công trình vệ sinh và sơn sửa lại các phòng học với tổng kinh phí 450 triệu đồng. Nay điểm trường được xây mới và đưa vào sử dụng, con em vùng cao đều háo hức đến trường, người dân đều phấn khởi.

Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sông Mã, cho biết: Để công tác xã hội hoá giáo dục đạt hiệu quả cao, phòng đã rà soát, đánh giá lại thực trạng cơ sở vật chất của các nhà các trường. Trên cơ sở đó, lập kế hoạch đầu tư theo chủ trương xã hội hóa giáo dục, ưu tiên các nơi thật sự cấp thiết. Cùng với đó, phân công cán bộ phụ trách thường xuyên nắm bắt nhu cầu, khó khăn của cơ sở, để kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy quá trình xây dựng trường học nhanh và hiệu quả.

“Đối với các xã vùng 3, xã khó khăn, huyện tập trung nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đầu tư kinh phí, người dân chủ yếu đóng góp công sức. Còn đối với các xã, thị trấn, điều kiện kinh tế phát triển hơn, Phòng GD&ĐT tập trung huy động nguồn lực đóng góp từ cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh và nhân dân trên địa bàn”, ông Viên nói.

Con em đồng bào vùng cao phấn khởi theo học.

Con em đồng bào vùng cao phấn khởi theo học.

Nghị quyết số 13 của Đảng bộ huyện ban hành được đánh giá là: Trúng - đúng, được minh chứng qua những con số thuyết phục. Từ nguồn xã hội hóa, hơn 65 điểm trường học ở Sông Mã được xây mới, 353 phòng học nâng cấp, sửa chữa. 185 phòng ở bán trú cho học sinh, phòng công vụ cho giáo viên, 31 bếp, 13 nhà ăn; đổ bê tông gần 38.000m2 sân trường, gần 17.000m tường rào và nhiều công trình phụ trợ, thiết bị dạy học... với tổng số tiền gần 65 tỷ đồng.

Cùng với đó, huyện Sông Mã đã huy động từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đóng góp 15 tỷ đồng cho công tác xã hội hóa giáo dục; phối hợp với các đoàn thiện nguyện tổ chức tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng phòng học lắp ghép... với tổng trị giá hơn 1,3 tỷ đồng.

Năm học 2022 - 2023, toàn huyện Sông Mã vẫn còn có hơn 300 điểm trường với cơ sở vật chất thiếu thốn. Vì vậy, huyện đang tiếp tục vận động, huy động các nguồn lực toàn xã hội tham gia vào sự phát triển của sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXI đã ban hành Kết luận số 119 ngày 17/12/2020 về lãnh đạo tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện. Ban Dân vận tỉnh ủy cũng đã khảo sát, đánh giá hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục của huyện Sông Mã để làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn các huyện.

Có thể khẳng định rằng, ngành giáo dục huyện biên giới Sông Mã trong những năm gần đây ngày càng khởi sắc. Ngành GD&ĐT địa phương này đang tin tưởng rằng, với sự quan tâm, đầu tư của Tỉnh, Huyện uỷ, UBND huyện và sự chung tay của cộng đồng, các trường lớp nơi đây sẽ tiếp tục được xây dựng mới, sửa chữa, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Qua đó, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy huyện biên giới ngày càng phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ