(GD&TĐ) - Thông tin về dịch vụ xe ôm sinh viên tính cước tự động ra đời tại TP Nha Trang từ gần một tháng nay đã thực sự thu hút sự chú ý của dư luận. Lý do đầu tiên của sự thu hút ấy, lại bắt nguồn từ tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ đang chiếm một tỷ lệ rất lớn. Một điều gây nhức nhối hơn cả là không ít công ty, cơ sở kinh doanh tư nhân đã lợi dụng thực trạng này mà bóc lột công sức của những người không có việc làm, nhất là sinh viên tranh thủ làm thêm sinh viên mới ra trường chưa xin được việc làm...
Các nữ xe ôm. Anh minh họa: Báo Đất Việt |
Họ đã bị các ông chủ, bà chủ lợi dụng để bóc lột sức lao động theo nhiều hình thức: Trả tiền lương không tương xứng sức lao động bỏ ra, bớt xén ngày giờ công, bớt xén tiền lương. Hiện tại, chưa có một cơ quan chức năng nào đứng ra để quản lý, theo dõi việc sử dụng cũng như chế độ tiền lương cho người lao động ở các cơ sở tư nhân như vậy cho nên tình trạng này vẫn diễn ra và hậu quả để lại không phải là nhỏ. Chính vì vậy, tên gọi “xe ôm sinh viên tính cước tự động” rất giản dị nhưng đã đưa tới những thông điệp quan trọng: Thứ nhất, sinh viên cần phải có việc làm và biện pháp giải quyết cấp bách việc làm cho sinh viên! Thứ hai: Sinh viên không khó để có thu nhập; không có sự phân biệt giữa sự cao sang hay thấp hèn trong lao động. Điều quan trọng là lao động có tổ chức, có thu nhập chính đáng mang lại lợi ích cho con người.
Trong thực tế, tại các TP như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng có những sinh viên phải chạy xe ôm để kiếm sống trong khi chờ đợi cơ hội để xin được việc làm ở cơ quan nhà nước. Nhưng việc chạy xe ôm giữa chốn “chợ trời” như vậy thường tiềm ẩn không ít những rủi ro, và tới một lúc nào đó, làm hoen mờ cả những tâm hồn còn tinh khôi như tờ giấy trắng khi mới rời ghế nhà trường. Nay, sáng kiến về “xe ôm sinh viên tính cước tự động” đã mở ra hướng mới tốt đẹp hơn đối với những SV muốn có việc làm cấp bách để nuôi sống bản thân và chờ thời như đã nói trên.
Được biết, sáng kiến “xe ôm sinh viên” bắt đầu từ Nha Trang là của một giám đốc trẻ của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Tâm An. Từ sự trải nghiệm thực tế của chính bản thân, vị giám đốc trẻ này đã tiết kiệm và vay mượn để đầu tư cho dịch vụ này, với 10 chiếc xe gắn máy hiệu SYM (giá 14 triệu đồng/chiếc) và đặt 10 bộ đồng hồ đo cước giá 6,5 triệu đồng/bộ. Hiện nhóm của anh có 10 sinh viên và cử nhân mới ra trường nhưng chưa có việc làm tham gia làm thêm, với lương tháng 2 - 2,5 triệu đồng, nếu một tháng chạy được trên 6 triệu đồng còn được chia 40% tổng số tiền đó. Giá cước của dịch vụ “xe ôm sinh viên” vừa rẻ hơn so với xe ôm tự do ở bên ngoài, khách lại được đưa đón tận nơi, nhiệt tình, nhã nhặn và yên tâm với giá cước tự động như khi đi taxi. Chắc chắn không người dân nào có nhu cầu đi xe ôm lại không thích thú với một dịch vụ như vậy.
Từ dịch vụ này, nên chăng các tổ chức, đơn vị liên quan tới việc sử dụng lao động trẻ có thể tính đến việc tạo ra những dịch vụ việc làm thích hợp cho sinh viên; nghĩa là việc làm vừa có tổ chức, vừa hợp lý về thời gian, phù hợp sức khỏe mà lại vẫn đảm bảo được thu nhập. Chẳng hạn như ngoài xe ôm sinh viên, có thể có những dịch vụ như trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh ở nơi công cộng; dịch vụ làm sạch đẹp nhà cửa ở công sở, ở gia đình…Và rất có thể sẽ còn nhiều sáng kiến khác nữa ra đời từ lương tri và trách nhiệm của những người đi trước đối với thế hệ con em của mình.
Hồng Thúy