Hướng nghiệp thời Covid-19: Chủ động bắt nhịp

GD&TĐ - Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học, nhiều trường ĐH, THPT chủ động xây dựng kế hoạch và chiến lược dạy học cũng như hướng nghiệp online. Chuỗi chương trình tư vấn trực tuyến, tạo hộp thư hướng nghiệp, tuyển sinh, lập riêng trang Facebook tư vấn… là những cách thức đang được các trường ĐH, THPT tại TPHCM thực hiện để tư vấn cho học sinh khối 12.

Các chuyên gia tư vấn - hướng nghiệp trong một chương trình hướng nghiệp trực tuyến. Ảnh: NVCC
Các chuyên gia tư vấn - hướng nghiệp trong một chương trình hướng nghiệp trực tuyến. Ảnh: NVCC

Phong phú hình thức 

Ngoài việc chia sẻ phương pháp, lịch học online, thông tin về mùa tuyển sinh 2020, tổ chức ôn thi miễn phí cũng được nhiều trường thường xuyên cập nhật. Có trường còn sáng tạo trong việc tạo ra video clip ngắn, với câu slogan tư vấn trả lời vui nhộn, hài hước để chuyển tải đến học sinh những thông tin ngành nghề của trường một cách gần gũi và hiệu quả nhất.

Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) không chỉ có đội ngũ tư vấn viên trực 24/24 giờ trả lời các câu hỏi hướng nghiệp học sinh gửi về qua cổng thông tin như email, messenger, Zalo, Viber, fanpage của trường, mà còn xây dựng một chuỗi chương trình tuyển sinh với tên gọi “Your Future - Your Choice” bằng hình thức phát trực tiếp (livestream) tại fanpage của trường. 

ThS Nguyễn Xuân Dung - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông HUTECH cho biết: Hình thức tư vấn trực tuyến, phát trực tiếp (livestream) tại fanpage của trường phù hợp với xu hướng hiện đại, dễ dàng kết nối, tương tác với thí sinh trên cả nước, lại có ý nghĩa đặc biệt trong việc bổ sung thông tin kịp thời cho thí sinh khi phải nghỉ học dài ngày do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

Tương tự trường ĐH, các trường THPT tại TPHCM thời gian qua cũng tích cực thực hiện nhiều giải pháp tư vấn, hướng nghiệp online cho học sinh lớp 12 thông qua email, trang tin của nhà trường và cả trang Facebook cá nhân của thầy cô giáo.

Thầy Phạm Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) cho biết: “Giai đoạn này học sinh đang “đói” thông tin về tuyển sinh, hướng nghiệp. Vì thế, nhiều giáo viên nhà trường lo lắng không chỉ là việc bổ sung kiến thức, tăng tốc dạy bù cho các em, mà còn trăn trở tìm cách để học sinh tiếp cận những thông tin định hướng nghề nghiệp, tuyển sinh.

Ban Giám hiệu thường xuyên thông tin đến giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh cuối cấp những chương trình tư vấn trực tuyến của trường đại học, báo đài để mọi người cùng theo dõi. Có gì thắc mắc các em có thể trao đổi với chuyên gia tư vấn để được giải đáp kịp thời”.

Ứng dụng hướng nghiệp online 

Không chỉ trực tiếp tư vấn trên sóng truyền hình, Internet, nhiều chuyên gia tư vấn, hướng nghiệp còn tìm tòi, xây dựng ứng dụng tư vấn hướng nghiệp trên điện thoại để học sinh đặt câu hỏi, nhận tư vấn miễn phí. Các ứng dụng hướng nghiệp online được tung ra trong thời gian qua dành cho học sinh lớp 12 như: “Tuyển sinh trực tuyến - Kết nối giáo dục”, “JobWay”… cho thấy sự chủ động và đầu tư hết sức bài bản của đơn vị và chuyên gia. 

Với ứng dụng này, thí sinh và học viên có thể tìm kiếm thông báo, tin đăng tuyển sinh và phương án tuyển sinh, thông tin khóa học, chương trình đào tạo, ngành nghề của các trường, đơn vị đào tạo, tư vấn hướng nghiệp. Đồng thời thí sinh cũng có thể so sánh, lựa chọn khóa học và thực hiện đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào trường, đơn vị đào tạo phù hợp trong cả nước.

Chia sẻ về lợi ích của JobWay - ứng dụng hướng nghiệp miễn phí cho học sinh THPT vừa ra mắt, TS tâm lý Đào Lê Hòa An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Việt Nam Bách Nghệ thực hành - Cố vấn chiến lược dự án hướng nghiệp JobWay cho biết: JobWay là sự kết hợp giữa khoa học tâm lý – hướng nghiệp và nền tảng công nghệ 4.0 trên điện thoại thông minh, tích hợp các thông tin khoa học và tính năng tương tác với chuyên gia tâm lý.

Ứng dụng JobWay tích hợp, mô tả hơn 300 nghề, tham khảo từ tài liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và được thiết kế dưới dạng infographic để học sinh tham khảo. 

“Khi tìm hiểu thông tin nghề, người dùng không chỉ thấy những mô tả đơn thuần mà còn nhận ra ưu điểm, khó khăn thường gặp của nghề. Từ đó, lao động trẻ có quyết định chính xác hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp.

Đặc biệt, ứng dụng JobWay còn giúp các em “hiểu mình” thông qua việc thực hành 2 bài trắc nghiệm tâm lý, tính cách nổi tiếng, được hơn 50 nước trên thế giới sử dụng (Holland, MBTI). Sau khi hoàn thành trắc nghiệm, người dùng nhận kết quả miễn phí và nhanh chóng. Đây cũng là cơ sở dữ liệu quan trọng để học sinh tự định hình, chuyên gia có thêm dữ liệu trong việc hướng nghiệp” – TS Đào Lê Hòa An chia sẻ. 

Cũng theo TS Đào Lê Hòa An, JobWay có thể xem là công cụ giúp thầy cô chủ nhiệm hoặc phụ trách công tác tư vấn hướng nghiệp ở trường THPT thực hiện tốt hơn việc tổ chức hoạt động hướng nghiệp và tương tác với học sinh thông qua kênh online trong mùa dịch Covid-19 này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ