Hướng tiếp cận tích hợp trong điều trị các tổn thương xương phức tạp

GD&TĐ - Dendrimers từ lâu đã được ứng dụng như 'kho thuốc' siêu nhỏ trong nhiều lĩnh vực y sinh học.

GS.TS Nguyễn Cửu Khoa trong phòng thí nghiệm.
GS.TS Nguyễn Cửu Khoa trong phòng thí nghiệm.

Các nhà khoa học đã phát triển thành công nanodendrimer PAMAM G3.5 nang hóa dexamethasone với khả năng giải phóng kép thuốc chống viêm và chất kích thích tạo xương.

Vừa chống viêm, vừa thúc đẩy tái tạo xương

Dendrimers, với cấu trúc siêu phân nhánh gồm lõi kỵ nước và vỏ ưa nước, từ lâu đã được ứng dụng như “kho thuốc” siêu nhỏ trong nhiều lĩnh vực y sinh học.

Chúng phát huy hiệu quả trong các liệu pháp chống ung thư, chữa lành vết thương, nha khoa và kỹ thuật mô nhờ khả năng bao gói thuốc thông qua tương tác tĩnh điện hoặc khoang rỗng bên trong, cho phép kiểm soát quá trình giải phóng thuốc kéo dài.

Nhiệm vụ hợp tác quốc tế cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về: “Điều chế hệ dendrimer đa chức năng bằng phương pháp mô phỏng vỏ nang bảo vệ trên động vật, giúp tăng cường hiệu quả tái tạo xương” thuộc chương trình hợp tác với Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Hàn Quốc (NRF) do GS.TS Nguyễn Cửu Khoa, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu ứng dụng (nay là Viện Công nghệ tiên tiến) và GS.TS Jinkee Hong, Đại học Yonsei, Hàn Quốc đồng chủ trì.

Nhiệm vụ khai thác ưu thế cấu trúc siêu phân nhánh của dendrimer - lõi kỵ nước, vỏ ưa nước để vừa mang vừa giải phóng có kiểm soát cả thuốc chống viêm lẫn chất kích thích tạo xương ngay tại vùng khuyết xương.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phát triển hệ dendrimer mang hoạt tính sinh học kép vừa nang hóa dexamethasone chống viêm, vừa tích hợp các ion và yếu tố kích thích tạo xương để thúc đẩy quá trình kết tinh sinh học tại vùng khuyết xương.

Sự kết hợp giữa kinh nghiệm tổng hợp và thiết kế dendrimer đa chức năng tại Việt Nam, cùng với thế mạnh về vật liệu sinh học của đối tác sẽ hứa hẹn tạo nên bước đột phá trong liệu pháp tái tạo xương.

Các công nghệ nền tảng bao gồm: Hệ 2 pha canxi phosphate giúp giải phóng BMP-2 làm tăng gấp 2,76 lần khả năng tái tạo xương; công nghệ giải phóng ion Ca²⁺/PO₄³⁻ hỗ trợ tái khoáng hóa men rang và mạng zwitterionic cùng liên kết di-tyrosine giúp cải thiện tính cơ - sinh học của polymer. Sự phối hợp này sẽ mang lại lợi ích bền vững cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của cả 2 quốc gia.

Theo GS.TS Nguyễn Cửu Khoa, thay vì chỉ tập trung vào một chức năng đơn lẻ, nhóm nghiên cứu hướng đến việc thiết kế hệ dendrimer mang hoạt tính sinh học kép, vừa chống viêm hiệu quả, vừa thúc đẩy quá trình tạo xương.

Đây là hướng tiếp cận tích hợp mà nhóm kỳ vọng sẽ tạo ra sự khác biệt trong điều trị các tổn thương xương phức tạp. Trong tương lai, nhóm sẽ phát triển các phiên bản dendrimer mới tích hợp hoạt chất sinh học từ dược liệu Việt Nam, tận dụng nguồn nguyên liệu bản địa để mở ra hướng ứng dụng rộng rãi, phù hợp với điều kiện điều trị lâu dài tại Việt Nam.

Mở rộng nghiên cứu điều trị chấn thương xương khớp

Việc tổng hợp thành công PAMAM G3.5 với cấu trúc và khối lượng phân tử chuẩn xác là nền tảng quan trọng cho hệ dẫn truyền thuốc tiên tiến. Các kết quả ban đầu với hệ dendrimer mang DEX cho thấy khả năng giữ và nhả thuốc ổn định, phù hợp với yêu cầu điều trị bệnh mạn tính.

Đặc biệt, khi phối hợp với hydroxyapatite, hệ vật liệu cho thấy tiềm năng thúc đẩy tái tạo xương hiệu quả. Đây là tiền đề để nhóm tiếp tục mở rộng nghiên cứu, hướng đến cải thiện các liệu pháp điều trị chấn thương xương khớp trong y học tái tạo.

Quá trình tổng hợp PAMAM G3.5 được xác nhận qua phổ 1H NMR và khối phổ (MS), khẳng định cấu trúc và khối lượng phân tử chính xác. Việc nang hóa DEX bằng cyclodextrin giúp nâng cao khả năng giữ thuốc so với DEX tự do, đồng thời kiểm soát tốc độ nhả thuốc chậm mà ổn định.

Nghiên cứu đã mở ra hướng ứng dụng thiết thực và bền vững của công nghệ nano vào y tế, hứa hẹn mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng. Thông qua nhiệm vụ, nhóm đã công bố bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín Journal of Molecular Structure, khẳng định tiềm năng ứng dụng của hệ dendrimer trong điều trị viêm và dẫn truyền thuốc.

Kết quả nghiên cứu cũng góp phần nâng cao đáng kể trình độ, kỹ năng và kỹ thuật của đội ngũ nghiên cứu trong tổng hợp và ứng dụng dendrimer. Hợp tác với Đại học Yonsei trong khuôn khổ NRF giai đoạn 2022 - 2024 đã củng cố mối quan hệ nghiên cứu Việt - Hàn, tạo nền tảng cho chuỗi đề tài tiếp theo.

Từ thành công này, các nhà khoa học mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác để phát triển những phiên bản dendrimer mới tích hợp đồng thời nhiều hoạt chất sinh học. Trong đó, đặc biệt chú trọng nghiên cứu vật liệu kết hợp chiết xuất từ dược liệu Việt Nam nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu bản địa, qua đó gia tăng giá trị khoa học và kinh tế của dược liệu truyền thống.

GS.TS Nguyễn Cửu Khoa cho biết, hướng nghiên cứu tiếp theo đang được nhóm lên kế hoạch để đánh giá hiệu quả hệ dendrimer mang hoạt chất tự nhiên cho bệnh lý xương khớp mạn tính. Đồng thời, việc nghiên cứu các biến thể của vật liệu dendrimer để tăng cường hiệu quả và tính tương thích sinh học trong môi trường thực tế cần được chú trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Đi làm sớm, tốt nghiệp muộn

GD&TĐ - Trung bình một khóa đào tạo ở các trường đại học hiện chỉ có khoảng phân nửa tốt nghiệp đúng hạn...

Binh sĩ Ba Lan kiểm tra xe tăng K2.

Tình cảm đã phai nhạt?

GD&TĐ - Lập trường của Ba Lan về cuộc khủng hoảng Ukraine có thể thay đổi sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới bắt đầu vào ngày 18 tháng 5.

Ukraine lo sợ sức mạnh tên lửa Fath-360

Ukraine lo sợ sức mạnh tên lửa Fath-360

GD&TĐ -Giới chuyên gia Ukraine đã bày tỏ sự lo ngại về tầm bắn xa và đầu đạn nặng của tên lửa Fath-360 Iran, hiện đang phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Nga.