Hướng nghiệp cho con, phụ huynh vẫn xem nhẹ

GD&TĐ - Cho đến nay vẫn có khá nhiều phụ huynh hiểu chưa đúng hoặc chưa đầy đủ về hướng nghiệp, đặc biệt là đối với các em học sinh chuẩn bị tốt nghiệp. 

Hướng nghiệp cho con,  phụ huynh vẫn xem nhẹ

Có người chỉ dựa theo kinh nghiệm và những điều kiện sẵn có của gia đình để hướng cho con đi theo một ngành nghề nào đó, có người nghĩ rằng hướng nghiệp là sự định hướng để các em lựa chọn những ngành, nghề có giá trị trong xã hội. Thậm chí một số người còn cho rằng công việc đó là của nhà trường...

Dựa vào cảm tính - trào lưu

Công tác giáo dục hướng nghiệp cho thanh, thiếu niên ở nước ta hiện nay vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng. Việc chọn nghề của các em chủ yếu dựa vào cảm tính hoặc theo trào lưu của xã hội. Hậu quả là nhiều em thiếu hứng thú, thiếu động lực và khả năng trong quá trình học tập tại các cơ sở đào tạo nghề, kể cả tại trường đại học đã lựa chọn.

Nhiều em tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng không xin được việc làm đúng với ngành nghề được đào tạo. Thậm chí có em phải nghỉ học giữa chừng vì không có đủ khả năng theo học…

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, được cho là do công tác hướng nghiệp mới chỉ triển khai và thực hiện ở phạm vi trường học chứ chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng, các lực lượng xã hội, cha mẹ học sinh.

Thực chất của hướng nghiệp không phải là sự quyết định nghề mà là giúp các em có được những hiểu biết cần thiết về bản thân, về thế giới nghề nghiệp xung quanh, và những yếu tố ảnh hưởng, tác động tới bản thân trong việc lựa chọn nghề phù hợp và giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa cá nhân với nghề, giữa cá nhân với xã hội.

Hướng nghiệp là giáo dục sự lựa chọn nghề một cách có chủ đích nhằm đảm bảo cho các em có được nghề nghiệp ổn định, phù hợp, lao động đạt hiệu suất cao tạo thu nhập bền vững cho bản thân và cống hiến được nhiều nhất cho xã hội. Hướng nghiệp không chỉ được thực hiện trong nhà trường bởi các thầy, cô giáo mà còn phải được thực hiện ngay tại gia đình và cộng đồng, đặc biệt quan trọng là vai trò các bậc phụ huynh học sinh.

88,7% người muốn con học đại học

Kết quả khảo sát và nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác phát triển và Hỗ trợ kĩ thuật vùng Flamăng, Vương quốc Bỉ (VVOB) phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam gần đây cho thấy, khi giúp định hướng nghề nghiệp cho con, cha mẹ học sinh thường có quan niệm, xem nhẹ việc định hướng nghề, cho rằng chỉ cần định hướng nghề cho những em học sinh “không có kết quả học tập tốt” và không có khả năng học lên cao hơn; Coi trọng con đường học vấn, xem nhẹ việc học nghề: Trong số 572 cha mẹ HS tham gia phỏng vấn về hướng nghiệp, có đến 88,7% người muốn con học cao lên đến đại học.

Chỉ có 10,6% người muốn con học nghề và 0,7% muốn con tham gia lao động; Thường hướng con vào những ngành học đang được coi là “thời thượng”, dễ xin việc hoặc chọn công việc “lương cao, nhàn hạ”, tức là chỉ chú trọng đến những điểm hấp dẫn của nghề, chưa chú trọng tìm hiểu những khó khăn thử thách, các yêu cầu cụ thể của nghề; Áp đặt ý kiến của cha mẹ, thiếu tôn trọng ý kiến của con; Bỏ qua kế hoạch để đạt được mục tiêu nghề nghiệp; Bất bình đẳng về giới trong khi định hướng nghề nghiệp cho con.

Nguyên nhân chủ yếu là do đa số cha mẹ còn thiếu kiến thức cơ bản về hướng nghiệp. Các bậc phụ huynh thường hướng nghiệp cho con theo cảm tính và kinh nghiệm, bỏ qua bước phân tích, đối chiếu xem nghề đó có phù hợp với bản thân con mình hay không.

Cũng theo VVOB, để giúp con hướng nghiệp điều quan trọng nhất là cha mẹ biết được các bước cần làm và cách thực hiện theo một quy trình khép kín được bắt đầu từ đánh giá sở thích, cá tính, khả năng, giá trị và thành tích; Định hướng trên cơ sở tìm hiểu nghiên cứu thông tin nghề nghiệp, thông tin thị trường tuyển dụng, đặt ra các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn; Đặt ra kế hoạch hành động: Chuẩn bị các kỹ năng cần thiết, bằng cấp cần có, đặt ra các tình huống trở ngại và phương án vượt qua…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ