EU, cùng với Mỹ và một số quốc gia khác, đã áp đặt các hạn chế sâu rộng đối với Moscow để đáp trả hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine từ tháng 2.
“Các biện pháp trừng phạt do EU đưa ra chống Nga đã thất bại. Đó là một thất bại hoàn toàn” – ông Szijjarto nói với hãng tin Roya News của Jordan.
“Ủy ban châu Âu cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ giúp chúng ta kết thúc cuộc chiến này càng sớm càng tốt và nó sẽ khiến nền kinh tế của Nga suy sụp. Kết quả là gì? Nó hoàn toàn ngược lại” – Ngoại trưởng Hungary cho hay.
“Chiến tranh ngày càng trở nên tàn khốc hơn… Và, trong lúc này, nền kinh tế châu Âu đang bị ảnh hưởng rất nặng nề” - ông Szijjarto tuyên bố. Ông cho rằng châu lục này phải hứng chịu một “cuộc khủng hoảng năng lượng to lớn”, cũng như lạm phát cao và gia tăng giá thực phẩm.
Bộ trưởng cho biết Hungary đã trả 7 tỷ euro (6,9 tỷ USD) cho nhập khẩu năng lượng năm 2021, nhưng phải trả 19 tỷ euro (18,9 tỷ USD) trong năm nay. "Con số thật khổng lồ. Và đây là kết quả của một chính sách trừng phạt thất bại”.
Theo ông Szijjarto, thay vì hạn chế kinh tế, EU nên tập trung vào việc đạt được hòa bình trong khu vực. Theo ông, một dàn xếp ở Ukraine có thể là kết quả của các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ.
“Về cơ bản, chúng tôi là những người duy nhất ở châu Âu đang tranh luận ủng hộ hòa bình” - Bộ trưởng Szijjarto bảo vệ quyết định của Hungary trong việc từ chối lời kêu gọi gửi vũ khí cho Kiev và không tham gia vào việc huấn luyện quân đội Ukraine. Ông cho rằng các biện pháp này “góp phần làm leo thang” hơn là giúp chấm dứt xung đột.
Nền kinh tế Hungary chủ yếu dựa vào năng lượng Nga và chính phủ đã chống lại các kế hoạch của Brussels nhằm cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu và khí đốt từ Moscow. Sau các cuộc đàm phán căng thẳng, Budapest đã nhận được một số miễn trừ các hạn chế của toàn khối đối với việc mua nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Tuần này, Hungary cho biết họ sẽ không ủng hộ gói cho vay chung của EU, vốn sẽ đảm bảo khoản viện trợ trị giá 18 tỷ euro (17,9 tỷ USD) cho Kiev.