Tạo niềm tin từ những ca khó
Năm 2015, có khoảng 200.000 người nước ngoài đến Việt Nam khám, chữa bệnh. Tới năm 2018, con số này nâng lên 300.000 người, trong số đó có hơn 57.000 người điều trị nội trú.
Trên thực tế, so với ở nước ngoài thì điều trị tại Việt Nam mang lại hiệu quả cao song mức chi phí tiết kiệm hơn. Khi khám chữa bệnh ở nước ta, các bệnh nhân nước ngoài thường chọn các dịch vụ với những kỹ thuật cao, phức tạp từ nha khoa, ngoại khoa, tim mạch và thẩm mỹ.
Cuối năm 2018,ông Udagawa KemlChi, kỹ sư xây dựng, 62 tuổi, quốc tịch Nhật Bản đã chọn Bệnh viện K để điều trị căn bệnh ung thư trực tràng.
Với tình trạng đau tức bụng dưới một thời gian dài, khó khăn trong đại tiện, ông KemlChi vẫn nghĩ đó là biểu hiện của bệnh lý thông thường đường tiêu hóa nên không đi kiểm tra. Cho đến khi thấy hiện tượng đi ngoài ra máu gia đình mới đưa bệnh nhân tới khám.
Sau khi làm các xét nghiệm, chụp X-quang, siêu âm, nội soi, bác sĩ Bệnh viện K chẩn đoán ông bị ung thư trực tràng giai đoạn tiến triển. Ngay sau đó phác đồ đa mô thức chuẩn trong điều trị ung thư đại tràng đã được đưa ra. Ông KemlChi được chỉ định điều trị hóa xạ trị tiền phẫu, sau đó sẽ phẫu thuật trực tràng.
Tháng 12/2018, kíp phẫu thuật gồm TS.BS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng I cùng các bác sĩ trong khoa và kíp gây mê đã tiến hành phẫu thuật Miles cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật được đánh giá phức tạp bởi khối u tương đối lớn xâm lấn thành chậu, việc phẫu tích gặp nhiều khó khăn, ê-kíp phải thắt mạch máu và chậu trong. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, các bác sĩ lấy trọn vẹn được khối u 4x5cm.
Vợ ông KemlChi cho biết: Nếu quay trở về Nhật Bản, chồng bà sẽ được bảo hiểm chi trả toàn bộ chi phí trong quá trình điều trị. Tại Việt Nam, ông cũng có bảo hiểm ở bệnh viện quốc tế (do công ty hỗ trợ).
“Vợ chồng tôi vẫn quyết tâm chữa trị tại Bệnh viện K. Chúng tôi tin tưởng vào trình độ chuyên môn, trang thiết bị y tế, kỹ thuật tiên tiến mà các bác sĩ bệnh viện K áp dụng trong điều trị ung thư”, bà nói.
Hay câu chuyện mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ về việc một tỷ phú người Đài Loan lâm bệnh nặng trong chuyến thăm Việt Nam đã được các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, phẫu thuật cứu sống. Sau khi khỏi bệnh, trở về quê, bệnh nhân giàu có này đã ủng hộ 100.000 USD cho Bệnh viện Việt Đức, với mục đích đào tạo bác sĩ ở bệnh viện Đài Loan trong lĩnh vực ghép tạng.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nhiều kiều bào, người nước ngoài về Việt Nam ăn Tết đã chọn các dịch vụ khám chữa bệnh kỹ thuật cao tại nước ta vì chất lượng y tế tốt, giá lại rẻ so với ở nước ngoài.
Hiện Bộ Y tế đang xúc tiến dự án “dây rút ngược” nhằm hút Việt kiều, người nước ngoài về nước chữa bệnh. Đề án này cũng sẽ kéo người Việt Nam có nhu cầu khám chữa bệnh ở nước ngoài ở lại điều trị trong nước.
Tập trung kỹ thuật cao
Mặc dù số lượng người nước ngoài và Việt Kiều về Việt Nam chữa bệnh tăng, tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong năm qua vẫn có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài khám, chữa bệnh với chi phí hơn 2 tỷ USD.
Sở dĩ có hiện tượng này vì nhiều Sở Y tế mới chỉ tập trung vào giảm tải, tập trung khám chữa bệnh thông thường, chưa đầu tư phát triển các kỹ thuật cao. Nhiều bệnh viện chưa tập trung tăng cường chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Để giải quyết bài toán này, thời gian tiếp theo ngành Y tế nhất thiết phải đẩy mạnh kỹ thuật cao tại các tuyến trên.
Trước hết, tuyến xã, tuyến huyện phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để người dân tin tưởng ở lại các tuyến này điều trị những bệnh thông thường và bệnh mạn tính.
Bệnh viện tuyến Trung ương sẽ giảm việc khám chữa điều trị cho các bệnh nhân nhẹ, tập trung vào làm kỹ thuật cao, tăng cường dịch vụ theo yêu cầu. Về cơ sở vật chất, các bệnh viện sẽ xây dựng những phòng khám chữa bệnh đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Hiện chúng ta có nhiều bác sĩ giỏi có đôi bàn tay vàng, chuyên môn nghiệp vụ cao đáp ứng được yêu cầu điều trị những bệnh phức tạp. Thực hiện tốt những điều này chúng ta sẽ thu hút được người nước ngoài và người Việt Nam có điều kiện và nhu cầu khám chữa bệnh ở trong nước.
“Để triển khai được đề án “dây rút ngược”, các bệnh viện tuyến Trung ương không được “tham bát bỏ mâm”. Tại sao tuyến Trung ương lại chữa viêm ruột thừa, bó bột, đau bụng, nhức đầu…? Điều này sẽ dẫn tới vấn đề quá tải, làm mất hết hình ảnh bệnh viện.
Trên thực tế, có một số viện mỗi ngày tiếp nhận 6.000 – 8.000 ca khám chữa bệnh, khiến các bệnh viện quá tải, nhếch nhác. Tôi chỉ đạo chỉ khám cho 4.000 người, không thể khám đông như vậy.
Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới phong cách ứng xử trong cán bộ công chức viên chức ngành; Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở khám chữa bệnh, chú trọng đẩy mạnh các dịch vụ chăm sóc, tư vấn dịch vụ… để tạo niềm tin, làm hài lòng người bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh như vậy.