Hướng nghiệp gắn với hoạt động kinh tế địa phương
Bá Thước là một trong những huyện miền núi nghèo của tỉnh Thanh Hoá, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khó khăn về điều kiện địa hình, khí hậu, đặc trưng riêng về kinh tế - xã hội, chính vì thế để định hướng nghề nghiệp cho học sinh nơi đây cũng mang đặc thù riêng.
Theo cô giáo Hà Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bá Thước, nhà trường có gần 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức hạn chế, nhiều phụ huynh còn không biết chữ. Khi định hướng nghề nghiệp cho học sinh là cả một vấn đề đòi hỏi nhiều kỹ năng.
“Để định hướng nghề cho các em, nhà trường đã thành lập tổ tư vấn gồm giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách hướng nghiệp, bí thư đoàn trường, cán bộ quản lý. Tất cả phải cùng vào cuộc, thuyết phục phụ huynh, khuyên nhủ các em”, cô Thu chia sẻ.
Cô Thu cũng cho biết, trước hết là phân luồng học sinh, bám vào hoàn cảnh, nguyện vọng và năng lực, sở thích của các em. Một số em có học lực khá, tốt nhưng hoàn cảnh khó khăn, có tư tưởng học xong là bỏ học nhưng tổ tư vấn đã đến thuyết phục các em, gia đình cho các em thi vào các trường cao đẳng, đại học.
Còn lại, đa số học sinh của nhà trường có lực học trung bình, một số yếu kém thì định hướng cho các em đi theo học nghề.
Dù học cao đẳng, đại học hay học nghề thì việc đầu tiên là nhà trường định hướng cho các em những ngành nghề mà địa phương đang cần và tương lai sẽ vẫn cần để làm sao khi các em học xong ra trường phải có việc làm.
“Hiện nay, địa phương thiếu nhiều giáo viên mầm non, tiểu học, chúng tôi động viên cho các em đi học những ngành nghề này. Tuy nhiên cũng sẽ căn cứ vào cả năng lực cũng như tính cách của các em để định hướng sao cho phù hợp. Nghề thì có cắt tóc, gội đầu, cơ khí, ô tô, sữa chữa điện máy… Đặc biệt, Bá Thước những năm gần đây phát triển du lịch cộng đồng, chúng tôi định hướng cho các em đi theo học các nghề như nấu ăn, dọn dẹp phòng…; nghề chăn nuôi vịt cung cấp cho khu du lịch…”, cô Thu cho biết thêm.
Thay đổi tư duy của của học sinh và phụ huynh
Đa số học sinh dân tộc thiểu số nếu không được hướng nghiệp sớm sẽ có tư tưởng bỏ học, ở nhà lập gia đình hoặc lao động tự do. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều trường đã làm tốt công tác hướng nghiệp khiến tăng tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THPT lựa chọn đúng hướng đi.
Theo cô Hà Thị Thu, để thay đổi tư duy của học sinh, phụ huynh đồng bào dân tộc cũng không phải dễ dàng.
“Giáo viên phải đến tận nhà để phân tích cho phụ huynh cũng như học sinh hiểu mục đích của việc định hướng chính là làm sao để sau này các em có công việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, không luẩn quẩn với cái nghèo nữa”, cô Thu tâm sự.
Đối với học sinh dân tộc miền núi, giáo viên phân luồng học sinh để định hướng phù hợp. |
Cũng theo cô Thu, những năm gần đây việc tư vấn hướng nghiệp mang lại hiệu quả cao khi thấy hầu hết học sinh đi theo định hướng của thầy cô đã rất thành công, ngay sau khi ra trường đã có công việc làm ổn định, thu nhập khá. Nhiều em sau khi ra trường đã trở về dạy học tại quê nhà… Đặc biệt, năm học 2021-2022, thành công lớn nhất của nhà trường là có 30 học sinh đi học đại học, có em đậu lớp chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức.
Tại Trường THPT Bắc Sơn (Ngọc Lặc) trong 5 năm qua, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THPT chọn học nghề tăng lên. Nếu năm 2017 tỷ lệ học nghề chỉ đạt tỷ lệ 10-15%, thì năm 2021 đạt 30%.
Thầy giáo Trịnh Bá Phòng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Việc lựa chọn đúng nghề luôn là bài toán khó không chỉ đối với mỗi học sinh, gia đình mà cả nhà trường. Đặc biệt là đối với các trường học ở vùng khó khăn, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Do vậy, công tác tư vấn, hướng nghiệp không chỉ nhằm giúp các em lựa chọn được ngành nghề học phù hợp với khả năng, sở thích bản thân, mà còn phải phù hợp với khả năng tài chính của phụ huynh. Nhờ làm tốt công tác này mà nhiều học sinh cũng như phụ huynh đã thay đổi tư duy, lựa chọn con đường học nghề phù hợp với bản thân cũng như nhu cầu xã hội”.
Đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và xã hội cho thấy, công tác tư vấn, hướng nghiệp đã được các trường THPT ở khu vực miền núi đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, nên số lượng học sinh sau khi tốt nghiệp tham gia học nghề tăng dần qua các năm.
Theo thống kê, số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng có xu hướng tăng lên. Nếu năm 2020 có gần 883 học sinh thì năm 2021 là 1.384 học sinh. Ngoài ra, tham gia học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề còn có gần 2.000 học sinh học các lớp học nghề ngắn hạn như: may công nghiệp, hàn, sửa chữa máy móc nông nghiệp...
Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho rằng, con đường học nghề không phải là lựa chọn dễ dàng với những người trẻ vừa bước qua bậc học THPT, nhưng chắc chắn cơ hội việc làm sẽ rộng mở đối với những học sinh luôn nỗ lực và khẳng định được bản thân với nghề nghiệp mà mình đã chọn.
Vì vậy, nhà trường cần làm tốt việc tư vấn, hỗ trợ phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp, để con em mình có quyết định đúng đắn trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các trường THPT nói chung và trường THPT khu vực miền núi nói riêng làm tốt hơn nữa công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh, từng bước khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.