Huy động tổng lực lao động sản xuất, phát hành để học sinh có sách

GD&TĐ - Năm học mới 2021-2022 đã cận kề, nhiều nhà xuất bản huy động lao động tổng lực, phối hợp với đối tác phát hành tại các địa phương có phương án cụ thể để sách giáo khoa đến tay học sinh nhanh nhất.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhiều phụ huynh lo sợ con không có sách

Thực hiện những quy định về giãn cách xã hội, các cửa hàng sách và thiết bị trường học trên địa bàn TP Hà Nội đóng cửa khiến nhiều gia đình lúng túng, không biết mua sách cho con ở đâu.

Trước những khó khăn đó, nhiều huynh học sinh ở Hà Nội đã lập nhóm, lên danh sách chi tiết từ tên sách, loại sách tham khảo, đến nhà xuất bản, địa chỉ nhận... và chủ động liên hệ với nhà xuất bản, đặt mua sách online.

Theo chia sẻ của chị Hoa phụ huynh Trường THPT Kim Liên: “Khi đọc, báo đài được biết các nhà xuất bản và công ty sách-thiết bị trường học đều nhận đặt sách trực tuyến, gia đình mới đỡ lo lắng. Tuy nhiên, những sách thuộc danh mục sách nâng cao dường như vẫn là hàng hiếm”.

Theo phản hồi của bộ phận bán hàng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, số sách đặt sẽ đến tay người nhận trong vòng một tuần.

Việc vận chuyển sách giáo khoa từ các nhà kho, công ty phát hành về huyện, xã, đến các nhà trường và phụ huynh, học sinh, giáo viên trước năm học mới đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Huỳnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Văn Bánh (huyện Bình Chánh) cho biết, do thực hiện giãn cách nên trường vẫn chưa nhận được sách giáo khoa cho học sinh khối 1, 2. Theo kế hoạch, ngày 23/8, trường mới được bàn giao số sách đã đăng ký, nhưng trường cũng chưa biết làm cách nào để gửi sách tới học sinh.

95% sách đã được phát hành về các địa phương

Theo ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam cho biết: Đơn vị đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển sách giáo khoa nhằm kịp thời cung ứng đầy đủ sách giáo khoa trước ngày khai giảng. Đến ngày 20/8, khoảng 95% sách đã được phát hành về các địa phương.

Với những tỉnh, thành phố đã có thời gian khai giảng dự kiến, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đề nghị các nhà trường có phương án phù hợp để nhận sách giáo khoa, kịp thời chuyển tới học sinh.

Ngoài ra, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam tiếp tục phối hợp với đối tác phát hành tại các địa phương có phương án cụ thể với từng tuyến đường, chốt kiểm soát để sách giáo khoa đến tay học sinh nhanh nhất. Cùng với đó, các giải pháp công nghệ cũng được linh hoạt đưa ra.

Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đã xây dựng trang “Hành trang số” và số hóa toàn bộ sách giáo khoa, một số sách bài tập và sách giáo viên. Học sinh, giáo viên có thể sử dụng phiên bản điện tử sách giáo khoa, sách bài tập miễn phí tại đây.

Còn theo chia sẻ Mai Vân Thúy làm việc tại Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Nội chưa năm nào có cường độ lao động ngày đêm như hiện nay. Nhóm chị Thúy gồm 3 người, mấy ngày nay, ngay khi xin được giấy phép đi đường, nhóm ngày nào cũng có 3 chuyến đưa sách đến các trường trên địa bàn quận Đống Đa và Tây Hồ (Hà Nội). Riêng địa bàn huyện Thanh Trì, sách được đóng gói và tạm tập kết về kho chờ.

Do dịch Covid-19, không thuê được nhân công, để kịp có sách cho học sinh, các cán bộ được huy động từ đóng gói sách, đến vận chuyển, thậm chí bốc vác sách.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thắng, nhân viên thư viện Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) đã đến trường từ rất sớm. Do bảo đảm phòng, chống dịch nên số giáo viên được huy động đến nhận sách cũng hạn chế. Sau buổi sáng lao động, bê vác và xếp hơn 1.300 bộ sách giáo khoa vào phòng lưu giữ, dù đôi tay ướt sũng, nhăn lại vì mồ hôi khi tháo lớp găng tay nhưng các giáo viên đều phấn khởi vì học sinh đã có đủ sách.

Chị Thắng cho biết, nếu học sinh bước vào năm mới mà vẫn học online, nhà trường có phương án chuyển phát đến tận nhà cho học sinh.

Do thành phố vẫn đang giãn cách nên trường chưa thể giao sách, trong thời gian chờ sách bản in, nhiều nhà trường đã lưu ý phụ huynh có thể tạm thời tham khảo sách giáo khoa điện tử.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ